Đánh rắm nhiều, phải điều chỉnh ăn uống như thế nào?

Ngọc Quý
Ngọc Quý
17/07/2020 08:19 GMT+7

Đánh rắm (còn gọi là xì hơi) là hiện tượng rất bình thường của cơ thể. Tuy nhiên, đánh rắm quá nhiều lại là dấu hiệu cảnh báo một số bất ổn trong ruột, theo Reader’s Digest.

Khi đánh rắm quá nhiều, mọi người cần phải điều chỉnh cách ăn uống như sau:

1. Kiểm soát lượng chất xơ

Rau củ, trái cây là những loại thực phẩm lành mạnh rất cần cho sức khỏe. Không chỉ giàu vitamin và các chất chống ô xy hóa, những món này còn chứa rất nhiều chất xơ.
Chất xơ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe như giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt, điều chỉnh đường huyết, nồng độ cholesterol trong máu và kiểm soát cân nặng.
Tuy nhiên, ăn chất xơ quá nhiều sẽ dễ gây đầy hơi, hệ quả là đánh rắm nhiều. Nguyên nhân là dạ dày và ruột non không thể hấp thu một số loại đường trong thực vật. Một trong những loại đường đó là raffinose.
Khi đường raffinose trong rau củ, trái cây đến đại tràng, vi khuẩn đường ruột tại đây sẽ hấp thu loại đường này và sản sinh ra khí, Reader’s Digest dẫn lời bác sĩ tiêu hóa Rebekah Gross tại Trung tâm Y tế NYU Langone (Mỹ).
Những loại thực vật có nhiều đường raffinose có thể kể đến là bông cải xanh và đậu. Khi đánh rắm liên tục do ăn nhiều rau củ, trái cây thì mọi người cần điều chỉnh lượng chất xơ trong chế độ ăn theo hướng cân bằng hơn, theo Reader’s Digest.

2. Ăn chậm lại

Ăn hoặc uống quá nhanh sẽ khiến chúng ta nuốt không khí vào bụng nhiều hơn. Ăn vội vã thì lượng khí nuốt vào bụng càng nhiều. Nhai kẹo cao su, ngậm kẹm hoặc hút ống hút cũng có thể khiến nuốt không khí vào bụng.
Lượng khí này sẽ thoát ra ngoài cơ thể qua 2 cách là ợ và đánh rắm. Trong những trường hợp như vậy, ăn chậm hoặc hạn chế nuốt không khí khi nhai kẹo cao su, ngậm kẹo và dùng ống hút có thể giúp cải thiện tình hình, theo Reader’s Digest.

3. Mất cân bằng vi khuẩn đường ruột

Ruột non sẽ co thắt để đẩy thức ăn vào đại tràng. Nhưng đôi khi, mắc một số căn bệnh như tiểu đường hoặc biến chứng phẫu thuật có thể làm chậm quá trình này. Thực phẩm ở trong ruột non lâu hơn sẽ kích thích vi khuẩn phát triển quá mức, sản sinh ra khí và gây trướng bụng.
Nếu ruột hoạt động kém thì hãy tăng cường lượng chất xơ trong khẩu phần ăn. Chất xơ hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, giúp mọi thứ có thể đi qua ruột dễ dàng hơn.

4. Giảm bớt chất ngọt nhân tạo

Hạn chế ăn chất làm ngọt nhân tạo sẽ giúp cơ thể giảm lượng calo hấp thu. Không những vậy, cơ thể cũng không thể hấp thu một số loại đường nhân tạo như sorbitol, mannitol và xylitol.
Ngoài ra, chúng cũng là rượu đường, tức các hợp chất hữu cơ có nguồn gốc từ đường, có thể gây đầy hơi và đánh rắm, theo Reader’s Digest.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.