Đó là thông tin ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), chia sẻ tại Diễn đàn trực tuyến kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long, do Diễn đàn kết nối nông sản 970 Bộ NN-PTNT tổ chức sáng nay 6.1.
Báo cáo về tình hình sản xuất và tiêu thụ thanh long, ông Lê Thanh Tùng cho biết tổng sản lượng thanh long thu hoạch trên phạm vi cả nước vào khoảng 1,3 triệu tấn/năm, trong đó khoảng 90% diện tích và sản lượng tập trung ở 3 tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang.
Nhiều vườn thanh long ở Long An đã đến thời kỳ thu hoạch nhưng không có thương lái thu mua |
Bắc Bình |
Cũng theo ông Tùng, trong số 300.000 tấn thanh long cần tiêu thụ trong quý 1 trong điều kiện Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long thì riêng 3 tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang chiếm tới 240.000 tấn nên cần thiết phải tìm các giải pháp hỗ trợ các địa phương để tiêu thụ loại trái cây này.
Cụ thể, tại Bình Thuận, sản lượng thanh long cần tiêu thụ tháng 1 là 60.000 tấn, tháng 2 là 30.000 tấn, tháng 3 là 20.000 tấn; còn tại Long An, sản lượng cần tiêu thụ tháng 1 là trên 24.875 tấn, tháng 2 là trên 16.000 tấn, tháng 3 là trên 13.000 tấn.
Tại Tiền Giang, sản lượng cần tiêu thụ tháng 1 là trên 26.000 tấn, tháng 2 là trên 17.000 tấn, tháng 3 khoảng 18.000 tấn.
"Chưa tính sản lượng thanh long còn ở trên cây thì từ khi phía Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu quả thanh long thì ước tính đang có hơn 100.000 tấn thanh long đã thu hoạch nhưng hiện vẫn chưa có đầu ra tiêu thụ", ông Tùng nói.
Nhiều cơ hội mở rộng, đa dạng thị trường xuất khẩu thanh long
Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), Trung Quốc đang nhập khẩu với số lượng lớn trái cây từ Việt Nam gồm : xoài, nhãn, vải, thanh long, dưa hấu, chuối, chôm chôm, mít và măng cụt.
Nhưng thanh long vẫn là trái cây dẫn đầu về khối lượng và giá trị. Trong năm 2021, dù ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu thanh long Việt Nam vào Trung Quốc vẫn đạt 998 triệu USD, đóng góp rất lớn vào tỉ trọng chung của ngành xuất khẩu rau hoa quả.
Tuy nhiên, theo ông Hòa, trái thanh long vẫn còn nhiều cơ hội để mở rộng, đa dạng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các nước EU khi họ không cần đàm phán mở cửa thị trường, trái cây chỉ cần đảm bảo các tiêu chí về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật. Các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông cũng có nhu cầu lớn nhập khẩu thanh long và một số loại rau quả tươi, rau gia vị từ Việt Nam.
Ông Hòa cũng lưu ý trong năm vừa qua, Ấn Độ nổi lên là một thị trường nhập khẩu rất lớn thanh long nhưng chủ yếu lại thông qua các doanh nghiệp của Trung Quốc. Nhưng trong thời gian qua, ảnh hưởng của dịch bệnh và quan hệ giữa hai nước, nhiều doanh nghiệp Ấn Độ rất khó nhập khẩu thanh long từ Trung Quốc và đây là vấn đề các doanh nghiệp Việt Nam cần khai thác ở thị trường này.
Ông Lê Thanh Hòa khuyến nghị để mở rộng và đa dạng thị trường xuất khẩu thanh long thì các doanh nghiệp cần nắm bắt các quy định về kỹ thuật, yêu cầu tiêu chuẩn cụ thể của các thị trường ; thay đổi cách tiếp cận về an toàn thực phẩm, phải kiểm tra giám sát mọi công đoạn trong toàn bộ chuỗi sản xuất. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược tiếp thị và quảng bá trái thanh long thông qua các hội chợ, triển lãm ở nước ngoài.
Bình luận (0)