Theo dự đoán của Liên Hiệp Quốc, dân số toàn cầu sẽ đạt 9 tỉ vào năm 2037. Loài người từ thời tiền sử phải mất hơn 5 triệu năm để đạt đến con số 1 tỉ nhưng chỉ cần thêm 200 năm để đạt mốc 7 tỉ người.
Một khu chợ ở Kolkata, Ấn Độ. Liên Hiệp Quốc dự đoán Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2023 |
CNN |
Trong một tuyên bố, Liên Hiệp Quốc cho biết con số 8 tỉ có nghĩa là 1 tỉ người đã được thêm vào dân số toàn cầu chỉ sau 12 năm.
Niềm vui
“Sự tăng trưởng chưa từng có này là do tuổi thọ con người nâng cao dần nhờ những cải thiện về sức khỏe cộng đồng, dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân và thuốc men. Nó cũng là kết quả của mức sinh cao và dai dẳng ở một số quốc gia”, tuyên bố của Liên Hiệp Quốc ghi.
Gặp những em bé chào đời khi dân số thế giới chạm mốc 8 tỉ người |
Các quốc gia có thu nhập trung bình, chủ yếu ở châu Á, chiếm phần lớn mức tăng trưởng dân số trong thập kỷ qua, đạt khoảng 700 triệu người kể từ năm 2011. Ấn Độ đã tăng thêm khoảng 180 triệu người và sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm tới, theo CNN.
Thawanny Silva de Souza, 6 tuổi (trái) và Rafael Silva de Souza, 9 tuổi (phải) ăn bữa trưa gồm cơm, đậu và trứng tại nhà của gia đình ở khu ổ chuột Arco Iris, Recife, Brazil, ngày 15.9.2022. Lạm phát tràn lan và hậu quả của đại dịch đã đẩy tình trạng mất an ninh lương thực ở Brazil lên mức gần như không thể nhận ra cách đây một thập kỷ. Cứ ba người Brazil thì có một người nói rằng gần đây họ phải vật lộn để nuôi sống gia đình |
reuters |
Nhưng ngay cả khi dân số toàn cầu đạt mức cao mới, các nhà nhân khẩu học lưu ý rằng tốc độ tăng trưởng đã giảm dần xuống dưới 1% mỗi năm. Điều này sẽ ngăn thế giới đạt mốc 9 tỉ người cho đến năm 2037. Theo Liên Hiệp Quốc, hầu hết trong số 2,4 tỉ người được bổ sung trước khi dân số toàn cầu đạt đỉnh sẽ được sinh ra ở vùng cận Saharan châu Phi, đánh dấu sự chuyển dịch khỏi Trung Quốc và Ấn Độ.
Liên Hiệp Quốc ca ngợi sự gia tăng dân số đạt được khi mức tử vong giảm và tuổi thọ tăng lên. Tuổi thọ toàn cầu là 72,8 tuổi vào năm 2019, tăng gần 9 năm kể từ năm 1990. Tuổi thọ trung bình của toàn nhân loại được dự đoán là 77,2 tuổi vào năm 2050.
Thành phố Lagos đông dân nhất của Nigeria là một trong những đô thị châu Phi sẵn sàng trở thành siêu đô thị mới của thế giới |
cnn |
“Đây là dịp để tôn vinh sự đa dạng của chúng ta, đồng thời ngạc nhiên trước những tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực y tế, sức khỏe giúp kéo dài tuổi thọ và giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở bà mẹ, trẻ em. Đồng thời, đó là lời nhắc nhở về trách nhiệm chung của chúng ta trong việc chăm sóc hành tinh này và là thời điểm để suy ngẫm về những gì chúng ta vẫn chưa thực hiện được qua cam kết giữa các quốc gia với nhau”, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres nhận định.
Tác động môi trường
Rất nhiều người trên trái đất gây ra áp lực lớn, tàn phá thiên nhiên khi con người cạnh tranh với động vật hoang dã để giành nước, thức ăn và không gian sống. Trong khi đó, dân số tăng nhanh kết hợp với biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng di cư hàng loạt và xung đột trong những thập kỷ tới, các chuyên gia nhận định.
Một đứa trẻ ở Turkana, nơi bị ảnh hưởng bởi hạn hán ngày càng trầm trọng do mất mùa mưa, được kiểm tra tình trạng suy dinh dưỡng tại một phòng khám y tế tiếp cận tổng hợp của UNICEF và Hội Chữ thập đỏ Kenya ở làng Kakimat ở Turkana, Kenya ngày 27.9.2022 |
reuters |
Và cho dù đó là thức ăn hay nước uống, pin hay xăng dầu, mỗi cá nhân sẽ có ít thứ được dùng hơn khi dân số toàn cầu tăng lên. Nhưng con người đạt mốc 8 tỉ sẽ tiêu thụ bao nhiêu tài nguyên, năng lượng cũng rất quan trọng, buộc các nhà hoạch định chính sách phải tạo ra sự khác biệt lớn bằng cách thay đổi mô hình tiêu dùng mà ở đó người dân các nước giàu cần tiết kiệm hơn trong việc sử dụng và khai thác tài nguyên.
Tờ USA Today đưa tin: theo một phân tích năm 2020 của Viện Môi trường Stockholm và tổ chức phi lợi nhuận Oxfam International, lượng khí thải carbon của 1% người giàu nhất, tức khoảng 63 triệu người, cao hơn gấp đôi lượng khí thải của một nửa nhân loại nghèo nhất trong giai đoạn 1990-2015.
Đám đông trong Lễ hội Heavy Metal Wacken Open Air 2022 ở Wacken, Đức ngày 4.8.2022 |
reuters |
Các chuyên gia cho biết áp lực về tài nguyên đặc biệt khó khăn ở các quốc gia châu Phi, nơi dân số dự kiến sẽ bùng nổ. Đây cũng là những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tác động của khí hậu và cần nhiều tài chính hơn để chống biến đổi khí hậu.
Đà tăng trưởng dân số mạnh mẽ bắt đầu chậm lại
Dân số đã tăng gấp đôi trong 5 thập kỷ qua từ khi dân số toàn cầu đạt 4 tỉ người vào năm 1974. Và chỉ mất hơn 1 thập kỷ để hành tinh xanh có thêm 1 tỉ người, rồi đạt mốc 7 tỉ vào năm 2011.
Một đứa trẻ đứng trong nhà ở Bogawantalawa, Sri Lanka ngày 29.4.2022 giữa cuộc khủng hoảng kinh tế của đất nước |
REUTERS |
Các quốc gia có thu nhập trung bình thấp và rất thấp “đóng góp” nhiều nhất vào các cột mốc quan trọng này. Châu Á và châu Phi "góp" nhiều nhất vào sự tăng trưởng, trong khi dân số châu Âu trên đà giảm sút.
Giúp thúc đẩy tăng trưởng dân số ở châu Á là Ấn Độ - quốc gia sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành nước đông dân nhất thế giới trong năm 2023. Trung Quốc được dự đoán sẽ chứng kiến sự sụt giảm dân số trong vài thập kỷ tới.
Nhưng có thể mất một thời gian nữa để loài người tiếp nhận thêm 1 tỉ người trên hành tinh. Liên Hiệp Quốc cho biết vào năm 2020 tỷ lệ tăng dân số toàn cầu lần đầu tiên giảm xuống dưới 1% kể từ năm 1950. Hiện tại, tỷ lệ sinh ở mức 2,3 ca sinh/phụ nữ, giảm so với mức trung bình 5 ca sinh/phụ nữ vào năm 1950. Đến năm 2050, tỷ lệ này dự kiến sẽ giảm nhẹ xuống còn 2,1 ca sinh/phụ nữ.
Dân số toàn cầu được dự đoán sẽ đạt mốc 9 tỉ vào năm 2037 và 10 tỉ vào năm 2058, báo hiệu tốc độ tăng trưởng dân số đang giảm dần.
Liên Hiệp Quốc dự đoán dân số toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào khoảng 10,4 tỉ người vào những năm 2080 và duy trì ở mức đó cho đến năm 2100.
Người dân đưa tay nhận bánh mì ở Kabul, Afghanistan, ngày 31.1.2022 |
REUTERS |
Bất chấp xu hướng tích cực về tuổi thọ được ca ngợi trong báo cáo của Liên Hiệp Quốc, ông Guterres cho biết trong một ý kiến đăng trên tờ USA Today rằng hàng tỉ người vẫn tiếp tục đấu tranh để kiếm miếng ăn và khoảng cách giàu nghèo phải được thu hẹp để chấm dứt bất bình đẳng. Ông cảnh báo biến đổi khí hậu, nạn đói và chiến tranh ở Trung Đông, Ukraine là những rào cản quan trọng.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres nhìn nhận: “Chúng ta đang chuẩn bị cho một thế giới với dân số 8 tỉ dân, đầy căng thẳng, ngờ vực, khủng hoảng và xung đột”.
Bình luận (0)