Khi bức cổ họa thiền sư Nguyễn Minh Không dát vàng và ngọc trai ở Ninh Bình được mở ra, đập vào mắt nhóm nghiên cứu là… những con gián nâu bóng và khỏe mạnh chạy tán loạn, báo hiệu sự ẩm thấp và nguy cơ bị gián nhấm, bị mục nát của bức tranh có kỹ thuật dát vàng, vẽ vàng trên lụa hiếm có này.
Chưa hết, tranh đã bị gấp nếp lại cho vừa chiếc khung nhỏ hơn.
|
Thực tế cho thấy, cổ vật ở di tích cũng có thể đối diện với nhiều nguy cơ. Đầu tiên là nguy cơ bị biến dạng, hư hỏng. Sau đó là nguy cơ bị mất trộm... Trong khi đó, cách thức bảo vệ cổ vật nhiều khi rất phi khoa học và gây... đau tim”. Chuyện gián chui ra từ tranh quý bị gấp nếp là một ví dụ. Một trường hợp khác, tại ngôi đình làng ở gần Hà Nội, sau vài lần mất trộm đồ, các cụ phụ lão đã hơn 70 tuổi mỗi tối lại ra ngủ để canh chiếc khánh quý. Các cụ kê giường ngay dưới chiếc khánh, đặt dao sắc dưới gối rồi ngủ qua đêm. Chỉ nghĩ đến điều gì sẽ xảy ra với cụ nếu trộm vào lúc nửa đêm đã thấy lạnh cả người.
Có ý kiến cho rằng các cổ vật quý nên được mang về bảo tàng để được chăm sóc tốt hơn. Tuy nhiên, về nguyên tắc, cổ vật sẽ phát huy tốt nhất giá trị của nó khi gắn liền với di tích, với cộng đồng ở đó. Muốn vậy, nhà nước cần bên cạnh người dân trong suốt quá trình chăm sóc cổ vật, đặc biệt là với vai trò điều phối các mối quan hệ; lập các dự án đào tạo người dân cách bảo quản hiện vật ngay tại di tích một cách phù hợp nhất. Bên cạnh đó, việc thăm khám hiện vật định kỳ cũng phải được thực hiện một cách chỉn chu, khoa học. Thậm chí, có thể nghĩ đến việc kiểm tra chéo giữa các đơn vị khác nhau, địa phương khác nhau.
Những giải pháp an ninh cho hiện vật cũng cần được thông qua ở cấp lãnh đạo UBND xã, huyện, tỉnh thành chứ không thể chỉ mặc cho các cụ canh giữ đồ quý với con dao dưới gối mỗi đêm.
Bình luận (0)