Sáng 10.9, trình bày tờ trình dự án luật Thanh niên sửa đổi tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho hay dự thảo luật đề xuất 7 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua, trong đó có quy định về đối thoại với thanh niên, Tháng Thanh niên, nguồn lực thực hiện chính sách phát triển thanh niên; trách nhiệm thanh niên trong xây dựng bảo vệ Tổ quốc; trách nhiệm của nhà nước đối với thanh niên; trách nhiệm của nhà nước với một số nhóm thanh niên đặc thù...
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự án luật sửa đổi, cho hay Thường trực Ủy ban này đồng tình với sự cần thiết phải sửa luật Thanh niên sau 13 năm thực hiện, cũng như các đề xuất luật hóa quy định về đối thoại thanh niên, Tháng Thanh niên...
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị ban soạn thảo xác định lại cách tiếp cận việc xây dựng các nội dung về quyền, nghĩa vụ và chính sách cho thanh niên một cách khoa học, và có giá trị trong thực tiễn thi hành.
“Mục đích chính của việc xây dựng quyền, nghĩa vụ cũng như chính sách đối với thanh niên là nhằm tạo hành lang pháp lý để thanh niên phát huy sức trẻ, khả năng, trí tuệ đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, ông Bình nêu, đồng thời cho rằng các chính sách mà dự thảo luật đưa ra còn mang tính liệt kê, chung chung, chủ yếu mang tính định hướng nên khó khả thi.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ban soạn thảo bám sát tinh thần Hiến pháp để cụ thể hóa vào dự thảo luật, đặc biệt là các quy định về điều kiện đảm bảo cho thanh niên tiếp cận các quyền mà Hiến pháp quy định. “Vấn đề không chỉ ở chỗ thanh niên có quyền gì, trách nhiệm gì mà cơ bản là cần những điều kiện đảm bảo gì để thanh niên thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình trước xã hội theo Hiến pháp quy định”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bình luận (0)