Hôm qua (30.7), tờ The Times of Israel đưa Mỹ đang dẫn đầu nỗ lực ngoại giao để ngăn chặn khả năng Israel tấn công thủ đô Beirut hay các khu vực hạ tầng dân sự lớn của Li Băng. Thông tin trên được đưa ra giữa lúc căng thẳng dâng cao giữa Tel Aviv và lực lượng Hezbollah ở Li Băng sau khi một khu vực do Israel kiểm soát ở Cao nguyên Golan cuối tuần qua bị pháo kích khiến 12 trẻ em, thiếu niên Israel thiệt mạng trong lúc đang chơi thể thao.
Tel Aviv lẫn Washington đều cáo buộc Hezbollah đã tiến hành vụ pháo kích, nhưng lực lượng này phủ nhận trách nhiệm dù thừa nhận đã phóng tên lửa vào khu vực xảy ra vụ tấn công. Quân đội Israel đã tấn công trả đũa vào các mục tiêu của Hezbollah trên khắp Li Băng, bao gồm các kho vũ khí và cơ sở hạ tầng ở Thung lũng Bekaa.
Nỗ lực ngoại giao
Tuy nhiên, lo ngại xung đột có thể lan rộng khắp khu vực, Washington đang tìm cách ngăn chặn một cuộc chiến toàn diện giữa Tel Aviv và Hezbollah vốn có được sự hậu thuẫn từ Iran.
Cụ thể, Mỹ muốn Israel không đánh phá các mục tiêu ở thủ đô Beirut, vùng ngoại ô phía nam thủ đô - nơi tạo thành tổng hành dinh của Hezbollah. Washington cũng muốn Tel Aviv không tấn công các hạ tầng quan trọng như sân bay, các cây cầu then chốt. Phó chủ tịch Quốc hội Li Băng Elias Bou Saab cho biết ông đã liên lạc với nhà hòa giải Mỹ Amos Hochstein sau khi xảy ra vụ pháo kích vào Cao nguyên Golan. Theo đó, ông mong muốn Israel ngăn chặn leo thang xung đột quy mô lớn bằng cách tránh cho thủ đô Beirut và các khu vực lân cận.
Các quan chức Israel từng nói rằng Tel Aviv muốn tấn công Hezbollah nhưng không muốn đẩy khu vực vào một cuộc chiến tranh tổng lực. Tuy nhiên, Reuters dẫn lời 2 nhà ngoại giao Trung Đông và châu Âu cho biết Israel chưa đưa ra bất kỳ cam kết nào về việc tránh các cuộc tấn công vào Beirut, vùng ngoại ô hoặc cơ sở hạ tầng dân sự.
Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lẫn đại diện Hezbollah chưa phản hồi về các thông tin trên. Trước đó, Thủ tướng Netanyahu tuyên bố Hezbollah sẽ phải trả giá vì vụ tấn công ở Cao nguyên Golan.
Kịch bản đáp trả của Tel Aviv
Cũng vào hôm qua, trả lời Thanh Niên, một chuyên gia tình báo quốc phòng, là cựu đại tá quân đội Mỹ và từng điều hành một bộ phận tình báo quân sự của NATO ở vùng Balkan, dự báo Israel sẽ tập kích vào các cơ sở quân sự quan trọng nhất của Hezbollah và ít nhất sẽ tìm cách triệt hạ một nhà lãnh đạo quân sự chủ chốt của lực lượng này.
"Nhưng Tel Aviv sẽ không nhắm vào nhà lãnh đạo Hassan Nasrallah của Hezbollah. Bởi người có khả năng kế nhiệm ông Nasrallah là người có khuynh hướng muốn thúc đẩy một cuộc chiến tranh toàn diện. Đây là điều mà cả Tel Aviv lẫn nhà lãnh đạo Nasrallah đều không muốn", vị chuyên gia đánh giá và dự báo: "Vì vậy, có lẽ Israel sẽ tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào một hoặc nhiều cơ sở quân sự của Hezbollah, đồng thời nhắm đến một lãnh đạo khác của lực lượng này".
Liên quan tình hình khu vực, trang Arab News đưa tin tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đã lên tiếng cảnh báo Israel không được tấn công Li Băng và cho rằng nếu Tel Aviv tấn công thì "sẽ phạm sai lầm lớn với hậu quả nặng nề". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanani cũng đưa ra cảnh báo Israel rằng bất kỳ "cuộc phiêu lưu" quân sự mới nào ở Li Băng đều có thể dẫn đến "những hậu quả không lường trước được" và làm "lan rộng bất ổn, mất an ninh và xung đột trong khu vực".
Trong khi đó, Reuters dẫn lời đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định sự ủng hộ của Washington đối với an ninh của Israel là "vững chắc và kiên định trước mọi đe dọa ủng hộ Iran, bao gồm Hezbollah". Tờ The Times of Israel cũng dẫn lời một quan chức Iran cho hay Washington đã chuyển thông điệp tới Tehran ít nhất 3 lần kể từ sau khi xảy ra vụ pháo kích vào Cao nguyên Golan. Trong đó, Washington cảnh báo "tình hình leo thang sẽ gây bất lợi cho tất cả các bên".
Israel, Hamas đổ lỗi cho nhau về đàm phán ngừng bắn
Reuters hôm qua đưa tin Israel và lực lượng Hamas ngày 29.7 đổ lỗi cho nhau về tình trạng không đạt được tiến triển trong việc tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin ở Dải Gaza.
Theo đó, Hamas cáo buộc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã thêm các điều kiện và yêu cầu mới vào đề xuất ngừng bắn do Mỹ hậu thuẫn, sau các cuộc đàm phán mới nhất được tiến hành với sự tham gia của Mỹ, Ai Cập và Qatar. Hamas còn cáo buộc ông Netanyahu đã rút một đề xuất trước đó do các bên trung gian đưa ra dựa trên "văn bản của Israel".
Trong khi đó, ông Netanyahu phủ nhận thực hiện bất kỳ thay đổi nào và cáo buộc Hamas đã ngăn chặn một thỏa thuận bằng cách yêu cầu 29 điều thay đổi đối với đề xuất nói trên. Quan chức chính trị cấp cao của Hamas Izzat El-Reshiq đã bác bỏ cáo buộc này.
Hamas muốn có một thỏa thuận ngừng bắn để chấm dứt xung đột ở Gaza, trong khi ông Netanyahu tuyên bố cuộc xung đột sẽ chỉ dừng lại khi Hamas bị đánh bại.
Văn Khoa
Bình luận (0)