Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam để hỗ trợ các địa phương thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm trái cây đang đến mùa thu hoạch, trong bối cảnh xuất khẩu sang Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn khi nước này siết chặt nhập khẩu theo chính sách “Zero Covid-19”.
Ngày 6.1 tới đây, Bộ NN-PTNT tổ chức diễn đàn kết nối tiêu thụ thanh long khi Trung Quốc vẫn đang tạm dừng nhập khẩu loại quả này đến ngày 26.1 |
Công Hân |
Cụ thể, ông Trần Thanh Nam cho biết thống kê ở các địa phương, trong nhóm trái cây chủ lực từ nay đến hết quý 1/2022, sản lượng nông sản đến thời điểm thu hoạch có số lượng rất lớn, lên tới gần 1 triệu tấn.
Trong đó, nhiều nhất là quả thanh long với sản lượng khoảng 300.000 tấn; xoài khoảng 250.000 tấn; mít khoảng 160.000 tấn; bưởi khoảng 140.000 tấn; cam khoảng 130.000 tấn…
Theo ông Nam, trong điều kiện bình thường trước đây, những loại trái cây như thanh long, mít, xoài… đều nằm trong nhóm nông sản chủ lực xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt là dịp trước tết Nguyên đán, nhưng năm nay, Trung Quốc đã thông báo ngừng nhập khẩu quả thanh long Việt Nam đến hết ngày 26.1.
Sau đó, phía Trung Quốc tiếp tục thông báo sẽ tạm dừng nhập khẩu trái cây đóng trong container lạnh trong 28 ngày, cụ thể 14 ngày trước tết và 14 ngày sau tết, nên dự báo tình hình xuất khẩu các loại nông sản, trái cây chủ lực từ Việt Nam sang Trung Quốc dịp đầu năm nay gặp rất nhiều khó khăn.
Tập trung hỗ trợ tiêu thụ quả thanh long
Cũng tại diễn đàn Kết nối sản xuất - chế biến nông sản và thúc đẩy tiêu thụ thị trường nội địa do Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản 970 Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 31.12.2021 vừa qua, đại diện nhiều doanh nghiệp chia sẻ sẵn sàng hỗ trợ thu mua, chế biến nông sản ùn tắc ở cửa khẩu Lạng Sơn quay đầu về nội địa.
Cụ thể, đại diện Tập đoàn Central Retail, Công ty TNHH Bán lẻ BRG (BRG Retail) cam kết hỗ trợ tiêu thụ các nông sản đạt chuẩn, trong đó tập trung vào thanh long, dưa hấu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng mùa tết trong chuỗi siêu thị của các doanh nghiệp này.
Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) tại Ninh Bình, cho biết đơn vị đang có nhu cầu 100 - 150 tấn trái cây chế biến, đặc biệt là sản phẩm xoài; hỗ trợ tiêu thụ thêm dứa, chuối, chanh leo… Ngoài thu mua trực tiếp hàng từ các xe quay đầu từ cửa khẩu, doanh nghiệp này đang kết hợp với Đồng Tháp, Tiền Giang để thu mua từ các nhà vườn để làm nguyên liệu chế biến.
Tập đoàn Nafoods Group cũng cam kết hỗ trợ tiêu thụ thanh long, chanh leo. Đối với hàng quay đầu từ cửa khẩu phía bắc quay đầu về thì đưa vào nhà máy tại Nghệ An, còn ở các tỉnh phía nam đưa hàng vào nhà máy tại Long An.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trong nước sẵn sàng thu mua nông sản ùn ứ ở cửa khẩu cho thấy thị trường trong nước cũng có nhu cầu lớn, mà lâu nay các nhà vườn, doanh nghiệp xuất khẩu chưa quan tâm, thậm chí là “bỏ quên”, và cần phải thay đổi lại tư duy sản xuất, kinh doanh.
“Ngay cả khi Trung Quốc gần như đã đóng biên, hàng hóa ùn ứ kéo dài ở cửa khẩu mà vẫn có doanh nghiệp nhắn tin cho tôi nói là vẫn muốn bán Trung Quốc vì giá cao hơn thì phải xem lại tư duy. Để tránh rủi ro, doanh nghiệp không lệ thuộc vào một thị trường nữa mà phải đa dạng thị trường”, ông Nam nói.
Nhấn mạnh nhóm trái cây chủ lực dự báo từ nay đến hết quý 1 sản lượng thu hoạch cần tiêu thụ rất lớn, ông Nam đề nghị các địa phương chủ động, tích cực thông tin kết nối với các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, giảm thiệt hại cho các nhà vườn, bà con nông dân.
“Đây là công việc chung của tất cả các đơn vị chứ không phải nhiệm vụ của riêng ai. Bộ NN-PTNT đang tích cực kết nối, tìm các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ, chế biến trong nội địa”, ông Nam lưu ý.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng cho biết thanh long của Long An, Bình Thuận, Tiền Giang đã đến mùa thu hoạch và có sản lượng rất lớn, trong khi Trung Quốc vẫn dừng nhập khẩu trái cây này. "Ngay trong ngày 6.1, Bộ NN-PTNT tổ chức diễn đàn kết nối, bàn giải pháp tập trung tiêu thụ quả thanh long", ông Nam nói.
Bình luận (0)