Đám cưới học trò
Thầy hiệu phó Trường THCS Na Ngoi (xã Na Ngoi, H.Kỳ Sơn, Nghệ An) Nguyễn Viết Thắng thở dài khi nhắc đến đám cưới của học trò mình. Ông nói với tôi, đợt nghỉ Tết Nguyên đán vừa rồi, có 12 học sinh lớp 8 và lớp 9 của trường đã nghỉ học để lấy chồng, lấy vợ. Các em vẫn hồn nhiên đến trường mời thầy, cô giáo đến dự đám cưới. “Đám cưới học trò mình, nhưng thầy cô không thể đi dự vì chúng đang là trẻ em”, thầy Thắng buồn bã.
Tôi tìm đến bản Na Cáng (xã Na Ngoi). Hơn 12 giờ trưa, sương mù vẫn đang phủ khắp bản làng. Già làng Xồng Nhìa Chù bấm đốt ngón tay tính một lúc rồi bảo: “Nhiều lắm. Học trò nghỉ học để lấy vợ, lấy chồng thì nhiều lắm. Không nhớ hết đâu”.
Già Chù dẫn tôi đến nhà Xồng Bá Mềnh, đang học lớp 8, chuẩn bị cưới vợ. Căn nhà bằng gỗ nằm bên con đường nhựa chỉ cách nhà già Chù vài trăm bước chân. Già Chù gọi cửa. Sau mấy lần gọi, cánh cửa mới mở. Mềnh và vợ sắp cưới là Lầu Mái Xê từ trong phòng ngủ bước ra, bẽn lẽn khi thấy khách lạ bất ngờ đến nhà. “Bố mẹ thằng Mềnh đi rẫy rồi. Con Xê ở xã Nậm Càn, cách đây 10 cây số. Nó đã về nhà này 3 ngày rồi. Theo tục lệ, ngày mai là nhà gái tổ chức đám cưới, 3 ngày sau nữa là nhà trai tổ chức lễ cưới, đưa dâu về”, già Chù nói.
Mềnh người nhỏ thó, ngồi bên vợ sắp cưới, lấm lét nhìn khách. Thi thoảng, cậu lại cúi xuống vuốt vuốt chiếc điện thoại. Cả hai vợ chồng năm nay đều 14 tuổi, đang học lớp 8. Mềnh học ở Trường THCS Na Ngoi, còn Xê ở Trường THCS Nậm Càn. Hai đứa quen nhau, rồi hẹn nhau và cách đây 3 ngày, Mềnh quyết định đi “bắt vợ”. Cậu đến nhà Xê rồi “bắt cóc” Xê đưa về nhà mình. Xê không phản đối và theo tục lệ người Mông, Mềnh và Xê từ đó sống chung với nhau để chuẩn bị cho cuộc hôn nhân. Bố mẹ Mềnh bố trí cho 2 đứa phòng ngủ riêng.
“Em có bị Mềnh ép buộc bắt về đây không?”, tôi hỏi Xê. “Không, hai đứa thích nhau, em cũng muốn về đây”, Xê hào hứng. “Ngày mai cưới, tâm trạng hai đứa thế nào?”. Mềnh và Xê cười bẽn lẽn, không trả lời. “Về đây sống với nhau 3 ngày rồi, em thấy có tốt không?”. “Em nhớ nhà, nhớ mẹ”, Xê cúi xuống, mặt thoáng buồn. “Thế em có muốn cưới Mềnh không?”. “Có”, giọng của Xê hào hứng trở lại. “Cưới nhau rồi hai đứa làm gì để kiếm tiền sinh sống?”. Cả Mềnh và Xê đều lặng thinh.
Già làng Chù trả lời thay cho hai đứa trẻ: “Cưới rồi thì chúng cũng phải tự đi rẫy mà kiếm sống thôi”. Rồi ông nói, tục lệ ở đây là thế, chúng nó ưng nhau là lấy nhau, bất kể tuổi tác, không cản được.
Cách đó mấy ngày, một đám cưới của đôi học trò cũng vừa diễn ra ở bản Na Cáng này. Cô dâu và chú rể đều mới 14 tuổi. Cậu học trò lớp 8 Trường THCS Na Ngoi Xồng Bá Thành quen rồi thích một cô bạn cùng tuổi ở xã Nậm Càn và quyết định đến nhà “bắt vợ”. Hai gia đình sau đó đồng ý tổ chức đám cưới cho hai đứa. Cưới xong, Thành quay lại trường học tiếp, còn vợ đã bỏ lớp, về ở với nhà chồng. Tôi tìm đến nhà Thành, nhưng không gặp ai. Một người hàng xóm bảo, bố mẹ Thành đi làm rẫy, Thành bị đau, sáng nay hai vợ chồng đang ra bệnh viện huyện để khám, chưa thấy về.
|
Già Chù nhìn ra ngọn núi trước nhà đang phủ đầy sương, thở hắt, bảo trẻ con cưới nhau cũng là do chúng tự nguyện, không bị ép. Nếu bị bắt về làm vợ, con gái không ưng, vẫn có quyền hủy cưới mà không bị phạt. Con trai “bắt vợ” về nhà mình, 3 ngày sau mà không cưới nữa thì theo tục lệ, bị phạt 24 triệu đồng. Tự nguyện đấy, nhưng trẻ con cưới nhau, rồi sinh ra trẻ con, khổ lắm. Bám rừng bây giờ cũng khó sống, cho nên lớp trẻ ở đây khi thành niên, phần lớn phải ra bắc, vô nam làm thuê kiếm sống. Làm thuê cũng chỉ đủ ăn, nên cứ khổ mãi.
Giữa đường đứt gánh
7 học sinh lớp 9 và 3 học sinh lớp 8 của Trường THCS Na Ngoi đã “sang ngang” sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua. Sau ngày cưới của học trò, các thầy cô giáo phải đến nhà vận động bố mẹ cho các em tiếp tục trở lại trường. Nhưng chỉ có 3 nữ sinh lớp 9A quay trở lại để theo đuổi chứng chỉ tốt nghiệp THCS vì chỉ 3 tháng nữa sẽ kết thúc năm học.
|
Trước mặt tôi và thầy hiệu phó Nguyễn Viết Thắng, Lầu Y Pó tỏ ra buồn bã khi kể về cuộc hôn nhân mà cô gái 15 tuổi này vừa trải qua. Pó là học sinh giỏi, ham học và đã 2 lần đoạt giải học sinh giỏi huyện năm lớp 7 và lớp 9 (năm lớp 8 vì dịch Covid-19 nên không tổ chức thi).
“Em định học xong lớp 9 sẽ thi vào trường nội trú của tỉnh rồi học lên đại học, nhưng…”, Pó nói rồi dừng lại, cúi mặt xuống. Pó kể, người chồng mới cưới của Pó là con cô họ, nên đã quen biết nhau khá lâu dù nhà ở cách nhau khoảng 30 km. Cách đó 15 ngày, khoảng 11 giờ đêm, khi bố mẹ Pó đã ngủ, Súa cùng một người bạn chạy xe máy đến nhà Pó rồi “bắt cóc” Pó chở về nhà Súa. 3 ngày sau, đám cưới được tổ chức dù Pó chưa muốn. Cưới xong, Pó xin chồng và bố mẹ chồng cho đi học tiếp để lấy bằng tốt nghiệp THCS và được đồng ý. “Chồng em chỉ cho học hết lớp 9 là phải nghỉ”, Pó nói và tỏ ra tiếc nuối khi giấc mơ đại học đã bất ngờ đứt gánh.
Tục lệ ở đây là thế, chúng nó ưng nhau là lấy nhau, bất kể tuổi tác, không cản đượcGià làng Xồng Nhìa Chù (bản Na Cáng, xã Na Ngoi, H.Kỳ Sơn, Nghệ An) |
Cô giáo Vi Thị Châu (chủ nhiệm lớp 9A) khóc khi kể về học trò của mình. Cô nói, trước khi nghỉ tết, cô đã nhiều lần trải lòng với học sinh, vì tương lai của mình, các em hãy khoan lấy chồng, hãy vượt qua hủ tục để đến trường. “Nhưng các em đã không vượt qua được, khi nghe tin các em lấy chồng, tôi đã khóc”, cô Châu gạt nước mắt.
Cô Châu đã chủ nhiệm lớp 9A từ 3 năm nay, từ khi các em đang ở lớp 7. Lúc đó, lớp có 36 em. Dở lớp 7, có 1 em “bỏ cuộc” đi lấy chồng. Lớp 8, có thêm 2 em “đứt gánh” và năm nay, 4 em tiếp tục “sang sông”. Cô bé nhỏ nhắn Lầu Y Pó trở thành cô học trò cưng và là niềm hy vọng của cô Châu vì em ham học, có chí hướng và học tốt. Thế nhưng, cô bé đã không vượt qua được hủ tục.
Đứa trẻ 15 tuổi Lầu Y Mỹ (học lớp 9A) cũng đã trở thành thiếu phụ sau dịp tết vừa qua. Mỹ kể, năm ngoái Mỹ quen Hờ Bá Rùa (ở xã Huồi Tụ, H.Kỳ Sơn, cách xã Na Ngoi khoảng 70 km) qua mạng xã hội. Rùa đang học đại học năm thứ 2 ở Hà Nội. Hai đứa trò chuyện rồi quyết định cưới nhau. Rùa về nghỉ tết, chạy xe máy đến nhà Mỹ rồi rủ Mỹ về nhà mình ở Huồi Tụ. Mỹ đồng ý và sau đó báo cho hai gia đình tổ chức đám cưới. Cưới xong, ở với nhau 3 ngày, Mỹ xin nhà chồng cho đi học hết lớp 9.
Cách Trường THCS Na Ngoi một quãng là Trường tiểu học Na Ngoi 1. Thầy giáo Nguyễn Trọng Cường, chủ nhiệm lớp 5B, thở dài thườn thượt vì một học sinh của mình đã bất ngờ “đứt gánh giữa đường”. 4 năm trước, Xồng Y Xì đang học lớp 4 thì nghỉ học để theo gia đình di cư sang Lào. Hai năm sau, gia đình Xì quay trở về, Xì lại đến trường học tiếp lớp 4. Nhưng chỉ mới giữa lớp 5, dịp nghỉ tết vừa qua, Xì bất ngờ bỏ học đi lấy chồng ở tuổi 13. Chồng của Xì ở xã Tây Sơn (H.Kỳ Sơn), cách đó khoảng 15 km. Thầy Cường nói, không biết hai đứa quen nhau bằng cách nào và hẹn hò nhau ra sao, nhưng ăn tết xong, các thầy cô giáo của trường sững sờ khi biết tin Xì đã bỏ học đi lấy chồng.
(còn tiếp)
Bình luận (0)