Chi nhiều hơn cho giáo dục
Ông Ralf Matthaes, Giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu thị trường Taylor Nelson (TNS), đưa ra những con số cho thấy nhiều người dân Việt Nam đang thực hiện tiết kiệm nhiều hơn. Cụ thể, nếu như trong năm 2011, 55% số người dành 5% thu nhập hằng tháng để tiết kiệm thì qua năm 2012 có hơn 50% người để dành từ 5 - 10% thu nhập hằng tháng. Thậm chí, không ít người còn để dành đến 20% thu nhập. Điều này chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến thị trường bán lẻ trong nước.
|
Bên cạnh đó, phần chi tiêu lớn nhất của đa số người dùng hiện nay là cho giáo dục, chiếm đến 47% tổng chi tiêu. Theo ông Ralf Matthaes, có thể nhiều người cho rằng giáo dục là chìa khóa để giải quyết những khó khăn của nền kinh tế.
Cũng theo nghiên cứu của TNS, người tiêu dùng hiện nay khi lựa chọn sản phẩm sẽ dựa vào các tiêu chí theo mức độ ưu tiên: giá, sự cần thiết và vị trí mua sắm thuận tiện. Đây là điều mà các trung tâm thương mại, siêu thị phải tính đến nếu muốn thu hút người tiêu dùng.
Một điểm đáng lưu ý khác là có đến 52% đàn ông mua sắm hàng tiêu dùng xa xỉ; trong số đó Hà Nội chiếm tới 36% và TP.HCM chỉ chiếm 10%. TNS nhấn mạnh rằng người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng bỏ tiền ra mua hàng xa xỉ vì nghĩ rằng điều đó đồng nghĩa với chất lượng tốt. Điều này hơi khác với các nước phát triển khi người tiêu dùng cho rằng hàng xa xỉ đồng nghĩa với sự khác biệt.
Mua sắm hiện đại phát triển
Trong khi đó, nghiên cứu mới nhất do Kantar Worldpanel Vietnam (một công ty con thuộc Tập đoàn WPP - Mỹ) vừa công bố cho thấy chân dung người tiêu dùng Việt Nam cũng đã thay đổi mạnh mẽ. Trong 5 năm qua, 40% số hộ gia đình khu vực thành thị đã đạt mức thu nhập trung bình trên 2 triệu đồng/người/tháng. Tầng lớp thượng lưu ở thành thị cũng hình thành và không ngừng chi tiêu cho sản phẩm công nghệ hiện đại. Trong 10 năm tới, khu vực thành thị vẫn tiếp tục là điểm đến tiềm năng cho các sản phẩm tiêu dùng tiện lợi, hàng cao cấp, những sản phẩm mới chăm sóc bản thân và thúc đẩy kênh giao tiếp trực tuyến phát triển rộng khắp.
Theo ông David Anjoubault, Tổng giám đốc Kantar Worldpanel Vietnam, hiện 1/3 hộ gia đình ở khu vực nông thôn cũng có thu nhập trên 1 triệu đồng/người/tháng, gấp đôi con số của năm 2008 và phân khúc này cũng bắt đầu chuyển dần sang lối sống hiện đại. Kantar dự báo đến năm 2022, những sản phẩm như xe máy, bếp gas, tủ lạnh và điện thoại di động sẽ có mặt ở hầu hết các hộ nông thôn, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người tiêu dùng tại đây tiếp cận các kênh mua sắm hiện đại.
Hiện kênh mua sắm hiện đại Việt Nam đã bước vào quá trình đa dạng hóa các loại hình bán lẻ. Nhiều loại hình mới ra đời và phát triển, đến năm 2012 đã có hơn 600 siêu thị/đại siêu thị, trên 100 trung tâm mua sắm phức hợp; gần 1.000 siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi. Theo Kantar, giai đoạn 2014-2023 với sự vào cuộc của nhiều tên tuổi lớn trên thị trường bán lẻ quốc tế sẽ tác động mạnh đến thị trường Việt Nam. Mô hình siêu thị/đại siêu thị vẫn đóng vai trò chủ đạo trên thị trường, nhưng loại hình siêu thị siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi sẽ dần thay thế kênh mua sắm truyền thống ở trung tâm các thành phố lớn.
Điều đáng chú ý là các mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) vẫn tăng trưởng mạnh, bất chấp kinh tế khó khăn. Doanh số hàng FMCG năm 2011 đạt 8 tỉ USD và dự báo, tốc độ tăng trưởng trung bình ở phân khúc này đạt 12%/năm, đạt đến 20 tỉ USD trong 10 năm tới.
Mai Phương
>> Cắt giảm chi tiêu
>> Chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2013 khoảng 5,5%
>> Mua sắm máy nông nghiệp ở khu vực ruộng bậc thang
>> Khách mua sắm tại siêu thị tăng mạnh
>> Mua sắm giá rẻ mỗi ngày trên Thanh Niên
>> Hậu Giang: Hơn 1,2 tỉ đồng mua sắm trang thiết bị trường học
Bình luận (0)