Dân cần chạy lũ, dự án cứ... treo

Khánh Hoan
Khánh Hoan
30/09/2024 05:49 GMT+7

Trong khi người dân ngày đêm nơm nớp lo sợ, tất tả chạy lũ, thì dự án tái định cư (TĐC) ở khu vực cao ráo dù đã cơ bản hoàn thành vẫn để cỏ mọc um tùm và cứ... treo lại như một nghịch lý đáng buồn tại xã Hưng Hòa, TP.Vinh (Nghệ An).

Dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng ngập lũ ở xóm Hòa Lam, xã Hưng Hòa được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt năm 2013 với kinh phí 36,6 tỉ đồng để di dời 58 hộ dân vùng ngập lũ phía ngoài đê sông Lam. Khu TĐC này nằm phía trong đê sông Lam, được bố trí ở khu vực cao ráo, giúp người dân thoát khỏi cảnh "sống chung với lũ" hàng chục năm qua.

Dự án thuộc danh mục cấp bách, song phải mất 7 năm (2020) mới có vốn để khởi công xây dựng. Đến cuối năm 2023, khu TĐC cơ bản hoàn thành, tuy nhiên người dân chưa thể đến ở do chưa có nút giao kết nối QL46C với khu TĐC. Chưa kể, vì "bị ngâm" quá lâu nên đã phát sinh thêm 24 hộ dân mới cần nơi ở tránh lũ. Để giải quyết 2 điểm nghẽn này, chủ đầu tư dự án (Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An) đã tìm cách gỡ nút giao và đề nghị UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt dự án TĐC giai đoạn 2 để bố trí cho 24 hộ dân phát sinh. Tháng 9.2023, dự án giai đoạn 2 đã được phê duyệt. Thế nhưng, sau 1 năm triển khai, đến nay việc giải phóng mặt bằng (gần 1,9 ha) vẫn chưa xong.

Khu TĐC giai đoạn 1 đã hoàn thiện, đang bỏ không còn 58 hộ dân chờ đợi suốt 11 năm qua vẫn phải "sống chung với lũ" trong tình cảnh nhà cửa xuống cấp, phải vá víu vì không dám sửa chữa lớn. Đợt mưa lũ vừa qua, người dân tất tả sơ tán trong đêm khi nước sông Lam lên nhanh, khiến nhà cửa bị ngập sâu. Để di dời lên nơi ở mới tại khu TĐC, phải mất nhiều tháng để xây dựng nhà, do vậy người dân ở đây sẽ phải tiếp tục chạy lũ khi tình hình mưa lũ năm nay được dự báo rất khốc liệt.

Đây cũng là tình cảnh chung của một số dự án cấp bách khác ở Nghệ An để di dời người dân ra khỏi vùng ngập lũ, sạt lở đất đến nơi an toàn. Tình trạng thi công "rùa bò" và xử lý tình huống kiểu "câu giờ" đã khiến người dân quá mệt mỏi vì chờ đợi. Bài học "mất bò mới lo làm chuồng" không còn mới và vì sinh mạng của người dân hãy đừng để nó tái diễn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.