Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, Giám đốc Công ty Chuẩn đoán và phát triển tinh thần Khơi Nguồn (TP.HCM), về vấn đề này.
* Khi người trẻ gặp áp lực, khó khăn trong cuộc sống, làm thế nào để có thể vượt qua?
- Khi gặp áp lực, khó khăn trong cuộc sống, các bạn cần phải xả những xúc cảm tiêu cực bằng cách viết, vẽ, trò chuyện, chia sẻ,... để tránh việc dồn nén dẫn đến những hành vi hủy hoại bản thân. Sau đó là cần bình tĩnh để xác định nguyên nhân và tìm cách giải quyết. Bên cạnh đó, việc đảm bảo sức khỏe như ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc... cũng rất quan trọng.
* Anh vừa nhắc đến hành vi tự hủy hoại bản thân. Thực tế cũng đã có những trường hợp tìm đến tự tử, anh nghĩ sao về những quyết định này?
- Tìm đến cái chết là quyết định cực kỳ sai lầm vì không có gì là không thể giải quyết. Đôi lúc có một số sự việc chúng ta phải chịu một số hậu quả do sai lầm của mình nhưng khi chọn cái chết thì cũng đồng nghĩa ta đã cắt bỏ hết đi mọi cơ hội để giải quyết vấn đề cũng như phủi bỏ mọi trách nhiệm với bản thân, người thân và cuộc sống.
* Nếu lỡ gặp tình cảnh áp lực trong việc học, bị nợ môn, áp lực thi cử... thì theo anh, làm thế nào để vượt qua?
- Ta phải xác định lại nguyên nhân của việc khó khăn trong học tập là gì? Nó xuất phát từ năng lực của bản thân hay là do ta chưa cố gắng, hoặc là do tác động của môi trường sống,... Từ đó mới đưa ra cách khắc phục được. Bên cạnh đó trong trường hợp này sự đồng hành của một vài người bạn sẽ rất cần thiết để nhắc nhở, động viên và hỗ trợ việc học của mình. Việc lên kế hoạch học tập và ôn luyện cũng rất cần thiết để có thể vượt qua các kỳ thi hiệu quả. Và nếu không may thi trượt, các bạn có thể nghĩ "cùng lắm thì mình ra trường muộn 1 năm" hoặc là "cùng lắm sẽ có thêm một năm nữa để tu luyện"... chứ mắc gì phải tìm đến cái chết.
* Vậy còn khi gặp trục trặc trong tình yêu, thì vượt qua nỗi buồn bằng cách nào?
- Khi gặp trục trặc trong tình yêu thì cần coi đây là chuyện tất yếu của các mối quan hệ, phải có những lúc trục trặc như vậy người ta mới nhìn lại, chỉnh sửa và trưởng thành trong tình yêu. Nên khó khăn trong tình yêu là một cơ hội để người trong cuộc và mối quan hệ đó trưởng thành. Còn nếu như dừng lại, suy xét rồi mà không thấy đi tiếp được cùng nhau nữa thì buồn là có, đau là có nhưng sẽ tạm thời rồi sẽ tốt hơn vì đó không phải là một nửa đích thực của mình, còn gắn bó nữa chỉ làm nổi đau thêm sâu mà thôi. Nhưng vết thương tình cảm khi chia xa sẽ để lại những vết sẹo, nếu chăm sóc tốt thì sẽ trở thành những hoa văn điểm tô cho đời người và làm hành trang để ta có những cuộc tình chất lượng hơn trong tương lai.
* Theo anh, phải chăng khi sống xa nhà, không có gia đình bên cạnh thì người trẻ dễ nghĩ quẫn hơn?
- Không có gia đình ở bên có thể khiến người trẻ không có người để chia sẻ, động viên khi gặp khó khăn. Nhưng đồng thời nó cũng giúp người trẻ tự lập, trưởng thành và bản lĩnh hơn. Khi xa gia đình thì những người ngoài gia đình như bạn bè, thầy cô có vài trò rất quan trọng và là nơi để mỗi người trẻ có thể tìm đến khi gặp khó khăn.
* Anh khuyên gì với những người trẻ có ý định hủy hoại bản thân khi họ không chịu nỗi những giông bão cuộc đời?
- Với những bạn trẻ đang có ý định hủy hoại bản thân, tự tử thì tôi thiết nghĩ chắc hẳn các bạn đang rất mệt mỏi và gặp nhiều khó khăn và các bạn đã nghĩ rằng bạn đã cố gắng hết sức rồi phải không? Nhưng bạn ơi, có phải bạn đã thử hết cách chưa? Hoặc biết đâu trong lúc rối bời này đầu mình nhiều thứ hỗn loạn quá nên mình chưa nhìn tỏ tường. Nếu thấy mệt mỏi, hãy kiếm ai đó hoặc cái gì đó trút ra hết đi. Rồi bình tâm lại, tâm tĩnh thì trí sáng sẽ thấy "ánh sáng cuối đường hầm" bạn nhé. Ngoài ra, lúc này bạn sẽ rất cần một bờ vai, gia đình, bạn bè sẽ luôn ở bên và đồng hành với bạn nếu bạn mở lòng. Và hơn nữa, hãy nghĩ đến công ơn sinh thành của bố mẹ, nghĩ đến tương lai phía trước, để ngưng lại những suy nghĩ, ý định dại dột. Mọi giông tố cuộc đời đều có cách để "đánh bay".
* Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện!
Bình luận (0)