Ám ảnh chạy lũ
Sau những ngày mưa lớn kéo dài, nước sông Lam dâng cao, chảy cuồn cuộn. Bãi bồi gần chân cầu đường sắt Yên Xuân (xã Xuân Lam, H.Hưng Nguyên, Nghệ An) cũng biến thành sông, mênh mông nước lũ. Hơn chục con thuyền là phương tiện kiếm sống của dân vạn chài và là nơi cư ngụ của họ phải dạt vào bãi bồi, nương tựa bên những gốc cây cũng đang chìm trong nước lũ.
Trên con thuyền rộng chừng 10 m2 là nơi cư ngụ của 8 con người, chị Phạm Thị Hoa (42 tuổi) đang chuẩn bị bữa ăn cho cả nhà. Thường ngày, gia đình bà Hoa sống trong căn nhà tạm dựng trên bãi bồi. Nước lũ tràn về, căn nhà này cũng bị nhấn chìm.
"Nhà tôi và vợ chồng đứa con trai sinh sống ở đây. Nhà này mới dựng 3 năm trước, khi con trai lấy vợ không có chỗ ở, phải dựng tạm. Mưa lớn phải chuyển đồ đạc lên thuyền để chạy lũ", chị Hoa nói và chỉ tay về căn nhà lợp tôn, trống hoác, nước đã dâng ngập hơn 2 m.
Sinh ra trên sông nước và sống trên sông nước, người dân nơi đây luôn ám ảnh với những đợt chạy lũ. Năm 2016, con thuyền cũng là nhà ở của chị Hoa bị bão đánh chìm, rất may cả gia đình thoát nạn. Sau bão, những nhà hảo tâm đã quyên góp cho gia đình bà mua lại con thuyền khác.
"Nước lên nhanh quá, mọi người phải ôm đồ mà chạy. Ban đêm thì khổ vô cùng vì thuyền chật chội, nước sông dâng cao, chảy mạnh nên rất nguy hiểm", chị Hoa kể.
Cạnh "nhà" chị Hoa là con thuyền khác đang tròng trành trong nước lũ. Đó là nơi cư ngụ của 7 thành viên trong gia đình bà Phạm Thị Hà (54 tuổi). "Cha mẹ tôi sinh sống trên sông nước và tôi được sinh ra trên thuyền. Lớn lên, lấy chồng cũng là dân vạn chài, sinh con và đã có 4 đứa cháu cũng ở trên thuyền. Cuộc sống cơ cực lắm, chài lưới bữa được bữa không, kiếm cái ăn cũng đã khó rồi, nói chi chuyện mua đất làm nhà", bà Hà thở dài.
Căn nhà cao ráo nhất ở bãi bồi ven sông này là của anh Nguyễn Xuân Toàn (44 tuổi) và chị Phạm Thị Thủy (35 tuổi). Anh Toàn quê ở Quảng Bình, sinh ra và lớn lên trên con thuyền ở xóm vạn chài này. Chị Thủy cùng cảnh ngộ và cả hai vợ chồng đều không biết chữ. Năm trước, chị mang hồ sơ đi nộp để làm công nhân may mặc nhưng khi phỏng vấn, biết chị không biết chữ nên công ty không nhận. Buồn tủi cho thân phận của mình, chị Thủy đặt hết hy vọng vào 3 đứa con đang tuổi ăn học và mong chúng sẽ thoát khỏi cảnh sông nước này. Vợ chồng chị xây cái nhà, làm gác xép để cất đồ đạc khi nước lũ lên. Nhưng nước lũ về, ngập nhà thì vẫn phải chạy đi sơ tán.
3 năm trước, bố của chị Thủy chèo thuyền khi trời đang mưa gió khiến thuyền bị lật và tử vong ở tuổi 52. Không lâu sau, cháu trai mới 18 tháng tuổi, con người em trai của chị Thủy, cũng bị rơi từ trên thuyền xuống nước nhưng người lớn không biết nên bị tử vong.
"Cuộc sống trên thuyền khổ lắm vì chật chội, nguy hiểm nhưng lên bờ thì không có đất dựng nhà, chỉ làm được nhà tạm ven sông để ở qua ngày, mưa lũ là ngập. Nghề chài lưới ngày càng khó vì cá tôm ít dần, nhưng lên bờ xin làm công nhân thì không được vì không biết chữ", chị Thủy than thở.
Giấc mơ lên bờ
Cạnh nhà vợ chồng chị Thủy là căn nhà tạm bợ của ông Nguyễn Xuân Quang (66 tuổi). Ông Quang là cư dân nhiều tuổi nhất ở xóm vạn chài. Khi mưa lũ tràn về, căn nhà của ông chìm nghỉm trong nước. Vợ bị bệnh không đi lại được, chạy lũ, ông Quang phải bế vợ lên thuyền để tìm nơi trú ẩn.
"Bình thường thì không sợ vì quen với sông nước rồi, nhưng mưa lũ, nước to và chảy xiết nên cũng rất lo. Mấy ngày qua, mưa lớn, nước lên nhanh, hai vợ chồng già co ro trong con thuyền tròng trành không ngủ được. Tôi thì biết bơi nên thuyền có chìm cũng còn cơ hội, vợ thì nguy hiểm vì không đi lại được", ông Quang nói.
Cuộc sống bám víu vào những con thuyền đã cũ kỹ dù thu nhập từ nó chỉ đủ chắp vá qua ngày, nhưng với người dân xóm vạn chài, con thuyền là tài sản quý nhất. Khi chạy lũ, người dân không muốn rời khỏi khu bãi bồi đã ngập nước lũ này vì còn phải trông coi thuyền. Chỉ có phụ nữ và trẻ em sơ tán đến ở nhờ nhà người thân hoặc đến nơi được chính quyền bố trí, đàn ông ở lại trên chòi để canh thuyền. Nếu thuyền bị đánh chìm thì có thể xuống ứng cứu kịp.
Ông Nguyễn Văn Phận, Chủ tịch UBND xã Xuân Lam, cho biết trong khoảng hơn chục hộ dân đang sống ở xóm vạn chài, có 6 hộ dân là cư dân của xã, 3 hộ đã có nhà tạm và 3 hộ phải sống trên thuyền. Các hộ còn lại ở Hà Tĩnh, bên kia sông Lam, qua đánh cá và sinh sống.
"Mỗi khi có bão, lũ, xã đều cử cán bộ xuống kiểm tra, vận động người dân đi sơ tán vì ở trên thuyền và các nhà tạm ven sông rất nguy hiểm. Ban ngày còn đỡ, ban đêm lũ từ thượng nguồn đổ về bất ngờ thì việc sơ tán rất vất vả vì người dân muốn bám thuyền để giữ thuyền", ông Phận cho hay.
Nói về tương lai của những hộ dân xóm vạn chài này, ông Phận thông tin, hiện trên địa bàn xã có 1 khu tái định cư dành cho 100 hộ dân sống ngoài đê sông Lam thường bị ngập lũ, nhưng đang bỏ không vì người dân không muốn di dời.
Dự án khởi công từ năm 2011, do thiếu vốn nên 10 năm sau mới hoàn thành và đến nay, người dân đã xây dựng nhà cửa cao ráo, ổn định cuộc sống ở vùng ngoài đê nên chỉ còn rất ít hộ có nhu cầu di dời đến khu tái định cư này. Xã đã đề xuất huyện, tỉnh bố trí đất cho các hộ dân ở xóm vạn chài được tái định cư để họ có đất dựng nhà, thay đổi cuộc sống.
"Chúng tôi cũng rất muốn người dân xóm vạn chài có đất để an cư, thoát cảnh sống trên sông nước bấp bênh và nguy hiểm. Quyết định cuối cùng thuộc về tỉnh nên đang phải chờ", ông Phận nói.
Bình luận (0)