Dành từng đồng làm thêm đưa 'cá bống ăn rác' đi khắp mọi nơi

14/06/2020 18:26 GMT+7

Không có điều kiện để học lên đại học, phải đi làm phụ hồ kiếm sống nhưng Phạm Thanh Trí (22 tuổi) lại dành hết tiền kiếm được để làm những mô hình 'cá bống ăn rác' và mang đi khắp mọi nơi.

Trí rất quan tâm đến vấn đề môi trường, Trí sẵn sàng tỏ thái độ với những ai đốt và vứt rác bừa bãi, Trí thấy sợ và cảm giác bị ngột ngạt ở những nơi thiếu cây xanh…Chàng trai trẻ ấy luôn cố gắng mỗi ngày thay đổi ý thức của mọi người về việc bảo vệ môi trường bằng cách mang mô hình "cá bống ăn rác" đến khắp mọi nơi.

Những trải nghiệm quý giá từ cuộc sống khó khăn

Sinh ra và lớn lên tại Quảng Ngãi, năm Trí học lớp 8 thì bố mất, khi học đến lớp 11 thì gia đình gặp thêm biến cố và Trí phải chuyển về sống với bà nội. Vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên Trí quyết định tạm ngưng việc học, đi làm lo cho bản thân, cũng như tìm kiếm cơ hội tiếp tục học đại học.

Với Trí, khó khăn của cuộc sống cũng là cơ hội để bản thân được trải nghiệm và trưởng thành hơn

HOA NỮ

Bên cạnh đó, điều khiến Trí luôn trăn trở là không biết bản thân thật sự thích điều gì. Chính vì thế, tốt nghiệp lớp 12, Trí quyết định bắt chuyến tàu từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng với hành trang vỏn vẹn chỉ 500.000 đồng mượn từ những người bạn để vừa đi làm vừa trải nghiệm cuộc sống và tìm kiếm điều mình thật sự thích .

“Từ năm học lớp 11 mình đã cảm thấy thích các hoạt động xã hội và đã tự tạo ra một vài chương trình thiện nguyện. Mình muốn hướng ra ngoài các khuôn khổ đã định sẵn”, Trí tâm sự.

Mô hình "cá bống ăn rác" của Trí hiện nay đã có mặt ở 3 tỉnh thành  Quảng Ngãi, Cần Thơ và Trà Vinh

NVCC

Sau khi ra Đà Nẵng, Trí xin  làm phụ hồ (nghề mà ba Trí lúc còn sống đã làm) để hiểu được những cực khổ, vất vả của ba. Ban ngày đi làm phụ hồ, tối về Trí mua các sách kỹ năng sống để đọc. Vì mê các khóa học và giảng dạy về kỹ năng, Trí cố gắng kết nối để xin đi theo và làm trợ lý cho các thầy dạy về kỹ năng sống. Từ đó Trí không ngại ngần ra Bắc vào Nam để đi theo các khóa đào tạo kỹ năng này.

Trí rất mê sách kỹ năng, đã từng dành tiền mua hơn 300 cuốn sách khác nhau nhưng đến khi làm "cá bống ăn rác", Trí đã phải bán đi hết số sách đó để có tiền làm dự án

HOA NỮ

Trí nhớ lại lúc còn ở Hà Nội, do cũng thiếu thốn về kinh phí, một phần cũng muốn trải nghiệm nên chàng trai trẻ quyết định đạp xe đạp về Quảng Ngãi, rồi từ quê nhà Quảng Ngãi lại tiếp tục đạp xe vào TP.HCM và sau đó đạp xuống đất Mũi Cà Mau.

Trong những chuyến đi đạp xe như vậy Trí cũng có dịp để hiểu rõ hơn về từng vùng miền và có những mối liên kết để sau này mang mô hình "cá bống ăn rác" đi khắp mọi nơi.

Mong muốn mang "cá bống ăn rác" đến khắp mọi miền

Trí cho biết bản thân suy nghĩ rất nhiều về vấn đề rác thải và luôn muốn làm một dự án gì đó để góp phần giải quyết bài toán này.

“Hầu như mình rất bực khi chứng kiến nhiều người đốt và vứt rác vô ý thức, thậm chí mình sẵn sàng tỏ thái độ nếu người ta coi việc ấy là bình thường. Và với nhiều bạn trẻ, họ xem chuyện tiện lợi, nhanh gọn là ưu tiên mà quên đi hoặc không thèm để ý đến những điều tệ hại sẽ gây ra cho môi trường sau đó”, Trí bày tỏ.

Mô hình "cá bống ăn rác" được Trí làm từ tre và lưới cũ để thân thiện với môi trường

NVCC

Sau đó chàng trai trẻ nghiên cứu rất nhiều về các mô hình khác nhau. Vô tình biết được mô hình "cá bống ăn rác" đã được phổ biến tại nhiều nước, ở Việt Nam cũng đã thử nghiệm nhưng lại chưa được nhân rộng. Từ đó, Trí ấp ủ giấc mơ sẽ mang "cá bống ăn rác" đến khắp mọi miền đất nước.

Vì muốn tác động trực tiếp đến học sinh nên ở mỗi địa phương, Trí chọn địa điểm đặt mô hình "cá bống ăn rác" là các trường học. 

"Cá bống ăn rác" của Trí tại một thư viện cộng đồng ở Trà Vinh

NVCC

“Mình muốn học sinh sẽ có sự quan tâm hơn đối với rác thải nhựa và hậu quả nếu thải rác ấy ra môi trường. Vì thế khu vực mình hướng tới là các trường học, các câu lạc bộ hay những nơi có yếu tố trao đổi giáo dục. Khi ấy, việc tiếp cận sẽ không khô khan, không qua loa mà  len lỏi vào suy nghĩ của mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ”, Trí nói.

Theo Trí, hình ảnh mô hình cá bống sẽ gây thu hút, số lượng rác thải nhựa đầy dần sau thời gian sẽ ngầm tượng trưng cho việc các loài sinh vật đang ăn nhựa thay vì thức ăn hằng ngày. Điều đó dần dần sẽ đi  vào ý thức của học sinh.

Mô hình "cá bống ăn rác" của Trí tại ngày hội thiếu nhi ở Cần Thơ đã thu hút sự quan tâm của nhiều phụ huynh và học sinh

NVCC

Hiện tại, sau 3 tháng hoạt động, Trí đã tự tay làm và đặt mô hình "cá bống ăn rác" ở 3 địa phương là Quảng Ngãi, Cần Thơ và Trà Vinh. Sắp tới, Trí sẽ thực hiện tại TP.HCM và tiếp tục về các tỉnh miền Tây.

Càng khó khăn càng nghĩ về cộng đồng

Với nhiều người,  hoạt động về môi trường đã khó khăn, với Trí lại càng khó khăn hơn nhiều.

“Mình phải đảm bảo công việc mưu sinh và dành thời gian tự học nên để có được lượng kiến thức chung, tổng quát đối với việc thực hiện dự án, mình tốn rất nhiều công sức”, Trí cho biết.

Đi đến đâu là Trí tận dụng tre và các vật dụng ở nơi đó để làm "cá bống ăn rác"

NVCC

Nhưng điều khó khăn nhất với Trí là: “Mình không được đào tạo bài bản và điều kiện xã hội cũng thua xa so với nhiều người khác. Những thứ bình thường nhất như uống ly nước đắt đỏ, ăn món gì đó ngon mình đều rất hạn chế”.

Nhưng Trí luôn cố gắng hết mình, dành những đồng tiền làm thêm ít ỏi để làm dự án. Bởi Trí luôn lo sợ: “Mỗi lần nhìn thấy có thêm một sinh vật bị chết đi trong mớ nhựa và rác thải thì mình luôn nhói đau bởi một ngày nào đó con người cũng sẽ sống như vậy nếu không dừng lại việc lạm dụng, ứng xử vô tư đối với môi trường…”.

Điều Trí trăn trở nhất là kinh phí để có thể đưa "cá bống ăn rác" đến khắp mọi miền

NVCC

Và giờ đây, sau 2 năm tạm dừng việc học, Trí đã tìm được mối quan tâm thực sự của mình. Trí  đang vừa nỗ lực cho dự án vừa cố chinh phục các suất học bổng để có thể tiếp tục thực hiện ước mơ học đại học.

“Thật sự 2 năm trải qua với mình không hề dễ dàng, từ việc làm công việc cực khổ để hiểu cái nghề mà trước đây lúc còn sống cha mình vất vả như thế nào đến một mình sống ở miền Bắc, chịu cái lạnh, cả sự cô đơn. Nhờ những trải nghiệm đó mà mình đã có cái nhìn rõ hơn về bản thân, dần cái tôi cá nhân nhỏ đi nhường cho cái lợi ích chung và những dự án có ích cho cộng đồng như mô hình cá bống ăn rác”, chàng trai trẻ bộc bạch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.