Đất nước cần, doanh nghiệp sẵn sàng

29/01/2022 15:04 GMT+7

Khi chúng tôi thực hiện bài viết này thì ở cách nửa vòng trái đất, 2 chiếc ô tô điện Việt Nam đã có màn ra mắt công chúng tại triển lãm Los Angeles Auto Show 2021.

Để có màn trình diễn gây bất ngờ cho giới chuyên môn cũng như giới truyền thông thế giới, những con người Vingroup đã “vượt qua giới hạn” của bản thân xây dựng kế hoạch sản xuất, phân phối ô tô điện VinFast ra sân chơi toàn cầu. Bởi đây cũng chính là giai đoạn Việt Nam đối mặt với đợt dịch bùng phát lần thứ 4 với tốc độ lây lan nhanh nhất, nguy hiểm nhất. Và họ, Vingroup, cũng là tập đoàn có mặt sớm nhất, đóng góp nhiều nhất... trong công cuộc đồng hành cùng đất nước chống dịch.

2 năm vật lộn với Covid-19, hàng ngàn doanh nghiệp Việt đã và đang kiên cường chống dịch, kiên cường bảo toàn lực lượng lao động đồng thời sát cánh cùng người dân, Chính phủ trên khắp các mặt trận. Khi Tổ quốc cần, doanh nghiệp sẵn sàng.

Âm thầm tiên phong khắp các mặt trận

Dự đoán chỉ kéo dài từ 3 - 6 tháng, song dịch Covid-19 hoành hành tới nay đã 2 năm. Dự trù cho việc giãn cách xã hội từ 15 - 30 ngày, rồi đóng cửa tạm ngưng hơn 5 tháng... hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam từ nhỏ đến lớn đều đã chạm ngưỡng chịu đựng. Thế nhưng chính trong những tháng ngày khốn khó nhất, họ vẫn có mặt ở khắp mọi nơi; tìm tòi đủ phương tiện, kế sách để hoạt động; hỗ trợ cả tinh thần, vật chất; chia sẻ những yêu thương...

Chỉ sau 5 ngày thi công, Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng có quy mô 101 giường bệnh với trang thiết bị hiện đại bậc nhất đã được Tập đoàn Sun Group bàn giao cho tỉnh Bắc Giang

N.A

Nếu hỏi về Sun Group, ai cũng biết đó là tập đoàn phát triển du lịch hàng đầu Việt Nam với các khu nghỉ dưỡng mê hoặc du khách trong và ngoài nước, những đường cáp treo ghi dấu ấn vào kỷ lục toàn cầu. Thế nhưng giờ đây, Sun Group đã trở thành một thương hiệu “thi công thần tốc” các bệnh viện dã chiến, các trung tâm hồi sức tích cực. Họ bước chân vào lĩnh vực này lần đầu tiên là đầu tháng 8.2020, khi dịch bệnh tấn công Đà Nẵng. Chỉ sau 3 ngày rưỡi thi công gấp rút, bệnh viện dã chiến đã được hoàn thiện tại Cung thể thao Tiên Sơn (Đà Nẵng), sớm hơn 2 ngày rưỡi so với kế hoạch đặt ra và được Tập đoàn Sun Group bàn giao cho UBND TP.Đà Nẵng để đưa vào vận hành, tiếp nhận bệnh nhân Covid-19. Đây được xem là bệnh viện dã chiến đầu tiên của Việt Nam được xây dựng theo mô hình lắp modul từ tư vấn thiết kế của Trung tâm tư vấn xây dựng thuộc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng. Cũng từ đó, người ta thấy Sun Group có mặt ở khắp các điểm nóng dịch bệnh. Tập đoàn huy động sức người sức của để hoàn thành Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) đặt tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang và Bệnh viện đa khoa tỉnh với 58 giường vốn đã nhanh chóng quá tải khi tỉnh này bị làn sóng thứ 4 với biến thể Delta tấn công. Trực tiếp vào tâm dịch thi công bất kể đêm ngày, từ cán bộ quản lý điều hành đến kỹ sư, công nhân trên công trường miệt mài, quyết liệt cải tạo, sửa chữa, chỉnh trang, làm mới toàn bộ tòa nhà 5 tầng của Bệnh viện Tâm thần, cung cấp và lắp đặt trang thiết bị y tế. Kết quả chỉ sau 5 ngày thi công thần tốc, trung tâm hồi sức tích cực được Bộ Y tế đánh giá là hiện đại và có quy mô lớn nhất miền Bắc với tổng vốn đầu tư 50 tỉ đồng đã chính thức được Sun Group bàn giao cho tỉnh Bắc Giang. Vài ngày sau đó, trung tâm hồi sức tích cực quy mô và giá trị tương đương tiếp tục được tập đoàn hỗ trợ Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội, TP.HCM... Nhanh chóng có mặt tại những điểm nóng dịch bệnh, thần tốc dựng nên những “lá chắn thép” giúp các địa phương vượt qua dịch bệnh đã xây dựng nên một hình ảnh hoàn toàn mới cho Sun Group.

Ở tuyến đầu chống dịch, tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam - Vingroup cũng âm thầm đàm phán mua 500.000 lọ Remdesivir - một trong những loại thuốc đặc trị Covid-19 khó tiếp cận hàng đầu thế giới. Họ đàm phán lúc nào, kết nối ra sao... không ai biết. Chỉ đến khi chiếc chuyên cơ do Vingroup thuê chở 500.000 lọ Remdesivir từ Mỹ về tới Việt Nam ngày 5.8.2021, dư luận mới hay. Tương tự, 1 tháng trước khi Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 của Chính phủ được thành lập, Vingroup công bố tặng 4 triệu liều vắc xin, trị giá khoảng 1.800 tỉ đồng. Họ - những con người Vingroup làm tất cả những điều đó trong bối cảnh đang phải thu hẹp quy mô hoạt động vì dịch bệnh, cùng nỗ lực hết sức để hiện thực hóa giấc mơ về một thương hiệu ô tô Việt Nam bước ra thế giới.

Không dừng ở việc đóng góp mua vắc xin, mua thuốc chữa trị Covid-19, Vingroup còn mong muốn nhiều hơn thế. Họ muốn người Việt được tiêm vắc xin Việt với giá thành tốt nhất. Bởi vậy, ngay trong những ngày đầu tháng 8.2021, Vingroup gây bất ngờ khi tuyến bố đã ký kết với Công ty cổ phần công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics (Mỹ) nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vắc xin phòng Covid-19. Họ cũng ngay lập tức chi 200 triệu USD đầu tư nhà máy sản xuất vắc xin Covid-19 để “tạo bước tiến quan trọng đưa VN trở thành nước tự chủ về vắc xin phòng Covid-19, kéo giá vắc xin rẻ hơn so với sản phẩm cùng phân khúc đang được chào bán trên thị trường”, theo lời chia sẻ của bà Lê Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch tập đoàn.

Nhà máy sản xuất vắc xin của VinBioCare sẽ đặt tại tổ hợp Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử VinSmart tại KCN Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) với tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu USD, công suất 200 triệu liều mỗi năm

Xả thân như những người lính

Doanh nhân cởi áo vest, giày tây, đi mua rau phục vụ bà con; doanh nhân biến nhà hàng thành bếp ăn dã chiến; những ông chủ bao năm chỉ biết “lên xe xuống ngựa” nay cùng ăn cùng ngủ trong nhà máy với công nhân... Đại dịch mang đến những khó khăn, mất mát chưa từng có, nhưng trong đại dịch cũng cho thấy hình ảnh một đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt biết xả thân vì nước, biết sẻ chia với đồng bào từng miếng cơm, viên thuốc.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, nhận xét : Các doanh nghiệp, doanh nhân chính là lực lượng trụ cột trong phát triển kinh tế cũng như hoạt động phòng chống đại dịch Covid-19 tại Việt Nam. Đợt dịch lần thứ 4 vừa qua không chỉ tác động đến sức khỏe, sinh mạng của người dân mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sinh mạng của chính doanh nghiệp. Dịch bùng phát ở các thành phố lớn, lây lan trong các khu công nghiệp, huyết mạch của nền sản xuất. Có thể nói, các doanh nghiệp đã chịu tác động kép. Thế nhưng chiến trường chống dịch nào cũng thấy bóng dáng họ. Họ đóng góp lớn nhất vào quỹ vắc xin; họ tiên phong nghiên cứu thử nghiệm vắc xin; họ âm thầm đàm phán mua thuốc trị Covid-19 về nước, họ chuyển giao công nghệ sản xuất để Việt Nam tiến tới tự chủ nguồn vắc xin.

“Nếu chỉ vì lợi ích riêng của mình, tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp sẽ chọn cách đóng cửa, ngừng hoạt động trong thời gian phòng chống dịch bệnh để cắt lỗ. Tuy nhiên họ đã tìm mọi cách thích ứng, cố gắng duy trì sản xuất, giữ công việc cho hàng triệu người lao động, cũng là đảm bảo đời sống cho hàng triệu gia đình trên cả nước. Giữa muôn vàn khó khăn, dù bị thua lỗ, đang là “con nợ” của các ngân hàng, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn sẵn sàng tham gia tích cực, đầy trách nhiệm vào các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ an sinh xã hội”, tiến sĩ Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Phó giáo sư - tiến sĩ Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, liên tưởng sự đồng hành của các doanh nhân, doanh nghiệp với Chính phủ trong “trận chiến lịch sử” Covid-19 như “những người lính thời bình”: Thầm lặng, cương quyết và cực kỳ hiệu quả.

Ông nói trong đại dịch, mỗi ngành nghề đều có cái khó riêng. Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, hàng không gần như không có nguồn thu trong thời gian dài. Doanh nghiệp sản xuất thì ngưng trệ, gián đoạn vì các quy định phong tỏa. Những mặt hàng thiết yếu có sản xuất ra thì sức mua cũng rất thấp do cả thế giới đang đối diện đại dịch trăm năm chỉ có một lần. Càng làm lại càng lỗ. Doanh nghiệp nhỏ thì lay lắt cầm cự, doanh nghiệp lớn thì gánh nặng chi phí đè trĩu vai. Việc bỏ ra cả chục tỉ, trăm tỉ, thậm chí vài ngàn tỉ đồng cho công tác từ thiện, thật sự là số tiền rất lớn đối với các doanh nghiệp. Bỏ tiền ra là một phần, họ còn không ngại bỏ công chủ động tìm đến mọi ngóc ngách, mọi địa phương để hỗ trợ. Tấm lòng chung là mong muốn được góp chút sức mình cùng Chính phủ để vượt qua đại nạn Covid-19.

Chương trình OxyMap hỗ trợ ô xy cho bệnh nhân F0 điều trị tại nhà

Tiếp tục hành trình chữa lành “vết sẹo” Covid-19

Đỉnh dịch rồi cũng qua. Số ca nhiễm giảm dần, người khỏi bệnh tăng lên, từng địa phương rục rịch mở cửa trở lại. Dù bị tổn thương lớn, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đồng hành cùng người dân chữa lành những “vết thương” hậu Covid-19.

Giữa tháng 11, những chiếc máy ATM gạo của nhóm Công ty Mắt Bão và các đơn vị đồng hành vẫn tiếp tục phát gạo cho người dân tại TP.HCM. Ông Lê Hải Bình, Tổng giám đốc Mắt Bão, nhấn mạnh “phát đến khi nào hết gạo thì thôi!”. Không phải là người đầu tiên khởi xướng chương trình ATM gạo nhưng có lẽ đây là nhóm phát số lượng gạo nhiều nhất trong đợt dịch bùng phát tại TP.HCM, với gần 800 tấn gạo cho gần 200.000 lượt người nhận.

Nhớ lại những ngày gian khó ấy, ông Bình xúc động nói: “Một ngày trong tháng 7, sau khi ATM gạo đầu tiên đặt tại Q.Tân Bình hoạt động, có một ông cụ tới lấy gạo. Giữa trưa nắng, chiếc xe cà tàng cọt kẹt của cụ tưởng như cũng muốn rời ra thành từng bộ phận. Ông cụ tới đúng lúc máy đang tạm nghỉ, đành ngồi chờ để được nhận gạo vì đi từ Thủ Đức sang. ATM gạo có công nghệ nhận dạng khuôn mặt, thông qua một tổng đài duy nhất nên mỗi người chỉ được nhận 1 phần trong 1 tuần để có thể hỗ trợ được nhiều người nhất, nhưng thấy ông cụ từ xa, nhóm đã trao luôn cho ông 4 phần cho cả gia đình 4 người... Thời điểm đó, nhìn ai cũng thấy thương, thấy tội cả”. Hình ảnh ông cụ và nhiều người dân đến nhận gạo đã thôi thúc ông Bình và nhóm của mình tiếp tục triển khai chương trình OxyMap để hỗ trợ ô xy cho bệnh nhân F0 điều trị tại nhà khi hoạt động ATM gạo ổn định và TP.HCM bắt đầu thực hiện giãn cách nghiêm ngặt hơn. Sau khi đưa ra ý tưởng này, nhóm nhận được sự hỗ trợ từ Tập đoàn bất động sản BIM Group. Từ phía bắc, họ đã chuyển ngay vào TP.HCM 2.500 bình ô xy, nâng tổng số bình ô xy của nhóm lên đến 4.000. Từ đó, hơn 160 trạm ô xy đã ra đời và đặt tại các trạm y tế phường của 11 quận và TP.Thủ Đức, hỗ trợ ngay khi có người bệnh cần.

“Sau khi TP.HCM mở cửa trở lại, chúng tôi còn duy trì một số trạm ô xy ở các quận với khoảng 1.500 bình. Số bình còn lại chúng tôi đã chuyển hỗ trợ cho nhiều địa phương như Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Bến Tre, Đắk Lắk, Đồng Nai... ATM gạo cũng vậy. Dù đỉnh dịch đã qua nhưng vẫn còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ. Vết sẹo Covid-19 còn nặng lắm”, ông Lê Hải Bình trầm ngâm nói.

Những tổn thương về kinh tế có thể dần hồi phục, nhưng những mất mát đau thương vẫn còn ở lại. Từ ca tử vong đầu tiên vào ngày 31.7.2020, 4 đợt dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 23.400 đồng bào, trong đó có rất nhiều người là trụ cột gia đình, bảo bọc nuôi nấng con cái. Hơn 2.500 đứa trẻ bỗng mồ côi! Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kido, nhìn nhận đó mới thực sự là những vết sẹo sâu nhất hậu Covid-19. Vì thế, song song với hàng loạt chương trình của các tổ chức, đoàn hội tại TP.HCM, Kido đang tiếp tục lên kế hoạch để phối hợp cùng các doanh nghiệp, hiệp hội bảo trợ cho trẻ em mồ côi trong đại dịch. Ước tính trong năm qua Kido đã hỗ trợ các hoạt động thiện nguyện với số tiền và hàng hóa trị giá khoảng 3,5 tỉ đồng. Đây là số tiền dành cho các hoạt động thiện nguyện, xã hội lớn nhất trong 1 năm từ trước đến nay của tập đoàn này.

Chia sẻ nỗi mất mát của đất nước trong đại dịch, Báo Thanh Niên cũng phát động chương trình “Cùng con đi tiếp cuộc đời”, nhằm kêu gọi bạn đọc gần xa chung tay nâng đỡ trẻ mồ côi, giúp các em vượt qua đau thương, tiếp tục con đường học tập sau khi cha mẹ mất. Chương trình lập tức nhận được sự ủng hộ của rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp.

Chặng đường chữa lành “vết sẹo” Covid-19 còn nhiều khó khăn. 2 năm Việt Nam kiên cường chống dịch, cũng là 2 năm hàng trăm ngàn doanh nghiệp lớn nhỏ trên khắp cả nước luôn đồng hành, sát cánh, hỗ trợ Chính phủ trên mọi mặt trận. Sự dấn thân, tấm lòng, nghĩa tình đồng bào đã tạo sự an tâm, tin tưởng nhất định cho tất cả mọi người: Khi đất nước cần, doanh nghiệp sẵn sàng đón nhận trách nhiệm!

Những tấm lòng trung trinh với đất nước

Cộng đồng doanh nghiệp đã thiện nguyện không vụ lợi, không tính toán, bởi nếu tính toán thì mất cả chì lẫn chài. Bên cạnh ý nghĩa về mặt vật chất thì những việc này lan tỏa tính thiện lương rất lớn trong xã hội. Từ cụ già ngồi còng lưng may khẩu trang đến em bé đập ống heo để mua khẩu trang tặng người dân vùng dịch bệnh, tất cả nhờ tính lan tỏa của những tấm lòng thiện lương, trung trinh với quốc gia.

Phó giáo sư - tiến sĩ Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

Mỗi doanh nghiệp là một pháo đài chống dịch

Trong đại dịch lần thứ 4, một lần nữa chúng ta thấy tinh thần yêu nước, trách nhiệm và sự đùm bọc lẫn nhau của doanh nghiệp và doanh nhân Việt lại được tỏa sáng. Nếu như về mặt hành chính, Chính phủ xem mỗi xã, phường là một pháo đài phòng chống dịch thì cũng cần xem mỗi doanh nghiệp là một pháo đài trong hoạt động phòng chống dịch và là một tế bào trong phát triển kinh tế. Cần đặt niềm tin vào doanh nghiệp nhiều hơn, phát huy sức sáng tạo của mỗi doanh nghiệp và doanh nhân để từ đó tạo nên những bước chân thần tốc hơn trong hoạt động khôi phục, phát triển kinh tế song song với việc phòng chống dịch trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.