Đây là gợi mở của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khi chủ trì Hội nghị lấy ý kiến nhân dân cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ở 19 tỉnh, thành phía nam. Hội nghị diễn ra tại TP.Cần Thơ ngày 14.3, với sự tham dự của lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL và 6 tỉnh, thành miền Đông Nam bộ.
Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhận được sự quan tâm, chỉ đạo rất sâu sát của Quốc hội, Chính phủ; các ủy ban của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; các bộ, ngành; chính quyền các cấp; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội… Rất nhiều hội nghị, tọa đàm đã được tổ chức để lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là đông đảo tầng lớp nhân dân.
Băn khoăn quy định bảng giá đất
Theo ghi nhận từ các địa phương, các ý kiến của nhân dân tập trung nhiều vào các vấn đề như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các quy định liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; quy định đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; quy định về thu hồi đất, trưng dụng đất; quy định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quy định về tài chính về đất đai, giá đất…
Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường kiến nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại một số nội dung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn bất cập; cùng với đó là cụ thể hóa nội dung về trường hợp giao đất, cho thuê đất thu tiền sử dụng đất; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… Đặc biệt là xem xét lại quy định về quản lý, sử dụng đất nông trường từ thực tiễn của Cần Thơ trong quá trình quản lý đối với 2 nông trường Sông Hậu và Cờ Đỏ tránh khiếu nại, khiếu kiện kéo dài như trước đây.
Ông Trường cũng kiến nghị, sửa lại thời gian thực hiện kế hoạch sử dụng đất cấp huyện là 30 tháng (2,5 năm) cho phù hợp với thực tiễn, vì kế hoạch sử dụng đất cấp huyện có thời hạn là 1 năm là rất khó thực hiện, gây nhiều phiền phức, tốn kém thời gian, kinh phí của người dân, của các tổ chức và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cũng liên quan đến giá đất, ông Trần Văn Chiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho rằng dự thảo luật quy định xây dựng bảng giá đất hằng năm là rất tốn kém, nên áp dụng như hiện nay 5 năm một lần.
Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, việc ban hành bảng giá đất 5 năm là quá lâu. Bởi tới cuối kỳ, giá đất thị trường biến động lớn so với giá Nhà nước ban hành sẽ dẫn tới giá trị đền bù có độ "vênh" rất lớn, dễ phát sinh khiếu kiện, bức xúc của người dân. Còn nếu ban hành hằng năm như dự thảo thì "vừa ban hành xong lại loay hoay làm bản mới".
Ông Thư đề nghị nên xem xét điều chỉnh thời gian ban hành bảng giá đất phù hợp hơn có thể là hai năm xây dựng bảng giá đất một lần, hoặc là địa phương nào có biến động 20% thì HĐND địa phương sẽ xây dựng điều chỉnh giá đất.
Thế nào là "bằng và tốt hơn"?
Lãnh đạo các tỉnh Đồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu… đều nêu ý kiến về vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện các dự án. Trong đó, đề nghị cụ thể hóa nội dung người dân vùng dự án khi được tái định cư đến nơi ở mới có cuộc sống "bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ". Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho rằng nên quy định điều kiện về hạ tầng kỹ thuật phục vụ người dân, nêu chung chung thì rất khó xác định.
Đồng tình với ý kiến này, PGS.TS Phan Trung Hiền, Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng, nên chăng phải đưa vào 3 tiêu chí để đánh giá so sánh cụ thể thế nào là bằng và tốt hơn như: hạ tầng kỹ thuật gồm đường xá, giao thông; hạ tầng xã hội gồm trường học, bệnh viện, các dịch vụ xã hội và cuối cùng là vệ sinh môi trường đảm bảo.
Cũng liên quan đến chính sách tái định cư, bà Trần Thị Quyên Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, đề nghị cần bổ sung thời hạn giao nền tái định cư và cấp nền tái định cư vào luật. Chẳng hạn quy định cụ thể sau khi quyết định thu hồi đất có hiệu lực thì phải giao nền tái định cư là bao nhiêu ngày? Nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần đưa vào nguyên tắc cưỡng chế là không được cưỡng chế khi chưa cấp nền tái định cư nếu hộ dân đó thuộc diện tái định cư, để hạn chế trường hợp gây ra khiếu nại khiếu kiện, bức xúc của người dân.
Đảm bảo quyền tiếp cận đất đai công bằng
Kết luận tại hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, các ý kiến tại hội nghị tập trung vào những vấn đề người dân quan tâm, những vấn đề là nút thắt, hạn chế, trong quá trình chuyển dịch đất đai trở thành nguồn lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lực lượng lao động. Các ý kiến đóng góp của nhân dân chắc chắn là cơ sở rất quan trọng để làm cơ sở khoa học, cơ sở thực hiện để hoàn thiện Dự thảo Luật đất đai sửa đổi.
Phó thủ tướng cũng chia sẻ về vấn đề tập trung đất đai, cần nghiên cứu kỹ, trên cơ sở phân tích, đánh giá khả năng chuyển đổi nền kinh tế, chuyển dịch lực lượng lao động, tác động của thiên tai, dịch bệnh… Tập trung đất đai cần chú trọng vào phương thức tổ chức sản xuất trên cơ sở huy động đất đai quy mô lớn như cánh đồng mẫu, HTX, doanh nghiệp cùng người dân tham gia... Nhà nước sẽ tạo điều kiện thủ tục nhanh nhất, đơn giản nhất và bảo vệ các cơ chế tham gia cũng như lợi ích của các bên một cách công bằng.
Phó thủ tướng cho rằng, cần hết sức sáng tạo để làm thế nào để xây dựng một chính sách hài hòa được miền Tây, miền Đông và các khu vực khác trên cả nước theo đúng tinh thần của Hiến pháp "đất đai là sở hữu toàn dân". Do vậy, yêu cầu đặt ra của Luật Đất đai (sửa đổi) là phải phù hợp với điều kiện lịch sử, tự nhiên, văn hóa của các vùng, miền; vừa bảo đảm tính đa dạng, sự giao thoa trong chính sách quản lý, phân bổ đất đai, vừa bảo đảm quyền tiếp cận đất đai công bằng của mọi người dân.
Bình luận (0)