Thương lái bỏ chạy, hơn 130.000 tấn thanh long chờ 'giải cứu'

31/12/2021 13:42 GMT+7

Ngay sau khi thông tin Trung Quốc ngừng nhập khẩu thanh long được đưa ra, ngành nông nghiệp và các địa phương trồng thanh long đang lo lắng vì sản lượng tồn kho và sắp thu hoạch rất lớn.

Người trồng thanh long cần điều chỉnh lại sản lượng để cân bằng với nhu cầu thị trường

quang thuần

10.000 tấn thanh long chuẩn bị “quay đầu”

Sáng 31.12, lãnh đạo Bộ NN-PTNT phối hợp Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp và các doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn trực tuyến kết nối nông sản.

Cập nhật tình hình ùn ứ hàng nông sản tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, bà Đinh Thị Thu - Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh cho biết: Tính đến cuối ngày hôm qua 30.12, lượng xe hàng xuất khẩu tại các cửa khẩu của tỉnh hiện nay chỉ vào khoảng dưới 100 xe/ngày/cửa khẩu và đa số là sản phẩm khô chứ rất ít hoa quả tươi. Tổng lượng xe ùn tắc tại Lạng Sơn hiện nay vào khoảng 2.900 xe, so với cuối ngày 29.12 đã giảm 550 xe. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do thời gian chờ quá lâu nên các xe đã quay đầu. Đặc biệt từ ngày 29.12 Trung Quốc thông báo ngừng nhập khẩu mặt hàng thanh long nên các xe hàng chở thanh long đã quay về. Sản lượng dự kiến từ các xe này đổ về nội địa khoảng 10.000 tấn.

Theo bà Đinh Thị Thu, trong thời gian tới việc xuất khẩu nông sản dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là 2 dịp nghỉ Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang đến gần. Phía Trung Quốc sẽ tạm dừng nhập khẩu hàng hóa trên container lạnh trong 28 ngày của dịp Tết Nhâm Dần, trong đó 14 ngày trước và 14 ngày sau tết. Trước tình hình đó, bà Thu kiến nghị các đơn vị cấp trên cần tổ chức thêm các cuộc hội đàm cấp cao để thông quan nốt 2.900 xe đang còn ùn tắc trước Tết Nguyên đán. Ngoài ra, bà Đinh Thị Thu cũng đề xuất đàm phán với Trung Quốc để tăng thời gian làm việc tại các cửa khẩu vẫn còn hoạt động, từ 4 giờ, 8 giờ lên 12 giờ mỗi ngày để nâng cao năng lực thông quan.

Đại diện Chi cục Hải quan Móng Cái (Quảng Ninh) cũng cho biết số xe chở thanh long còn xếp hàng ở cửa khẩu là 34 xe từ Tiền Giang, Bình Thuận, một số xe đã chuyển hướng về nội địa để tiêu thụ, nhiều xe vẫn còn chờ. Ngoài ra vẫn còn 102 xe chở mít, chôm chôm từ Vĩnh Long, Bình Thuận, Long An đang tập trung để chờ xuất khẩu qua Trung Quốc.

Nỗi lo 130.000 tấn thanh long sắp thu hoạch

“Tình hình hiện tại đối với sản phẩm thanh long của Long An đang là thời điểm nước sôi lửa bỏng”, bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, phát biểu: “Người dân trồng thanh long tại Long An rất trông mong vào thời điểm này, thời điểm trái vụ, quả thanh long có giá cao nhất để có thu nhập trang trải dịp tết và bù đắp lại thiệt hại trong cả năm qua. Trước khi có thông tin Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long, hầu hết các thương lái cam kết mua thanh long của người dân với giá 22.000 đồng/kg, tuy nhiên từ khi có thông tin Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long, đồng loạt các kho thanh long trên địa bàn tỉnh Long An đã ngưng nhận hàng”.

Theo ghi nhận của Sở NN-PTNT Long An, mấy ngày gần đây các thương lái đã gần như biểu tình yêu cầu các kho phải bồi thường vì số tiền họ bỏ ra đầu tư sản xuất thanh long cả 100 tỉ đồng. Hiện nay địa phương có khoảng 10.000 ha diện tích trồng thanh long với sản lượng khoảng 20.000 tấn. Đó là áp lực rất lớn đối với tỉnh. Qua rà soát, Long An hiện có 117 kho thanh long trên địa bàn tỉnh, trong đó có 100 kho đông lạnh với tổng công suất khoảng 5.400 tấn. Tuy nhiên lượng tồn hiện nay đã gần 3.000 tấn, chỉ còn sức chứa 2.400 tấn, đáp ứng khoảng ¼ sản lượng dự kiến.

Đối với tỉnh Bình Thuận, vùng trồng thanh long lớn nhất cả nước, ông Phan Văn Tấn - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết: Chưa kể 400 - 500 xe thanh long đang tồn ở cửa khẩu cả tháng nay, sản lượng thanh long thu hoạch từ đây đến tháng 2.2022 là 120.000 tấn. Đây là vụ thu hoạch lớn trong năm với gần 30% diện tích hiện có là 10.000 ha. Khoảng 70 - 80% sản lượng thanh long Bình Thuận là xuất khẩu qua Trung Quốc và hầu hết là bằng đường bộ. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 111 cơ sở thu mua, tổng kho lạnh 16.000 tấn. Về chế biến chỉ có 13 cơ sở quy mô nhỏ và vừa với các sản phẩm như kẹo, mứt, rượu thanh long, công suất sản lượng khá hạn chế. Dịp tết này người dân rất cần tiền để trang trải nhưng vựa đã ngưng hoạt động. Hiện nay giá thanh long loại ngon nhất được mua với giá 7.000 - 8.000 đồng/kg, loại thấp hơn thì không ai mua.

Theo ông Nguyễn Đình Phương, Phó giám đốc Chợ nông sản Thủ Đức: Ở thời điểm chưa có dịch bệnh, chợ chúng tôi tiêu thụ nông sản trái cây, rau củ quả lớn nhất TP.HCM, bình quân mỗi ngày chợ nhập 3.500 tấn. Ngày rằm có thể đến 4.000 - 4.500 tấn, ngày lễ âm lịch có thể lên hơn 7.000 tấn. Năm nay do dịch bệnh nên chợ phải tạm ngưng suốt mấy tháng, chỉ mới vừa hoạt động trở lại từ ngày 18.12 và sức mua giảm mạnh, chỉ còn khoảng 1.600 tấn/ngày, giảm hơn 50%.

Đối với lượng hàng thanh long và nông sản khác xuất khẩu bị dội ngược về, đại diện nhiều đơn vị phân phối như Central Retail, Nafoods Group, BRG Retail, Tiki, Wincommerce… hứa sẽ kết nối để tiêu thụ. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại chính là sản lượng thanh long trên ruộng đang chuẩn bị thu hoạch và hiện chưa có người mua.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nói: Tình hình nông sản tắc nghẽn đầu ra nhất là mặt hàng thanh long đang rất nghiêm trọng. Trước mắt, các đơn vị phân phối, các nhà bán lẻ cùng chung tay để hỗ trợ tiêu thụ lượng hàng từ cửa khẩu chuyển ngược về. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cần phải rà soát và chấn chỉnh lại ngay việc cho mượn mã vùng trồng ở các địa phương để xuất khẩu. Về lượng thanh long sắp thu hoạch, ngay trong tuần tới chúng ta sẽ tiếp tục ngồi lại để bàn giải pháp tháo gỡ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.