Đạo diễn Việt - Hàn dựng 'Bến không chồng' trên sông với dàn 'bà tám' dẫn chuyện

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
13/10/2022 13:19 GMT+7

Mang nước lên sân khấu, những lời thị phi qua dàn “bà tám”... là sự thú vị của vở Bến không chồng , do các đạo diễn Việt Nam - Hàn Quốc dàn dựng.

Nghệ sĩ Hồ Liên, Nhà hát kịch Việt Nam, rất hào hứng chia sẻ câu chuyện hậu trường của vở diễn Bến không chồng do Nhà hát kịch Việt Nam và Hiệp hội các nhà sản xuất chương trình biểu diễn Hàn Quốc (KAPAP) thực hiện. Sự hào hứng đến từ dàn dựng bất ngờ của nữ đạo diễn Hàn Quốc, bà Kim Ming Jong.

Một cảnh trong vở Bến không chồng khi đang dàn tập

ảnh nhà hát cung cấp

“Cùng với 2 nhân vật nữa, nhân vật của tôi không có tên. Bảng phân vai ghi người đàn bà 1, 2, 3, nhưng chúng tôi không thể ngờ vai diễn của chúng tôi quan trọng đến thế. Họ chính là người dẫn chuyện, để kể câu chuyện làng quê thời hậu chiến”, nghệ sĩ Hồ Liên chia sẻ về dàn “bà tám” trong Bến không chồng.

Hồ Liên là một trong 13 diễn viên được tuyển chọn kỹ càng để vào vở. Bà Kim Ming Jong cho biết, cả 13 diễn viên đều đẹp cả về ngoại hình và tâm hồn. Với cả vẻ đẹp ngoại hình và tâm hồn đó, họ thể hiện những vết thương sau chiến tranh, khát vọng sống của những người phụ nữ khi phải vượt qua mất mát sau chiến tranh và định kiến về hôn nhân, gia đình.

Bến không chồng, với những tầng nghĩa như vậy, đã được Nhà hát kịch Việt Nam cũng như KAPAP đồng thuận chọn lựa để thực hiện dự án nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc. Kịch bản vở diễn do tác giả Vũ Thị Thu Phong chuyển thể từ tiểu thuyết Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng. Đạo diễn Lâm Tùng và đạo diễn Kim Min Jeong (Hàn Quốc) dàn dựng. “Khi thảo luận với nhau để chọn kịch bản, chúng tôi muốn chọn một vở diễn mà cả khán giả Việt Nam, khán giả Hàn Quốc đều thấy mình trong đó”, NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam nói.

Đạo diễn Lâm Tùng và đạo diễn Kim Min Jeong (từ trái sang) dàn dựng vở

ảnh nhà hát cung cấp

Bến không chồng lấy bối cảnh ở làng Đông, đồng bằng Bắc bộ Việt Nam. Nhân vật trong câu chuyện kịch là những người phụ nữ mắc kẹt giữa những hủ tục, định kiến của dòng họ và xóm giềng. Những lời dị nghị như những nhát dao cứa sâu vào mỗi người, làm cho họ bức bối đến nỗi tưởng chừng như nghẹt thở. Nhưng vượt qua tất cả những điều bất hạnh đó, ở sâu thẳm bên trong là tình thương yêu, sự hy sinh và khát vọng vươn lên trong cuộc sống.

Kịch bản này cũng chạm đến trái tim đạo diễn Kim Min Jeong. “Chúng ta đều đã trải qua đau thương do chiến tranh và đều có ý chí hướng tới tương lai. Tôi cảm thấy vinh dự khi được tham gia dàn dựng tác phẩm ý nghĩa như thế này để chào mừng 30 năm thiết lập quan hệ hữu nghị hai nước”, bà nói.

Theo lịch trình, vở diễn sẽ được diễn tại Hàn Quốc vào cuối tháng 11 với phụ đề tiếng Hàn, sau đó mới trở về Việt Nam. Ekip sản xuất cho biết để tái hiện lại bến sông Đình, họ sẽ mang nước lên sân khấu. Đây cũng là dịp để các nghệ sĩ Việt được biểu diễn trong một môi trường biểu diễn chuyên nghiệp.

Thời tiết lúc đó khoảng 2 - 7 độ, nhưng nhà sản xuất cho biết nước sẽ ấm để đảm bảo diễn viên không bị ốm. Sân khấu như một dòng sông này cũng sẽ là một giao lưu văn hóa. Ekip âm thanh ánh sáng của phía bạn cũng nhiều người hơn chúng ta thường làm trong nước”, NSƯT Xuân Bắc nói.

“Cả hai quốc gia đều đã từng trải qua chiến tranh. Hình ảnh người phụ nữ gắn liền với những nỗi khổ cực. Cuộc sống của người dân trong thời chiến và thời hậu chiến kéo dài nhiều năm tạo nên những vết thương cần được chữa lành,” nghệ sĩ Xuân Bắc cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.