Đằng sau dưa cà mắm muối xuất ngoại

20/03/2023 04:12 GMT+7

Có lẽ với nhiều người, việc dưa cà, mắm tôm xuất ngoại mang về hàng trăm triệu USD là câu chuyện lạ lùng, thú vị.

Cũng như chúng ta từng bất ngờ khi thấy cao Sao Vàng, lá chuối, bó dọc mùng, túi đan bằng bẹ chuối... bán trên chợ điện tử lớn nhất thế giới Amazon.

Thế nhưng ngẫm lại thì việc này gần như tất yếu. Chỉ là cơ hội tất yếu được khai thác khá muộn và chưa hết tiềm năng mà thôi.

Chúng ta đều biết, VN có số lượng Việt kiều lớn, phân bổ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, Việt kiều ở Mỹ chiếm tỷ lệ cao nhất; còn ở Nhật, lao động quốc tịch VN dẫn đầu trong tổng số lao động nước ngoài. Cũng vì thế nhiều năm nay, VN luôn vào top 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới. Năm 2022, kiều hối chuyển về VN lên hơn 19 tỉ USD, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Ở chiều ngược lại, những Việt kiều xa quê hương, hầu hết đều nhớ và có nhu cầu các món ăn, gia vị truyền thống. Mỗi khi có dịp về, họ đều tranh thủ tay xách, nách mang từ lọ muối tiêu, chai nước mắm... "chuẩn vị" để có thể chế biến món ăn hương vị Việt dù ở bất cứ nơi nào. Chưa kể thế giới đang ngày càng phẳng, cả trong lĩnh vực ẩm thực. Ngày càng nhiều người nước ngoài thích món Việt và ngược lại. Thực ra, các doanh nghiệp của ta cũng nhanh chóng nắm bắt cơ hội, xuất khẩu đủ loại nguyên vật liệu từ gạo, măng, miến, hạt tiêu, nước mắm, nấm mèo, hồi, quế..., đáp ứng nhu cầu thị trường. Thế nhưng, thực phẩm chế biến thì không hề đơn giản bởi những yêu cầu nghiêm ngặt, khắt khe ở các nước phát triển. Trong nước, ngành công nghiệp chế biến vẫn luôn là điểm trừ khiến cho nông sản chưa phát huy hết lợi thế, tăng giá trị cho cả người nông dân và chính bản thân doanh nghiệp.

Thế nên, đằng sau việc dưa chua, củ cải muối, măng muối, cà pháo, mắm tôm... mở đường qua Mỹ, Nhật, EU đặt ra nhiều vấn đề cho ngành nông nghiệp, thực phẩm trong nước. Thứ nhất, phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế biến sâu là không thể chậm trễ hơn nữa. Không chỉ giải quyết vấn nạn được mùa mất giá, trồng chặt - chặt trồng, việc này còn mở ra nhiều cơ hội đưa sản vật, ẩm thực Việt ra toàn cầu. Thứ hai, tiêu dùng xanh là xu hướng tất yếu của thế giới. Để đáp ứng yêu cầu này, nuôi trồng - sản xuất trong nước cũng phải "xanh" và đáp án chính là ngành nông nghiệp tuần hoàn vừa hiệu quả, vừa an toàn, vừa chất lượng. Rõ ràng, rất nhiều cái chúng ta tưởng là đồ bỏ như đầu tôm, da cá, dăm gỗ, rơm rạ... đều có thể mang lại hàng tỉ USD nếu tận dụng và áp dụng công nghệ để chế biến sâu phục vụ cho các ngành khác. Trong khi đổ bỏ không chỉ lãng phí mà còn gây ô nhiễm môi trường. Tương tự, cà pháo, dưa muối, củ cải, mắm tôm... là những món ăn hết sức dân dã, ai cũng có thể làm, có thể chế biến. Nhưng nếu làm chuẩn chỉnh từ ao chuồng đến bàn ăn đều có thể mang lại giá trị cao. Thứ ba, tập thói quen làm ăn chuyên nghiệp, bài bản. Mở cửa thị trường đã khó, giữ chân người tiêu dùng còn khó hơn. Trong khi đó, vấn đề lớn mà chúng ta hay mắc phải là sự thiếu đồng đều, thiếu ổn định về chất lượng, mẫu mã cũng như các cam kết. Việc này nói rất nhiều lần nhưng vẫn thường xuyên xảy ra ở khắp nơi, ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt.

Hàng triệu người Việt sinh sống ở khắp nơi trên thế giới, rất nhiều món ăn Việt cũng được bạn bè quốc tế yêu thích... là cơ hội lớn để nông sản, thực phẩm, đặc biệt là các món ăn đậm đà bản sắc dân tộc của chúng ta, có cơ hội xuất ngoại. Đó cũng là cơ hội quảng bá ẩm thực, du lịch, đất nước, con người VN với bạn bè thế giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.