Chiều 18.11, tại Trung tâm báo chí TP.HCM, diễn ra buổi họp báo với sự tham gia của Công an TP.HCM, Sở LĐ -TB-XH cùng nhiều cơ quan liên quan để thông tin chính thức vụ ông Nguyễn Tiến Dũng - cán bộ tại Trung tâm hỗ trợ xã hội, có hành vi dâm ô nhiều bé gái tại trung tâm này.
Thời điểm "chín muồi"
PV Thanh Niên đặt câu hỏi: Vào ngày 8.11, Sở LĐ - TB - XH nhận được công văn của Trung tâm công tác xã hội giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.HCM (trực thuộc Sở LĐ -TB - XH) trong đó phản ánh về việc trẻ ở Trung tâm hỗ trợ xã hội (cũng trực thuộc Sở LĐ - TB - XH) bị nhân viên Nguyễn Tiến Dũng nhiều lần dâm ô.
Theo văn bản của Trung tâm công tác xã hội giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.HCM, có 6 trẻ bị ông Dũng dâm ô qua cửa sổ phía sau phòng. Các trẻ phải thay phiên nhau để ông Dũng thực hiện hành vi dâm ô trong đó có K.N là bị nhiều nhất do em này phát triển sớm và hơi "khờ"…
|
Trong công văn nói trên còn có bút phê của ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ - TB -XH, viết “chuyển cho chị Phụng (bà Nguyễn Thành Phụng, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ -TB - XH TP.HCM - PV) tham mưu, trình nội dung cho ý kiến”.
“Sở LĐ - TB - XH nhận được công văn này vào ngày 8.11 nhưng tại sao trước một sự việc nghiêm trọng như vậy, Sở LĐ - TB - XH không báo cáo hay phối kiểm, cung cấp cho công an xử lý vụ việc... Liệu có tình trạng bao che khi Sở LĐ -TB - XH xử lý vụ việc quá chậm, khi Báo Thanh Niên đăng tải mới làm nghiêm”, PV Thanh Niên hỏi.
Trả lời câu hỏi này, bà Phụng cho biết bản thân bà nhận được văn bản có bút phê của Giám đốc Sở LĐ - TB - XH và có xuống hiện trường thu thập thông tin, tìm hiểu xử lý vụ việc. Khi đến thời điểm chín muồi là ngày 17.11 (thời điểm Báo Thanh Niên đăng bài), Sở LĐ -TB - XH và công an mới phối hợp để xử lý cán bộ của trung tâm vì lúc đó thấy đầy đủ cơ sở có hành vi dâm ô.
“Ở đây tôi khẳng định không có việc tin hay không tin báo cáo của Trung tâm hỗ trợ xã hội giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.HCM. Tuy nhiên chúng tôi phải xác minh đánh giá lại trường hợp này để có đề xuất cho lãnh đạo sở”, bà Phụng nói và cho biết thêm đến ngày 17.11 Sở LĐ - TB - XH thấy có đủ cơ sở xử lý ông Dũng và không có việc bao che cho hành vi của ông Dũng.
Dự kiến hôm nay trình cách giải quyết cho lãnh đạo Sở LĐ - TB - XH
PV Thanh Niên chất vấn tiếp ngày 17.11 Báo Thanh Niên đăng tải vụ việc. Sau khi báo đăng, Thành ủy TP.HCM chỉ đạo ở LĐ - TB - XH phải xử lý nghiêm, khẩn trương vụ việc. “Nếu báo không đăng và không có sự chỉ đạo nghiêm của Thường trực Thành ủy TP.HCM, biết đến bao giờ Sở LĐ - TB - XH mới xử lý vụ việc?”, PV Thanh Niên hỏi.
Bà Phụng trả lời trong văn bản có bút phê của Giám đốc Sở LĐ - TB - XH. Do đó muốn hay không muốn thì thứ Hai (ngày 18.11 – PV), bà Phụng cũng phải có văn bản tham mưu cho lãnh đạo Sở LĐ - TB - XH.
“Trước khi trình tôi phải thu thập thông tin và làm rõ thông tin trong báo cáo và quan điểm của mình nếu trong báo cáo trình cho Thường trực Ban giám đốc Sở LĐ - TB -XH nếu có đầy đủ cơ sở, dấu hiệu cấu thành tội phạm, tôi sẽ đề xuất chuyển cho cơ quan CSĐT để xử lý. Đây là quan điểm cá nhân của tôi nếu tôi được trình”, bà Phụng khẳng định.
Sau khi nghe bà Phụng trả lời, PV Thanh Niên nhấn mạnh rằng trong văn bản của Trung tâm công tác xã hội giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.HCM khẳng định rất rõ, nhiều lần rằng hành vi của ông Dũng là dâm ô. Tại sao sau khi nhận được công văn không chuyển cho Cơ quan CSĐT xử lý. Liệu hành động đó có bao che hay không?
Bà Phụng trả lời: “Bản thân tôi không quyết định được việc này vì phải chấp hành chỉ đạo trình Thường trực Đảng ủy, Ban giám đốc Sở LĐ - TB - XH. Trong quyết định trình, tôi có quyền đề xuất và quyết định xử lý như thế nào cho lãnh đạo sở”.
|
"Từ 8 - 15.11, Sở LĐ - TB - XH đã làm gì để xác minh vụ việc?", bà Phụng trả lời: “Văn bản được lãnh đạo sở bút phê ngày 8.11, khi trả cho phòng Bảo trợ xã hội ngày 11.11, lúc này tôi đang đi công tác ở Hà Nội. Sau khi về TP.HCM, tôi đến ngay Trung tâm hỗ trợ xã hội. Biện pháp tôi thực hiện là vừa đọc tài liệu vừa kiểm tra thông tin và xuống hiện trường. Việc này tôi thực hiện một mình, có một số buổi tôi có báo cho trưởng đoàn thanh tra”. Theo bà Phụng, bà nghe thông tin của nhân viên ở Trung tâm hỗ trợ xã hội xem có phản ánh về sự vụ hay không để thu thập tài liệu báo cáo cho lãnh đạo sở.
Chưa đồng ý với trả lời của bà Phụng, nhiều phóng viên truy trách nhiệm của lãnh đạo Trung tâm hỗ trợ xã hội - nơi để xảy ra vụ việc. Bà Phụng thừa nhận trong quá trình thu thập thông tin, bà không làm việc với lãnh đạo trung tâm mà “xuống hiện trường thu thập thông tin, đối chiếu với báo cáo của Trung tâm công tác xã hội giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.HCM xem có khớp hay không”. Ngoài ra bà Phụng nói, còn trao đổi với nhân viên, tiếp xúc với lãnh đạo của Trung tâm công tác xã hội giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.HCM để nghe dư luận của đơn vị phản ánh về ông Dũng, từ đó thu thập thông tin, xây dựng báo cáo.
Tuy nhiên nhiều phóng viên tiếp tục đặt vấn đề: Khi có báo cáo của Trung tâm công tác xã hội giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.HCM, việc đầu tiên của Sở LĐ - TB - XH là phải đình chỉ công tác của ông Dũng để không để ông này tiếp tục hành vi xâm hại đến trẻ em khác. Bởi trong quá trình Sở LĐ - TB - XH tìm hiểu vụ việc, ông này có thể tiếp tục có hành vi tương tự với trẻ em khác.
Bình luận (0)