Đại lý thanh toán ngân hàng quy định chưa cởi mở

Mai Phương
Mai Phương
28/06/2021 06:26 GMT+7

Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện dự thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt (thay thế Nghị định số 110/2014/NĐ-CP) trong bối cảnh Chính phủ quyết tâm thúc đẩy chuyển đổi số, tạo các cơ chế khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt.

Nhưng theo các chuyên gia, một số quy định lại có thể hạn chế mục tiêu đó.

Đại lý thanh toán bị siết chặt?

Một trong những chính sách được chờ đợi nhất tại dự thảo nghị định là chính sách về đại lý thanh toán (hay còn gọi là đại lý ngân hàng - NH). Chính sách này sẽ cho phép NH ủy thác cho các bên thứ ba thực hiện một số dịch vụ cơ bản như mở tài khoản, nạp - rút tiền mặt, chuyển tiền, thu hộ - chi hộ với hạn mức nhỏ. Nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực đã cho phép hoạt động đại lý NH với mô hình thành công khác nhau. Tại Việt Nam, trong thời gian qua NH Nhà nước (NN) cũng đã triển khai thí điểm 3 mô hình đại lý NH của MBank, PGBank và Vietcombank với những kết quả tích cực.
Theo cơ quan soạn thảo, hoạt động đại lý NH góp phần tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ tài chính của người dân. Về phía doanh nghiệp, các NH đang đặt nhiều kỳ vọng chính sách mới sẽ tạo đột phá gia tăng độ phủ (hiện mới ở mức không quá 50% dân số), đặc biệt hướng đến khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Đại diện một NH chia sẻ hiện các nhà băng gặp nhiều khó khăn trong việc cung cấp dịch vụ tại các địa bàn vùng sâu vùng xa do số lượng khách hàng và giao dịch thấp trong khi chi phí mở chi nhánh, phòng giao dịch khá cao, thủ tục phức tạp, dẫn đến hoạt động kém hiệu quả. Nếu NHNN cho phép NH giao cho các bên thứ ba thì việc mở rộng thị trường, phục vụ nhiều khách hàng sẽ tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, dự thảo đã quy định nhiều hạn chế, đặc biệt đối với các đại lý là doanh nghiệp phi NH (không phải tổ chức tín dụng). Dự thảo yêu cầu 80% số lượng đại lý loại này phải hoạt động tại địa bàn nông thôn.
Đồng thời dự thảo lại không cho phép các cá nhân kinh doanh, hộ gia đình hoạt động đại lý. Việc này sẽ khiến cho các NH gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đại lý phù hợp để cung cấp dịch vụ tại khu vực vùng sâu vùng xa như định hướng chính sách. Bên cạnh đó, các NH cũng khá băn khoăn về giới hạn cứng 80% số đại lý phải hoạt động tại địa bàn cấp huyện. Chưa rõ tỷ lệ 80% được đưa ra trên căn cứ thực tiễn nào, và đã tính đến thay đổi về đơn vị hành chính tại các địa phương hiện tại hay chưa? Chẳng nhẽ khi các huyện vùng ven như Đông Anh, Thường Tín, hay Nhà Bè, Củ Chi được nâng cấp thành quận, NH buộc phải đóng cửa các đại lý đang hoạt động tại đó? Trong khi đó, một số nước đã mở rộng đối tượng làm đại lý NH như Trung Quốc đã cho phép các đối tượng là kinh doanh nhỏ (chủ tiệm tạp hóa, quán ăn) tham gia kể từ năm 2011. Hay tại Ấn Độ, các NH được khuyến khích giao đại lý là các viên chức, giáo viên về hưu. Các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Philippines cũng đều cho phép các cá nhân tham gia hoạt động đại lý...

Ngân hàng lớn, nhỏ đều gặp khó

Dự thảo mới đưa ra quy định là mỗi NH có số lượng đại lý là tổ chức khác không vượt quá số lượng chi nhánh hiện có. Theo đánh giá của các chuyên gia, quy định này sẽ khiến những NH nhỏ gặp nhiều khó khăn khi mở đại lý, trong khi chính họ mới là đối tượng có nhu cầu mở đại lý hơn các nhà băng lớn có hệ thống chi nhánh nhiều. Theo đề xuất của NHNN, các NH nhỏ có thể giao đại lý của các NH lớn có nhiều chi nhánh, phòng giao dịch để mở rộng phạm vi hoạt động. Tuy nhiên, điều này trên thực tế rất khó thực hiện vì cạnh tranh, nhận diện thương hiệu... Trong khi NH nhỏ gặp khó với hạn chế về số lượng đại lý thì các NH lớn cũng cho rằng sẽ gặp trở ngại với quy định giới hạn về giá trị giao dịch không quá 200 triệu đồng/ngày và mức phí dịch vụ đại lý không được cao hơn phí NH.
Tính toán cho thấy, các đại lý của NH lớn tại những vùng đông dân cư thông thường sẽ có nhu cầu giao dịch lớn hơn nhiều. Bên cạnh đó, hiện nay, mức phí của các NH đặt ra đối với các giao dịch nạp - rút tiền mặt hay chuyển khoản hạn mức nhỏ rất thấp (trung bình từ 0,3 - 0,6% giá trị giao dịch), một số NH thậm chí miễn phí để thu hút tiền gửi. Nếu áp đặt mức phí này đối với đại lý, đồng thời giới hạn cả giá trị giao dịch họ được phép thực hiện, doanh thu từ phí dịch vụ sẽ còn lại không đáng kể. Mặt khác, để hoạt động đại lý đi vào thực tế, phát triển ổn định lâu dài, các NH cũng không thể trợ giá hay bù lỗ cho đại lý của mình.
Đánh giá chung về nghị định mới của NHNN, chuyên gia kinh tế, TS Trần Đình Thiên cho rằng chính sách đại lý NH, kể cả khi xây dựng theo hướng cởi mở hơn nữa, cũng chỉ là kế thừa kinh nghiệm thực thi cả thập kỷ của các quốc gia khác. Nghị định mới còn thiếu vắng tính định hướng cho sự phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghệ và hội nhập quốc tế, đặc biệt là vai trò của NH số ngày càng được nhiều quốc gia chú ý. Ông Thiên khẳng định: “Việc hoạch định chính sách cần đảm bảo độ mở để có thể thực thi một cách hiệu quả, đáp ứng kỳ vọng người dân. Đằng sau mỗi chính sách đều thể hiện uy tín của cơ quan xây dựng nó. Trong một số giai đoạn, quan điểm thận trọng, an toàn là cần thiết, nhưng nếu chính sách có nhiều hạn chế không ai theo được thì có lẽ cũng chẳng cần ban hành”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.