Huyền bảo: “Nếu không làm phim, tôi chưa nghĩ ra là mình có thể làm gì”, rồi chị chợt nhớ ra tấm bằng tốt nghiệp ĐH ngành du lịch nhận được đồng thời với bằng tốt nghiệp ĐH Khoa đạo diễn của Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh (Hà Nội).
“Tôi là người thích sự dịch chuyển đi đây, đi đó”, chị giải thích vì sao lại học cả du lịch. “Nhưng bây giờ, làm phim đã giúp tôi có được điều đó rồi”, nữ đạo diễn 8X bộc bạch.
Đạo diễn Đặng Thái Huyền |
NVCC |
Khát khao của Huyền
Người trở về của đạo diễn Đặng Thái Huyền được coi là bộ phim nhựa về đề tài chiến tranh, hậu chiến cuối cùng. Dù chưa chiếu thương mại, nhưng Người trở về đã khiến những khán giả có cơ hội được thưởng thức khi đó thêm lòng tin về sức hút của phim chiến tranh, hậu chiến Việt sau thời gian dài thiếu vắng những tác phẩm hay, giàu cảm xúc.
Nhiều cuộc gọi, tin nhắn của khán giả sau khi xem phim gửi tới Huyền, chia sẻ xúc động. Người trở về với sự đón nhận của khán giả đã trở thành động lực lớn cho chị.
Đạo diễn Đặng Thái Huyền |
NVCC |
“Đầu tiên, tôi nghĩ đó là nhiệm vụ, công việc được phân công ở hãng phim Điện ảnh quân đội nhân dân. Tôi và ê-kíp luôn cố gắng để thực hiện những tác phẩm với đề tài tưởng như khô khan, mang nhiều tính tuyên truyền này trở nên mềm mại, gần gũi hơn với người xem. Sau này, tôi không coi đấy là nhiệm vụ được phân công nữa mà tràn đầy cảm xúc khi được tiếp cận với những kịch bản về đề tài chiến tranh, hậu chiến”, chị nói.
Khát khao của nữ đạo diễn 8X này là đưa phim Việt Nam chiến tranh, hậu chiến ra ngoài rạp chiếu. Có nhiều nguyên nhân, theo chị, là rào cản của phim chiến tranh, hậu chiến Việt Nam.
“Hai vấn đề chính và muôn thuở theo tôi là kịch bản và kinh phí. Phim chiến tranh thực chất gần với dòng phim lịch sử. Bởi vậy, kịch bản không chỉ cần hay, hấp dẫn mà phải đúng nữa, trong khi, nhiều nhà làm phim không muốn mạo hiểm tên tuổi. Phim chiến tranh bao giờ cũng có cảnh bom đạn, phục dựng bối cảnh thường cần kinh phí khủng, còn các nhà đầu tư e ngại về khả năng thu hồi vốn”, Huyền bày tỏ.
Chị thừa nhận không phải không có lúc thấy nản. “Mỗi dòng phim có cái khó khác nhau, nhưng rõ ràng nếu với dòng phim tâm lý xã hội, kinh dị, võ thuật… phim có thể hay hoặc không nhưng tuyệt chẳng thể nói phim “sai”. Làm phim lịch sử, chiến tranh, việc hay hay dở đã là áp lực, nhưng khán giả còn luôn mặc định trong đầu những quy chuẩn đã được học, được đọc, được biết… Nên làm phim về những đề tài này mà khác đi thì không khác gì như người đi trên dây, có thể bị số đông đẩy xuống bất kỳ lúc nào vì những nhận xét thiếu thiện chí", nữ đạo diễn chia sẻ.
Chị bộc bạch: "Tôi luôn nghĩ không có cái đầu tiên, không có những người mạo hiểm mở đường sao có sự phát triển tiếp nối. Tuy vậy, như quy luật tất yếu của sự phát triển, tôi tin dòng phim chiến tranh, hậu chiến sẽ có chỗ đứng vững vàng của mình như đã từng - thời kỳ mà thế hệ cha chú đã ghi danh trong lịch sử điện ảnh Việt”.
Đạo diễn Đặng Thái Huyền trên trường quay bộ phim Hoa hồng giấy |
NVCC |
Không cần chứng minh mình với ai
Hỏi “một đạo diễn nữ có cần phải làm tốt hơn một đạo diễn nam thì người khác mới… nể?”, Huyền bảo: “Tôi nghĩ không cần phải chứng mình mình với ai, chỉ cần mình vượt qua chính mình, phim sau muốn bứt phá hơn phim trước đã là thử thách, khó khăn lắm rồi. Nhưng đúng là đạo diễn nữ để có vị trí làm việc tốt như các đồng nghiệp nam phải nỗ lực hơn rất nhiều. Nỗ lực ở đây là khắc phục điểm yếu hơn như sức khỏe, thu xếp việc gia đình...”.
Huyền làm từ phim điện ảnh chiến tranh, hậu chiến, đến phim điện ảnh kinh dị chiếu rạp, phim truyền hình. Tất cả đều mang dấu ấn của riêng chị, trong đó “tính nữ” thể hiện rõ ở sự tỉ mỉ, tinh tế, đem đến nhiều cảm xúc, với nhiều hình ảnh trung tâm về người phụ nữ.
Chị quan niệm không cứ là đạo diễn nữ như mình thì có lợi thế trong việc đưa “tính nữ” vào phim. “Để lắng một thời gian, xem lại phim mình làm, tôi còn thấy tiếc nuối vì một số chỗ mình đã tham lam, tỉ mỉ chi tiết mà buông lỏng những khoảnh khắc cần sự bao quát hoặc lùi lại để có cách kể toàn diện hơn. Và vì tôi coi thế mạnh của mình là làm phim về thân phận người phụ nữ với nhiều giằng xé nội tâm, nên đôi khi để lỡ những dự án cần sự bứt phá hơn với những mẫu nhân vật đa dạng hơn”, chị bộc bạch.
Đạo diễn Đặng Thái Huyền |
NVCC |
Đặng Thái Huyền nói lúc nào chị cũng thấy mình tất bật, dù tổ đạo diễn có phó đạo diễn và trợ lý đạo diễn. “Tôi là người luôn không ngồi yên được một chỗ, cứ phải đến các tổ xem xét, kiểm tra, ngó nghiêng”, Huyền tự nhận, và bảo: “Tôi cũng không phải mẫu đạo diễn dịu dàng, nhẹ nhàng nhưng tôi tin là tôi kiểm soát cảm xúc tốt. Tôi quyết liệt vừa đủ để làm việc, to tiếng chỉ làm không khí phim trường căng thẳng, trong khi anh em trong ê-kíp đã quá vất vả rồi”.
Làm những bộ phim giàu “tính nữ’, còn ngoài đời, Huyền bảo, “tính nữ” ở chị rõ nhất là ở việc không thích tranh luận, lớn tiếng, lúc đi làm phim chị luôn cố gắng vui vẻ. “Nhưng thực ra khi tôi đã lớn tiếng thì cũng đáng sợ lắm. May là tôi biết kiểm soát cơn nóng giận khá tốt”, Huyền cười.
Bình luận (0)