Đánh giá học sinh không chỉ qua bài làm trên giấy: Có đảm bảo công bằng?

Bích Thanh
Bích Thanh
05/11/2019 07:37 GMT+7

Có thể sử dụng kết quả đánh giá học sinh khi tham gia các hoạt động, thực hiện dự án, nghiên cứu khoa học, thực hành thí nghiệm... để thay thế bài kiểm tra miệng, 15 phút, 1 tiết là chủ trương của TP.HCM. Nhưng theo giáo viên , khi thực hiện cần phải tránh điểm ảo, đánh giá chung chung.

 

Giúp học sinh hứng thú với việc học

Ngay đầu năm học 2019 - 2020, trong các cuộc họp về chuyên môn, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM đã yêu cầu các trường phải tăng cường đổi mới nội dung, hình thức kiểm tra đánh giá.
Theo đó, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết các trường cần đa dạng hóa hình thức các bài kiểm tra, chẳng hạn đánh giá qua việc quan sát các hoạt động trên lớp, đánh giá qua hồ sơ học tập như vở hoặc sản phẩm học tập. Hay đánh giá qua việc học sinh (HS) báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm, tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường, qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập... Giáo viên (GV) có thể sử dụng các hình thức đánh giá nói trên thay cho các bài kiểm tra hiện hành.
Nhiều GV cho rằng trong thời gian vừa qua, Sở đã có định hướng “mở” và có một số môn đã được vận dụng nhiều như sinh học, công nghệ gắn liền với học tập trải nghiệm, tiết học ngoài nhà trường... Đến nay, khi có thể chính thức sử dụng linh hoạt các hình thức kiểm tra, đánh giá HS, GV sẽ có thêm điều kiện thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, giúp phát huy năng lực của HS.
Ông Thiều Quang Thịnh, GV Trường THPT Long Thới (H.Nhà Bè), cho rằng yêu cầu đổi mới hình thức đánh giá HS cũng phần nào tác động mạnh mẽ đến nhận thức của các GV. Người dạy chủ động, tích cực hơn trong triển khai thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thông qua các hình thức mới, không phải bằng các bài kiểm tra viết rập khuôn như trước đây.
Còn ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức), cho biết: “Đã khuyến khích GV đổi mới về phương pháp giảng dạy thì tất nhiên phải đổi mới về kiểm tra đánh giá. Có như vậy mới tương thích và giúp HS hứng thú trong việc học”.

Giải pháp tránh điểm “ảo”

Nhận xét về hình thức kiểm tra truyền thống, thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3), cho rằng kiểm tra giấy, miệng chỉ là hình thức kiểm tra kiến thức được HS ghi nhớ một cách máy móc. “Trí nhớ của con người khác nhau ở mỗi cá thể, theo tôi, hình thức đánh giá như vậy là chưa nhân văn”, ông Du nhận xét.
Tuy nhiên, khi thực hiện đa đạng các hình thức kiểm tra, theo GV này, mỗi hình thức có những đặc điểm khác biệt để đánh giá năng lực HS. Thước đo đánh giá năng lực của HS trước giờ vẫn sử dụng là điểm số (từ 0 đến10). Theo ông Du, đánh giá bằng điểm số như thế khó có thể phân loại được năng lực từng HS rõ ràng và đầy đủ.
Tuy nhiên, ông Thiều Quang Thịnh cho rằng việc đánh giá này cũng có mặt hạn chế ở chỗ làm sao để đảm bảo công bằng cho tất cả HS về sự tham gia đóng góp và năng lực của từng HS trong các bài làm việc nhóm, các dự án... Như vậy, công việc của GV khi đổi mới hình thức kiểm tra sẽ nhiều khâu hơn, phức tạp hơn. Đó là GV phải tự xây dựng những bảng tiêu chí chấm điểm khi bắt đầu triển khai hoạt động và bảng đánh giá hoạt động nhóm sau khi kết thúc hoạt động. Trong hoạt động nhóm thì cần phải có bảng tự đánh giá của mỗi HS và bảng đánh giá lẫn nhau các thành viên trong nhóm.
Từ nhiều năm nay, với môn lịch sử, thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du đã cho HS làm bài kiểm tra 1 tiết hay 15 phút bằng sơ đồ tư duy hay infographic, các dự án hoặc đôi khi là những trò chơi kiến thức. Ông Du thẳng thắn cho biết: “Có tình trạng “cân nguyên team”, nghĩa là một vài HS có năng lực sẽ làm hết cho nhóm”. Trong quá trình đánh giá kỹ năng HS qua làm việc nhóm, ông Du đã rút ra được nhiều kinh nghiệm để hạn chế thực trạng này. Chẳng hạn GV chỉ giới hạn số lượng thành viên trong nhóm, không can thiệp vào việc lựa chọn thành viên. Nhưng nếu có những thành viên không nhóm nào lựa chọn có nghĩa là có “tiền sử” thì phải lập nhóm riêng hoặc làm một mình. GV phải nhấn mạnh ngay từ đầu về các nguyên tắc làm việc nhóm, trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ. Phải nộp bảng phân công công việc giữa các thành viên ngay trong lần họp nhóm đầu tiên. GV cần giải đáp các thắc mắc và khuyến khích HS đấu tranh chống các hiện tượng nể nang trong công việc. Đồng thời, GV phải theo dõi sát sao quá trình làm bài của HS thông qua tiến trình hoàn thành sản phẩm. Nhận xét chi tiết ưu khuyết của sản phẩm và cho điểm toàn nhóm. “Nói chung mỗi hình thức đánh giá kiểm tra đều có ưu và khuyết điểm. Tuy nhiên, các bài tập nhóm có ưu điểm lớn là dạy HS cách hòa nhập, làm việc trong một tập thể dù lớn hay nhỏ, dù quen hay lạ. Biết vì tập thể và đấu tranh chống sự bất công trong tập thể”, ông Du nhận xét.
Để tránh những bất cập, hạn chế trong hình thức đánh giá mới, theo ông Nguyễn Phương Bình, mỗi nhà trường cần phải chủ động trong công tác, xây dựng chương trình tổng thể đồng bộ trong nhà trường. Đồng thời, không vội vã đưa tất cả các hoạt động của nhà trường đều gắn liền với điểm số mà chỉ là những hoạt động cụ thể, thấy rõ ràng sự bổ ích, HS hứng thú tham gia.
Ý kiến
Các thành viên trong nhóm đều phải “xắn tay” làm việc
Thời gian đầu, khi thầy cô yêu cầu thực hiện các bài tập nhóm để lấy điểm kiểm tra, các thành viên trong nhóm đều có những suy nghĩ “phân bì” người làm nhiều, làm ít, có thành viên tích cực và có thành viên ỷ lại. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện hình thức kiểm tra mới này, không chỉ giúp chúng em thực hành kỹ năng làm việc nhóm, hợp tác, chia sẻ, thuyết trình, phản biện mà chính những yêu cầu của GV đặt ra đã giải tỏa những khúc mắc. Từ đó, các thành viên trong nhóm đều phải “xắn tay” vào tham gia để còn biết trả lời khi thầy cô đặt câu hỏi.
Lê Duy (HS lớp 12 Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM)
Có đánh giá chính xác năng lực của học sinh ?
Nếu so sánh hình thức kiểm tra trên giấy với những hình thức kiểm tra mới thì thời gian thực hiện có tương đồng với nhau hay không? Kiểm tra như vậy có đánh giá chính xác năng lực của HS? Việc làm bài tập lấy điểm cho cả nhóm như vậy thì sao để công bằng vì có em làm nhiều, làm ít. Đặc biệt có bé có thể sẽ không dám lên tiếng khi phải làm thay cho cả nhóm vì sợ bị bạn bè xa lánh...
N.T.T (Phụ huynh Trường THPT Lê Quý Đôn Q.3, TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.