Danh sĩ Đỗ Nhuận - thuở trước bậc tài danh

17/11/2019 08:53 GMT+7

Tiến sĩ Đỗ Nhuận (1446 - ?) là một bậc danh sĩ của kinh đô Thăng Long nửa cuối thế kỷ 15.

Cùng với tiến sĩ Thân Nhân Trung (1419 - 1499), tiến sĩ Đỗ Nhuận được người đương thời ca ngợi là “hai nhà Thân - Đỗ”, bậc “danh Nho trùm đời”.

Ngôi sao trên văn đàn

Đỗ Nhuận với Nguyễn Nhân Bị là hai hội viên Hội Tao Đàn, đỗ tiến sĩ sớm nhất (đồng khoa 1466 - Bính Tuất), được theo hầu xa giá bên vua, được phân công viết bài văn bia Thái Hòa lục niên Mậu Thìn khoa Tiến sĩ đề danh ký (Đề tên Tiến sĩ khoa Mậu Thìn năm Thái Hòa thứ 6 - 1448) chỉ sau khoa Đại Bảo - Nhâm Tuất (1442) do Thân Nhân Trung viết.
Bài văn bia của danh sĩ Đỗ Nhuận có đoạn như sau: “Sự nghiệp trị nước lớn lao của đế vương không gì cần kíp hơn đào tạo nhân tài, điển chương chế độ đầy đủ của Nhà nước, tất phải chờ ở bậc hậu thánh. Là bởi trị nước mà không lấy nhân tài làm gốc; chế tác mà không dựa vào thánh nhân đời sau thì đều chỉ là cẩu thả tạm bợ mà thôi! Như thế làm sao có thể đạt tới chính trị phong hóa phồn vinh, văn vật điển chương đầy đủ được? Kể từ Thái Tổ bắt đầu sửa sang việc học vào kỷ nguyên Thuận Thiên, Thái Tông mở khoa thi đầu vào năm Đại Bảo thứ ba, Nhân Tông chọn người hiền, dùng bậc giỏi, kính cẩn tôn theo phép cũ…”.
Tháng 11 năm Hồng Đức thứ 25 (1494) thành lập Hội Tao Đàn. Đỗ Nhuận được Lê Thánh Tông cho giữ chức Tao Đàn phó nguyên súy. Theo đánh giá của các tác giả Tổng tập Văn học Việt Nam (NXB Khoa học Xã hội, 1995), “Hội Tao Đàn là một tổ chức sáng tác văn học khá độc đáo của nước VN ở thế kỷ 15, mà khoảng đó, chưa thấy trên thế giới”. Các tác giả này cũng phân tích: “Hội Tao Đàn không phải một nhóm nhân sĩ chỉ 7 người, mà lại là một hội thơ do nhà vua đứng ra tổ chức và lãnh đạo gồm 28 vị tiến sĩ và đồng tiến sĩ, đúng là những ngôi sao trên văn đàn”.
Ngày 12.11.2019, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã diễn ra hội thảo khoa học Thượng thư, Đông các Đại học sĩ Đỗ Nhuận - Con người và sự nghiệp tôn vinh những đóng góp của tiến sĩ Đỗ Nhuận (1446 - ?).

Đánh giá về tiến sĩ Đỗ Nhuận, sử gia Phan Huy Chú đã xếp ông vào danh sách 18 người phò tá có công lao tài đức thời Lê Sơ (1428 - 1527). Còn các sử quan triều Nguyễn tham gia biên soạn bộ Đại Nam nhất thống chí cũng ghi nhận tiến sĩ Đỗ Nhuận là một trong những nhân vật tiêu biểu dưới thời Lê (1428 - 1788).
Về những đóng góp văn chương của tiến sĩ Đỗ Nhuận, nhà nghiên cứu Nguyễn Tuấn Lương cho biết Đỗ Nhuận sáng tác nhiều nhưng các sáng tác ấy chưa tập hợp thành tập riêng nên thất lạc nhiều, số còn lại hiện nằm rải rác ở các sách: Thiên Nam dư hạ, Anh hoa hiếu trị, Quỳnh uyển cửu ca, Châu cơ thắng thưởng… Về sáng tác của Đỗ Nhuận, theo các nhà nghiên cứu Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN), còn “Tổng cộng 13 bài thơ và một số đoạn văn cùng với Thân Nhân Trung bình thơ Lê Thánh Tông”.
Qua thống kê từ bản dịch của GS Bùi Văn Nguyên (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), được biết Đỗ Nhuận phụng canh, phụng họa 7 bài thơ của vua Lê Thánh Tông: Tư gia tướng sĩ thi (Thơ tướng sĩ nhớ nhà). Còn trong tập Quỳnh uyển cửu ca, Đỗ Nhuận đều có thơ xướng họa cùng nhà vua. Ngoài ra, trong các bài Quân đạo thi (Đạo làm vua); Thần tiết thi (Khí tiết bề tôi); Quân minh thần lương thi (Vua sáng, tôi hiền); Anh hiền thư (Bậc hiền tài); Mai hoa thi (Hoa mai)…, Đỗ Nhuận đều có thơ phụng họa. Đỗ Nhuận mong muốn trước hết nhà vua phải sáng suốt, thưởng phạt rõ ràng, như qua 2 câu luận trong bài họa của ông: “Do huân biện biệt trung tả lộ/Hành giám công minh thưởng phạt quyền” (Gian ngay, phân biệt rành thơm thối/Thưởng phạt, nhắc cân rõ lý tình).
Những bài họa của danh sĩ Đỗ Nhuận phần lớn mang tính ước lệ, dụng điển, song kẻ bề tôi làm thơ mà được một bậc minh quân như vua Lê Thánh Tông phê rằng: “Lời đẹp đẽ như sao băng, ý cao xa như mây thẳm”, quả thật hiếm hoi.

Còn nhiều khoảng trống tư liệu về bậc danh tài

Theo ông Đỗ Ảnh, hậu duệ danh sĩ Đỗ Nhuận, hiện gia đình không còn lưu được tư liệu gì về cụ. Trải bao cuộc dâu bể, may sao còn giữ được phần mộ danh sĩ, những di văn còn lại đều như câu chuyện “văn chương vô mệnh”. Con cháu tìm đến cụ cũng chỉ còn những ghi chép từ văn bia tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một vài trang sách ghi chép về cụ gần đây…
Những năm tháng tuổi trẻ lo kiếm kế sinh nhai, khi chân chùng gối mỏi, về với quê nhà, thấy cảnh phần mộ tiền nhân chơ vơ ngoài đồng (mộ danh sĩ Đỗ Nhuận nằm bên trục đường giao thông trung tâm nối liền khu đô thị Quang Minh - Kim Hoa của H.Mê Linh, Hà Nội với TP.Phúc Yên, Vĩnh Phúc), ông Đỗ Ảnh mới vận động anh em con cháu nội tộc mỗi người có tấm lòng, người góp công, người góp của cùng nhau chỉnh trang lại phần mộ. Tiếp đó, ông Đỗ Ảnh đi tìm các hậu duệ của danh sĩ Đỗ Nhuận trong vùng. Nghe nơi đâu có thờ phụng cụ, ông lại tìm đến. Đó là làng Nhạn Tái, xã Xuân Nộn (H.Đông Anh, Hà Nội), thờ cụ làm Thành hoàng chung trong đình; rồi xa hơn nữa là ở Thường Tín (Hà Nội), Bắc Giang, Ninh Bình, hay Thanh Hóa… Điều ông Đỗ Ảnh mong muốn là kết nối được các chi họ hậu duệ của danh sĩ Đỗ Nhuận cũng như xác định được chính xác hơn, rành rõ hơn về thân thế và sự nghiệp của cụ tổ - một bậc tài danh hơn 500 năm trước, từ năm sinh, năm mất cùng nhiều hành trạng khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.