Sau khi Chủ tịch UBND TP.Hà Nội yêu cầu cấp nước miễn phí 24/24 giờ cho người dân TP bị ảnh hưởng bởi nước nhiễm dầu thải, ngày 16.10, 4 nhà máy nước tại Hà Nội đồng loạt xả van, cung cấp nước cho các xe téc chở tới các khu dân cư ở xa và mở cửa để người dân xung quanh tới lấy nước sạch về sinh hoạt.
Theo Công ty nước sạch Hà Nội, chỉ từ 16 - 21 giờ ngày 15.10, doanh nghiệp này đã tiếp nhận trên 2.000 cuộc điện thoại đề nghị hỗ trợ được cấp nước.
|
Nhiều người dân xếp hàng đợi đến 1, 2 giờ đêm để lấy được vài xô nước, hệt như thời bao cấp. Năng lực cấp nước sạch miễn phí của TP chưa đáp ứng được nhu cầu, trong khi nước “bẩn” lại bị cắt vô thời hạn để xúc xả đường ống, dân cư nhiều khu vực của Hà Nội rơi vào cảnh “khát” nước thực sự. Nhiều người dân đã huy động hết cả bồn tắm, xô, chậu, cái thì đi xếp hàng lấy nước sạch về nấu ăn, cái thì hứng nước bẩn để còn xả... toilet.
Theo văn bản Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) gửi Sở Xây dựng Hà Nội và khách hàng, sau khi hoàn thành súc xả bể và đường ống, công ty sẽ thông báo cấp nước trở lại, mà chưa biết bao nhiêu ngày.
|
Trước tình cảnh này, người dân đổ xô đến siêu thị mua nước đóng chai về dùng. “Tôi mua sẵn chục bình 20 lít để nấu ăn. Ai biết còn mất nước đến bao giờ”, anh Hải, cư dân một khu chung cư trên đường Nguyễn Tuân (Q.Thanh Xuân), cho biết. Nhiều cửa hàng tiện lợi, tạp hóa cũng “cháy” nước lọc.
Viwasupco chôn dầu thải không đúng quy định
Theo báo cáo nhanh của Sở TN-MT Hòa Bình, sau khi phát hiện dầu thải ở đầu nguồn nước, Viwasupco đã rải cát trên toàn bộ bề mặt đường dính dầu, khoanh vùng dầu chảy tràn trên bề mặt suối, thu gom dầu, nước dính dầu, cây cỏ có dính dầu. Khối lượng thu gom được khoảng 100 lít váng dầu, trong đó 7 bao tải có dính dầu trọng lượng khoảng 60 kg được lưu giữ trong kho chứa chất thải nguy hại tại nhà máy, khoảng 3 - 4 m3 cát dính dầu được chôn lấp tạm thời trong khuôn viên Nhà máy nước sạch Sông Đà.
Tại khu vực sườn dốc suối Trâm còn cát đổ lẫn dầu thải chưa thu gom được khoảng 2 - 3 m3. Sở TN-MT Hòa Bình cho rằng việc Viwasupco chôn lấp tạm thời cát lẫn dầu thải là không đúng quy định về quản lý chất thải nguy hại.
Nước sạch miễn phí cũng... không sạch?
Việc cấp nước miễn phí ngày 16.10 đã xảy ra sự cố người dân khu chung cư HH Linh Đàm đổ nước đi vì chê không sạch. Bà Nguyễn Thị Thảo, sống tại tòa HH1A, cho biết: “Tưởng nước sạch thế nào, hóa ra nước vẩn đục, bốc mùi tanh”. Nhiều người dân ở khu chung cư này đã báo cho ban quản lý tòa nhà và lấy 2 bình nước miễn phí mang sang Nhà máy nước Pháp Vân kiểm tra.
Tối 16.10, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, thông tin việc người dân ở chung cư HH Linh Đàm phản ánh nước do xe téc chở đến cấp cho người dân trong chiều 15 và 16.10 có mùi tanh, vẩn đục là đúng. Tuy nhiên, nguyên nhân là do ban quản lý tòa nhà tự mua nước của đơn vị bên ngoài dùng xe không đảm bảo vệ sinh chở nước đến cho người dân. Phía Công ty nước sạch Hà Nội đã phát hiện và chấm dứt việc này.
Bộ luật Hình sự thiếu hẳn một tội về nguồn nước?* Lỗ hổng nguy hiểm Phân tích về tính pháp lý của vấn đề, luật sư Nguyễn Minh Đức (Phòng Thương mại - Công nghiệp VN) nêu: Thông tư 41/2018 của Bộ Y tế về quy chuẩn nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt có đến 99 chỉ tiêu, chia thành 2 nhóm, A và B. Styren thuộc nhóm B, tức là một chất ô nhiễm hiếm gặp, nên có khả năng Viwasupco đã không kiểm tra chỉ tiêu này khi phát hiện sự cố dầu bẩn, vẫn khẳng định kết quả kiểm nghiệm nội bộ cho thấy nước đáp ứng đủ tiêu chuẩn (khi trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Viwasupco, cũng chỉ khẳng định nươc đáp ứng chuẩn nhóm A - PV). Tuy nhiên, thông tư cũng đã quy định có 5 trường hợp phải test đủ tất cả các chỉ tiêu, trong đó việc phát hiện dầu thải có thể rơi vào trường hợp “khi có sự cố về môi trường có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nước sạch”. Lúc này, nhà máy nước buộc phải test tất cả các chỉ tiêu, trong đó bao gồm cả styren. Nếu họ làm đúng như vậy thì đáng lý ra đã phải phát hiện được dư lượng styren ngay từ ngày đầu tiên.
Ông Đức cũng cho rằng bộ luật Hình sự thiếu hẳn một tội danh về nguồn nước, cũng như thiếu tội danh về nguồn điện.
* Ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm ứng phó sự cố môi trường VN, cho rằng khi xảy ra sự cố này, Viwasupco lúng túng trong xử lý bởi theo các quy định hiện nay họ không thuộc đối tượng phải có kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu; cũng không phải đối tượng phải xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố hóa chất độc.
Theo ông Sơn, điều 208 luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định, tất cả doanh nghiệp có nguy cơ gây sự cố môi trường phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó môi trường, nhưng các văn bản hướng dẫn sau đó lại chia tách ra chỉ còn 2 loại: kế hoạch ứng phó sự cố hóa chất tràn dầu và ứng phó hóa chất độc hại. Nhà máy nước không có dầu, không có hóa chất thì họ không phải làm gì cả. Đây là một lỗ hổng lớn.
Bên cạnh đó, theo ông Sơn, hiện chưa có quy định quan trắc online đối với các doanh nghiệp sản xuất nước dù nước dùng cho ăn uống ảnh hưởng trực tiếp ngay đến sức khỏe con người.
|
Bình luận