Đào tạo tiến sĩ: Phải có thầy giỏi mới có trò giỏi

13/07/2021 08:00 GMT+7

Sau khi Bộ GD-ĐT ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, trong giới khoa học có nhiều ý kiến tranh cãi về nội dung quy chế. Thậm chí nhiều người cho rằng quy chế mới là một bước lùi so với quy chế ban hành năm 2017.

Tuy nhiên, khi so sánh với các quy chế năm 2017 và cả 2009, cá nhân tôi thấy quy chế 2021 có nhiều điểm tiến bộ nhất là khi nhìn nhận từ một vị trí chuyên ngành hẹp (toán học) cũng như từ một cơ sở đào tạo tiến sĩ với các quy định tương đối khắt khe, thường cao hơn các quy định do Bộ GD-ĐT yêu cầu.

Phù hợp với chủ trương tự chủ đại học

Quy chế mới có một số ưu điểm khi so sánh với các quy chế ban hành năm 2009 và 2017. Cụ thể là hợp lý hơn từ góc độ khoa học và quản lý khoa học; phù hợp với chủ trương tiến tới tự chủ ĐH.
Nội dung quy chế 2021 cho thấy việc soạn thảo quy chế đã rút được kinh nghiệm trong công tác quản lý đào tạo tiến sĩ giai đoạn 2009 - 2020 cũng như chủ trương phân cấp trong công tác quản lý đào tạo, đồng thời thể hiện sự trưởng thành về mặt quản lý của các cơ sở đào tạo. Ví dụ quy chế 2009 quy định rất chi tiết các hoạt động tuyển sinh, tổ chức đào tạo, bảo vệ. Đến nay, các hoạt động đó đã được hình thành ở tất cả cơ sở đào tạo, nên không cần nhắc, thay vào đó quy chế chỉ xác định các yêu cầu cần đạt.
Tính khoa học của quy chế mới thể hiện ở một số nội dung. Đã bỏ yêu cầu ứng viên phải có công bố khoa học khi dự tuyển (trong quy chế 2017). Đây là một yêu cầu chưa được cân nhắc kỹ trong quy chế 2017 gây khó khăn lớn cho các cơ sở đào tạo, đặc biệt là các cơ sở đào tạo nghiêm túc. Hoặc đã đưa vào khái niệm đồng hướng dẫn, không phân biệt chính phụ. Trong thực tế hướng dẫn, việc đánh giá ai là chính ai là phụ là rất khó, nên việc quy định cứng chính - phụ rất nhạy cảm. Vì thế đây là một điểm nhân văn của quy chế mới. Quy chế mới thực hiện triệt để hơn chủ trương chỉ đánh giá luận án ở một hội đồng (so với quy chế 2009 yêu cầu bảo vệ 2 lần ở hai cấp, quy chế 2017 mặc dù đơn giản hơn nhưng vẫn giữ hai cấp).

Bỏ phân biệt trong nước - nước ngoài

Yêu cầu chất lượng rõ ràng hơn, quy về danh sách tạp chí được Hội đồng Giáo sư nhà nước (HĐGSNN) công nhận chất lượng, không phân biệt trong nước hay nước ngoài.
Về công bố đối với TS trong hai quy chế 2017 và 2021, nếu quy chế 2017 yêu cầu công bố tối thiểu 2 bài báo trên tạp chí trong đó có 1 bài WoS(ISI)/Scopus hoặc 2 bài trên tạp chí nước ngoài có phản biện thì quy chế 2021 yêu cầu công bố trong danh mục WoS/Scopus, hoặc bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước được HĐGSNN quy định khung điểm đánh giá tới 0,75 điểm trở lên. Với chủ trương hội nhập toàn diện, nên bỏ phân biệt trong nước - nước ngoài trong các công bố khoa học, song song với việc chấn chỉnh tạp chí trong nước.
Cần nhấn mạnh thêm rằng quy chế 2017 dùng chữ "nước ngoài" chứ không phải "quốc tế". Thực tế cho thấy ngày càng có nhiều hơn tạp chí trong nước đạt tiêu chuẩn quốc tế và chắc chắn là tốt hơn không ít những tạp chí nước ngoài thuộc cùng chuyên ngành.
Theo danh sách tạp chí ngành toán được HĐGSNN 2020 công nhận, các tạp chí quốc tế không trong WoS/Scopus được tính từ 0 - 1,25 điểm (điểm cụ thể do hội đồng ngành xác định); các tạp chí trong nước do các bộ và hai ĐH quốc gia xuất bản được tính từ 0 - 0,75 điểm. Như vậy, nếu một luận án tiến sĩ đăng 2 bài trên tạp chí nước ngoài, kể cả khi các tạp chí đó được hội đồng ngành toán cho 0 điểm, thì theo Quy chế 2017 vẫn đáp ứng tiêu chuẩn cứng.
Ngược lại, căn cứ Quy chế 2021, hội đồng ngành toán hoàn toàn có thể loại một phần hoặc toàn bộ các tạp chí trong yêu cầu đối với luận án tiến sĩ bằng cách đề nghị cho các tạp chí này dưới 0,75 điểm. Tất nhiên quyết định cuối cùng là ở HĐGSNN mà chủ tịch là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Các hội đồng ngành khác cũng có thể làm điều này tùy theo thực tế ngành mình.

Muốn tăng chất lượng đào tạo phải điều chỉnh từ gốc

Ở các nước có nền giáo dục ĐH tiên tiến, việc đào tạo tiến sĩ luôn là trách nhiệm của trường ĐH. Quy chế lần này chuyển trách nhiệm xuống trường nhiều hơn là một bước tiến bộ. Quy chế của Bộ dành cho tất cả trường ĐH trên cả nước áp dụng được với tất cả ngành đào tạo, nên đặt tiêu chuẩn sàn như vậy là thuận tiện. Các cơ sở muốn nâng cao chất lượng, uy tín thì nâng cao yêu cầu; thậm chí còn có thể với từng chương trình đào tạo thuộc các lĩnh vực khác nhau thì mức độ yêu cầu cao có thể khác nhau, phù hợp với trình độ phát triển của từng lĩnh vực.
Quy định về vai trò cơ hữu của nghiên cứu sinh (NCS) tại cơ sở đào tạo là một điểm mới của quy chế góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Tính tự chủ cũng thể hiện trong sự linh hoạt đối với việc chuyển cơ sở đào tạo, chuyển ngành đào tạo. Công tác thẩm định được yêu cầu cụ thể với sự hỗ trợ của công nghệ, phù hợp với quá trình tự chủ.
Một nguyên tắc đào tạo ai cũng biết là làm sao yêu cầu trò giỏi hơn thầy được. Ai đào tạo ra tiến sĩ nếu không phải là các GS, PGS? Vì vậy, muốn nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ thì cần bắt đầu điều chỉnh từ cái gốc, tức là chất lượng người thầy. Các tranh cãi về quy chế mới tập trung vào yêu cầu đầu ra của NCS. Giải pháp đơn giản là thu gọn danh sách tạp chí được tính điểm của HĐGSNN. Như vậy là một công đôi việc, vừa góp phần nâng cao được đội ngũ PGS, GS, vừa nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ!
Cũng đề nghị HĐGSNN xem xét rà soát lại danh sách các tạp chí được tính điểm theo các tiêu chí khoa học sau: có phản biện độc lập đối với tất cả bài báo khoa học, các bài bằng tiếng Việt có tóm tắt tiếng Anh, có mã số ISSN, xuất bản đều đặn, có trang web chính thức các thông tin căn bản theo thông lệ quốc tế, mục lục các số đã ra từ khi xuất bản (hoặc ít nhất trong 10 năm cuối).

Thay đổi quan niệm về đào tạo tiến sĩ

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Quy chế tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ qua Thông tư 18/2021/TT-BGD ĐT (còn gọi là Quy chế 18), thay thế cho quy chế hiện hành ban hành năm 2017. So với quy chế hiện hành, quy chế mới (có hiệu lực từ ngày 15.8) không chỉ thay đổi nhiều quy định, mà còn thay đổi cách tiếp cận, phù hợp với luật GD ĐH 2019 (tăng cường tự chủ ĐH), từ đó tác động vào quan điểm của cơ sở đào tạo cũng như người học về đào tạo tiến sĩ. Các quy định trong Quy chế 18 là những yêu cầu tối thiểu, là quy chế khung, làm căn cứ để cơ sở đào tạo xây dựng và ban hành quy định chi tiết cho từng chương trình đào tạo tiến sĩ của đơn vị mình.
Chẳng hạn, về cách tiếp cận, Quy chế 18 khẳng định “nghiên cứu khoa học là thành phần chính yếu và bắt buộc trong chương trình đào tạo tiến sĩ”. Đồng thời xác lập đào tạo tiến sĩ là đào tạo chính quy, NCS phải “tham gia sinh hoạt khoa học tại đơn vị chuyên môn như một giảng viên trợ giảng, nghiên cứu viên cơ hữu”. NCS phải có kế hoạch học tập toàn khóa được phê duyệt, là căn cứ quan trọng để các cơ sở đào tạo cũng như cơ quan cử NCS đi học tập, nghiên cứu có thể quản lý quá trình đào tạo một cách minh bạch; là cơ sở cho việc giám sát của cơ quan chức năng, trong đó có Bộ GD-ĐT. Với yêu cầu này, việc tổ chức đào tạo tiến sĩ buộc phải thực hiện toàn thời gian, thay vì cho phép bán thời gian như trước đây.
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên, trong một văn bản pháp quy, khái niệm liêm chính học thuật được đưa vào chính thức.  
Quý Hiên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.