Đạp xe trong thời dịch (2)

23/09/2021 17:00 GMT+7

“Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Tôi viết bài này với mục đích mang đến các bạn chút vui tươi để vượt qua những ngày phiền muộn do dịch bệnh Covid -19 bùng phát lần này.

Sau hai tháng thực hiện “ba tại chỗ”, mỗi sáng tôi vẫn đạp xe đến các phân xưởng để vào hỏi thăm mấy đứa con mọn xem tình hình sức khỏe và tâm thần của chúng ra sao. Đám nhóc gặp tôi reo lên và nói “Chú có nghe tin gì không ?” Tôi hỏi “Tin gì vậy?”. Mấy đứa đáp: “Tụi con nghe đồn là dịch đang đàm phán xin đầu hàng”. Tôi hỏi “Rồi sao ?”. Bọn nhóc nói “Tụi con đang khẩn trương chuẩn bị để sống chung với dịch đó chú !”. Tôi thầm nghĩ mới hai tháng “ba tại chỗ” mà mấy đứa con mọn của tôi bắt đầu suy nghĩ đơn giản “Dịch đầu hàng thì mình phải sống chung”.
Muốn sống chung lâu dài với dịch, tôi phải lên kế hoạch rất chi tiết và bắt đầu từ việc đánh giá lại tình hình sức khỏe của những quan hệ trong đại gia đình phức tạp của tôi hiện tại ra sao:
Mấy ông cha ruột trong nước tuy đã chết hơn 4 tháng nhưng khi nghe tin dịch sắp đầu hàng cũng hiện hồn lên gọi điện đến công ty để trả giá. Mấy đứa con mọn bên bộ phận chăm sóc khách hàng đang ở với ngoại trả lời như thế nào thì tôi không rõ. Mấy ổng không vui gọi điện lại tôi vừa nói vừa hét “Dịch thì còn đó sao không giảm giá ?”. Tôi nhỏ nhẹ trả lời “Mấy bố thông cảm, con cần đủ tiền để mỗi tuần làm xét nghiệm Covid-19 cho đám con mọn theo yêu cầu của UBND tỉnh”.
Mấy ông cha nuôi người nước ngoài phục hồi sức khoẻ gần như không còn dư âm của Covid-19 nữa, gửi “meo” thường xuyên hơn và tăng sản lượng trong những đơn hàng gần đây. Tôi tâm sự để mấy ổng an tâm là tôi và bọn nhóc đang cố gắng “Three in place” và sẽ giao hàng đúng hẹn. Mấy ổng nói “What the hell are you talking about ?”, tôi trả lời “Work, eat and never go home”. Thấy tội nghiệp, mấy cha nuôi không đòi giảm giá nên chúng tôi cũng mừng.
Các bà mẹ Nhật, Mỹ và Thụy Sĩ sau khi nhận báo cáo tài chính quý rồi thì cau mày vì thấy con số lợi nhuận có dấu âm tính phía trước. Tôi nói “Các mẹ thông cảm trong thời buổi Covid-19 này, âm tính là tốt rồi”. Mấy mẹ sốt ruột đua nhau học tiếng Việt để theo dõi diễn biến chống dịch của Việt Nam qua báo đài. Bà mẹ Nhật hơi lo gửi “meo” hỏi tôi “Does Zero Covid-19 mean Sạch bóng doanh nghiệp ?”. Tôi trả lời “Mẹ tra Google giúp con, chứ từ này hơi nhạy cảm”.
Tuy còn giận còn hờn vì tôi đưa tiền tháng rồi hơi trễ nhưng mấy “cô nhân tình” vẫn cố gắng làm lành và đua nhau đề nghị tôi mua bảo hiểm Covid-19 cho đàn con mọn. Lời mấy em như rót mật vào tai, chỉ có 40 ngàn đồng mỗi tháng thôi anh, tiền bồi thường đến 60 triệu đồng nếu chết vì Covid-19. Tôi thầm nghĩ chỉ mua bảo hiểm rồi chết liền thì mới có lời thôi. Mấy đứa con mọn của tôi còn trẻ và vừa được tiêm ngừa vaccine thì bao giờ bọn nhóc mới chết để có lời. Thôi thì đành làm ngơ vậy !
Còn mấy “anh chị nuôi” người nước ngoài chứng nào tật nấy khiến tôi và đám nhóc ngao ngán. Cái bệnh đổ thừa khó trị hơn chữa người bị nhiễm Covid-19. Mấy anh chị nuôi cứ hát mãi một điệp khúc “Nhà máy bán dẫn cháy năm xưa nhưng chưa xây dựng được, thời gian giao hàng linh kiện điện tử vẫn là 27 tuần như cũ nhe em!”. Tháng này mấy đứa con mọn ở bộ phận mua hàng công ty không dám than phiền vì sợ anh chị lại tăng thêm thời gian giao hàng và đòi phải trả tiền trước.
Tội nghiệp nhất là mấy “anh chị ruột” trong nước còn lại dăm ba người do không đủ điều kiện thực hiện “ba tại chỗ” và giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Chuỗi cung ứng đứt gãy và xe giao hàng không xin được luồng xanh. Sau vài tháng cầm cự, anh chị ruột của tôi phải ngậm ngùi “Chào tạm biệt, hẹn gặp lại em khi dịch đã đầu hàng !”
Nhờ giãn cách xã hội mà “láng giềng hàng xóm”, nhà ai lo chuyện nấy. Chưa ai quan tâm đến chuyện của chúng tôi làm nên cũng không gì phải lo ngại sớm có đối thủ cạnh tranh.
Sau hai tháng, 387 “đứa con mọn” theo tôi vào công ty thực hiện “ba tại chỗ” giờ còn lại 312 đứa. Hầu hết mấy nhóc xin về vì hoàn cảnh gia đình: cha đau, mẹ ốm, con bệnh và những lý do khác… Đám con mọn còn lại trong công ty thì thay đổi rất nhiều. Bọn nhóc tròn hơn và đẹp hơn vì được mấy anh chị trong bộ phận nhà bếp và bộ phận phục vụ luôn quan tâm cho từng miếng ăn ngon bổ và quần áo tươm tất.
Bọn trẻ độc thân sống gần gũi nhau nhiều ngày nên tình yêu rộ nở. Sau cơm chiều và trời vừa sụp tối, thì những cặp tình nhân trẻ sánh bước nắm tay nhau trong khuôn viên nhiều cây xanh đầy thơ mộng của công ty. Thật là bình yên và hạnh phúc. Muốn gần nhau hơn, từng cặp lên gặp bộ phận nhân sự xin về để cùng ở chung nhà trọ sống thử chuyện vợ chồng.
Đám con mọn đứng tuổi xa vợ, xa chồng vào công ty làm “ba tại chỗ” yêu nhau còn mặn nồng hơn đám trẻ. Bộ phận nhân sự rất khó xử và đề nghị những người tình này rời công ty để về nhà nhưng họ kiên quyết xin ở lại. Mấy cháu bên bộ phận nhân sự than thở với tôi rằng “Chỉ lo cho các bạn ấy chết vì virus Ghen hơn là virus Sars-CoV-2 sau khi không còn làm ba tại chỗ nữa”. Đời đôi khi cũng lạ, mấy đứa tôi muốn chúng ở lại công ty giúp tôi thì nằng nặc đòi về. Còn mấy đứa tôi muốn tụi nó về thì kiên trì xin ở lại. Tình yêu là thế !
“Đến hẹn lại lên” các chú bác của tôi cứ hai tuần một lần ghé thăm. Tuần rồi chú bác có vẻ quan tâm hơn và đề nghị chúng tôi phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho tất cả mọi người đang “ba tại chỗ” mỗi ba ngày một lần thay vì mỗi tuần một lần như hiện tại. Trong khi đó thì doanh nghiệp chúng tôi không có F0 và cũng không tiếp xúc với cộng đồng bên ngoài đã gần hai tháng.
Doanh nghiệp của tôi ở Canada hoạt động đã hơn 22 năm, đôi khi cũng chạnh lòng vì chưa bao giờ có chú bác người Canadian nào ghé thăm. Còn ở quê mình, chú bác thì quá quan tâm nên thường xuyên thăm viếng. Mỗi lần mang theo nhiều loại công văn yêu cầu chúng tôi phải làm cái này và thực hiện cái kia để vượt dịch. Làm những thứ trong doanh nghiệp mà chúng tôi giỏi gấp ngàn lần hơn chú bác. Đáp lại những quan tâm ấy, chúng tôi mất rất nhiều thì giờ soạn thảo tâm thư bày tỏ nỗi niềm để không thể thực hiện. Tiếp xúc thường xuyên với chú bác trong lần dịch này, tôi trở thành con người đơn giản và suy nghĩ cũng đơn giản “chuyện ai để người đó làm”, “Chuyện doanh nghiệp, nên để doanh nhân lo !”.
Sau khi đánh giá và biết được mọi người trong đại gia đình phức tạp của tôi tạm ổn, tôi tiến hành kế hoạch để sống chung lâu dài với dịch.
Tôi đặt ưu tiên hàng đầu là tạo dựng được “nơi làm việc không lây nhiễm dịch bệnh”. Do đó, việc giám sát, phát hiện và khẳng định người bị nhiễm virus Sars-CoV-2 trong môi trường làm việc phải được thực hiện rất nghiêm túc.
Tôi bảo bọn nhỏ tích hợp cho tôi hệ thống giám sát tự động đo thân nhiệt dùng tia laser hồng ngoại có độ chính xác 0.1 oC kết hợp phần mềm chấm công và nhận diện khuôn mặt đặt tại cửa ra vào công ty để phát hiện người có triệu chứng nóng sốt trên 38 oC.
Nếu phát hiện, hệ thống sẽ báo ngay đến bộ phận bảo vệ và y tế của công ty tiến hành cách ly và xét nghiệm nhanh kháng nguyên virus Sars-CoV-2. Nếu dương tính sẽ đưa vào Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh thực hiện xét nghiệm RT-PCR nhằm khẳng định và chẩn đoán mật độ virus Sars-CoV-2. Sau đó tiến hành phác đồ điều trị theo tư vấn của bác sĩ . Nếu kết quả xét nghiệm kháng nguyên âm tính cũng được gặp bác sĩ để tư vấn xét nghiệm những bệnh lý khác đã gây sốt và về nhà nghỉ dưỡng.
Bên trong những phân xưởng làm việc, tôi cho lắp đặt hệ thống camera hồng ngoại tích hợp giải thuật trí tuệ nhân tạo, nơi mà bọn nhỏ thường xuyên lui tới. Nếu hệ thống phát hiện người có thân nhiệt trên 38 oC sẽ tự động thông báo đến bộ phận y tế để liên hệ và thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên virus Sars-CoV-2 theo như quy trình đi vào cổng của công ty.
Mỗi ngày bộ phận y tế thực hiện lấy mẫu cho những người đại diện các phân tổ trong công ty theo phương thức CNOK (C= chính xác, N= nhanh chóng, O= ổn định tâm lý người lao động, và K= kinh tế) và xét nghiệm nhanh với kháng nguyên virus Sars-CoV-2 nhằm giúp tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả phát hiện người bị nhiễm Covid-19. Sắp xếp việc lấy mẫu xét nghiệm được phần mềm phục vụ và ứng dụng di động lên lịch và nhắc nhở.
Sống chung với dịch, đồng nghĩa với việc chấp nhận thêm một thành viên mới “Covid-19, kẻ giết người thầm lặng” vào sống trong đại gia đình vốn đã phức tạp. Muốn giữ được hạnh phúc, chúng ta cần phải luôn tôn trọng những khác biệt. Chỉ làm những gì mình giỏi nhất. Doanh nhân biết cách vận hành phù hợp nhất trong doanh nghiệp của họ. Chú bác thì không !
______________
* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một doanh nhân Việt kiều đầu tư tại Việt Nam
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.