1. Biết chúng tôi có ý định sẽ trú tại khu vực bãi bồi dưới chân cầu A Sáp (xã Hồng Thượng, H.A Lưới, Thừa Thiên-Huế) bằng lều cá nhân nhưng Hồ Văn Líp vẫn hết sức nhiệt tình. "Các anh thoải mái cắm trại, vui chơi… Chỗ chúng em có những món ẩm thực truyền thống, khi cần các anh có thể gọi món. Lúc rời đi, chỉ cần gửi em chút tiền để gọi là phí vệ sinh môi trường là được", chàng trai Pa Kôh 25 tuổi cười tươi.
Líp kể với địa thế nằm trong lưu vực hồ thủy điện, cứ qua mùa mưa, bãi bồi A Sáp lại phủ lên lớp cỏ non xanh mướt. Cách đây vài năm, Xã đoàn Hồng Thượng tìm cách khai thác để đón du khách tới ngắm cảnh. Thế là, vài căn nhà sàn bằng gỗ được dựng lên, các món ăn, thức uống cũng được chính những cô gái bản địa chế biến phục vụ thực khách. Một khúc sông A Sáp im lìm, lâu nay chỉ để đám bò gặm cỏ được những đoàn viên "đánh thức" bằng cách làm du lịch gần gũi và tôn trọng thiên nhiên.
Lúc gặp một đoàn du khách đến từ TP.Đà Nẵng, tôi hỏi: "Địa điểm này không mấy nổi tiếng, tại sao các bạn có thể tìm đến?". Một thành viên trong đoàn đáp: "Xem hình ảnh qua mạng xã hội, thấy được sự hoang sơ, tươi mát của rừng, của sông…, bọn em quyết định vượt hơn 170 km để tới A Sáp trải nghiệm. "Chữa lành" bằng cách hòa mình vào thiên nhiên, tiếp xúc với những con người bình dị… là cách tốt nhất".
Từ sau dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5 vừa qua, những địa điểm du lịch sinh thái của đại ngàn A Lưới với hình ảnh núi rừng hùng vĩ, cảnh sông suối, bãi cỏ xanh mướt… ở đâu đó trên dãy Trường Sơn xuất hiện nhiều hơn trên mạng xã hội. Những thác A Nôr quyến rũ, suối A Lin mát trong, những ghềnh thác Pâr Le, suối Cân Te… đầy thách thức không chỉ khiến du khách mê mẩn vì đẹp mà nó còn như "liều thuốc" giải nhiệt giữa cái nóng đỉnh điểm.
2. Cũng sau đợt nghỉ lễ vừa qua, Riáh Dung, Bí thư Đoàn xã Gari (H.Tây Giang, Quảng Nam) đăng một loạt hình ảnh giới thiệu về farmstay của mình. Nhìn những hình ảnh tươi xanh của farmstay nằm lọt thỏm giữa rừng già Trường Sơn do Dung chụp vào mỗi bình minh hay lúc chiều tà, một cảm giác bình yên, thư thái cứ thế lan tỏa. Dung rủ tôi về trải nghiệm cảnh quan núi rừng rồi ngủ trong lều do anh dựng. "Đến với Tây Giang nói chung và farmstay của mình nói riêng sẽ thú vị lắm đấy! Buổi ngày, anh có thể đi tắm suối, vào rừng ngắm khu rừng đa cổ thụ, chiều về thì kê bàn ngắm cảnh, nhấm nháp chút rượu tr'đin, ăn rau rừng và các món đặc sản địa phương…", Dung mời gọi.
Tây Giang không thuận lợi để phát triển dân cư như thung lũng A Lưới bởi địa hình phức tạp. Nhưng chính nhờ yếu tố này mà cảnh quan địa phương rất đẹp và hùng vĩ. Là nơi quần cư bao đời của đồng bào Cơ Tu với truyền thống tôn thờ "mế rừng" cùng khẩu ngữ mạnh mẽ "rừng còn Tây Giang còn", có lẽ hiếm nơi nào còn gìn giữ nguyên vẹn nhiều cánh rừng nguyên sinh như nơi đây. Có thể kể đến quần thể rừng đỗ quyên, rừng lim, rừng pơ mu đã được công nhận rừng di sản có tuổi đời hàng trăm năm, ở độ cao hơn 2.000 m so với mực nước biển.
"Đối với đồng bào Cơ Tu chúng tôi, những khu rừng là báu vật. Rừng như người cha kiêu hãnh, trầm mặc tạo nên mái gươl (nhà làng) sừng sững. Rừng cũng như người mẹ hiền chở che, nuôi sống dân làng. Rừng sản sinh tất cả các giá trị văn hóa của người đồng bào thiểu số…", anh Pơloong Plênh, chuyên viên Phòng VH-TT H.Tây Giang, nói. Nhiều năm qua, khi có những đoàn khách muốn tham quan, trải nghiệm các khu rừng, anh Plênh đều trở thành hướng dẫn viên với lòng nhiệt thành hiếm thấy. Bằng tình yêu đặc biệt với rừng và lòng hiếu khách, không riêng gì anh Plênh mà những người Cơ Tu tôi gặp luôn sẵn lòng đón chào những vị khách về với rừng, với niềm tự hào của họ.
3. Đề cập việc xây dựng A Lưới thành một địa phương phát triển, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND H.A Lưới, từng có câu slogan rất hay: "Nơi đáng đến, đáng ở lại và có thứ đáng mang về". Câu slogan trở nên thiết thực khi huyện đang dốc sức đầu tư cho hạ tầng, nhất là trong phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp xanh… Chính quyền H.A Lưới đã hỗ trợ người dân thực hiện các mô hình trồng hoa tulip, nuôi cá tầm, du lịch homestay, rau sạch, nhãn hiệu tập thể Bò vàng A Lưới… Làng văn hóa truyền thống các dân tộc huyện A Lưới tại khu bảo tồn sim cũng chuẩn bị hoàn thành, cũng hứa hẹn sẽ là một địa điểm check-in mới của A Lưới.
Là huyện có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh Thừa Thiên-Huế, thời tiết khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh quan tuyệt đẹp cộng với văn hóa bản địa đặc sắc gắn liền với các dân tộc anh em Pa Kôh, Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Hy…, A Lưới đang dần khẳng định là nơi "đáng đến, đáng ở lại". Để "có thứ đáng mang về", huyện đã phát triển sản phẩm OCOP là bò vàng và chuối già lùn với số lượng đàn và diện tích trồng ngày càng gia tăng. Nếu ai đã từng nếm thử 2 sản vật này hẳn sẽ không bất ngờ với câu nhắn gửi: "Lên A Lưới nhớ mua chuối và thịt bò về…".
H.A Lưới cũng đầu tư xây dựng khu chợ phiên vùng cao vừa để người địa phương bán đồ ẩm thực truyền thống vừa để trưng bày, bán các sản vật, như zèng (thổ cẩm), gà đồi, cá suối, ốc, mật ong rừng, nếp than, gạo ra dư… "Huyện chỉ đạo các điểm du lịch niêm yết giá cả, không chèo kéo, thách giá, hướng tới du lịch sạch, xanh. Ngoài ra, còn có nhiều phương án hỗ trợ phát triển du lịch homestay tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng và một số hộ gia đình", ông Hùng nói.
Trở lại với farmstay của Riáh Dung. Hiện anh và thanh niên địa phương đang phát triển rừng cam bản địa Tây Giang cùng bưởi da xanh với số lượng hàng ngàn gốc, trên diện tích hơn 10 ha. Mô hình "Du lịch sinh thái gắn kết cam bản địa Tây Giang" của Riáh Dung (đã được công nhận ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh từ năm 2019) hiện đang phát huy hiệu quả. Farmstay của Dung cũng "có cái đáng để mang về", đó là cam. "Thiên nhiên đẹp, cuộc sống xanh là vốn tự có mà du khách đi về phía núi có thể trải nghiệm. Nhưng để du khách "có cái đáng mang về", là những kỷ niệm đẹp, vốn kiến thức về văn hóa đồng bào, mang về cả những đặc sản vùng cao…, thì chủ mô hình phải trang bị kỹ năng làm du lịch và xây dựng cả sản phẩm đáng để mua", Dung chia sẻ.
Bình luận (0)