Giáo sư (GS) Charles Cường Nguyễn là người Việt đầu tiên được bổ nhiệm chức vụ hiệu trưởng một trường thuộc đại học tại Mỹ. Cụ thể, ông từng có nhiều năm làm hiệu trưởng Trường Kỹ sư thuộc Đại học Công giáo Mỹ (CUA). Trước đó, từ thập niên 1980, một trong các sáng kiến của ông là cánh tay robot đã được Cơ quan Không gian hàng không Mỹ (NASA) chọn để áp dụng xây dựng trạm không gian.
Nhân dịp vừa được World Automation Congress (WAC - Hội nghị tự động hóa thế giới) vinh danh, GS Charles Cường Nguyễn đã có cuộc trả lời phỏng vấn Thanh Niên.
GS Charles Cường Nguyễn (thứ 2 từ phải qua) tại sự kiện vinh danh của WAC |
NVCC |
Vinh danh những cống hiến
GS có thể chia sẻ thêm về sự vinh danh lần này của WAC dành cho GS?
Mỗi khi diễn ra hội nghị, một hội đồng của WAC và chủ tịch WAC lựa ra 1 - 3 chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực tự động hóa để tuyên dương và vinh danh những đóng góp cho ngành này. WAC từng vinh danh nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kỹ thuật của thế giới như GS Lotfi Zadeh (cha đẻ logic Fuzzy - logic mờ), nhà vật lý Joe Engelberger (cha đẻ công nghệ robotics)…
Trong hội nghị năm nay, WAC vinh danh tôi cùng 2 vị GS thuộc Học viện công nghệ Illinois và Đại học Illinois. Tôi được WAC vinh danh vì đã xây dựng chuyên san International Journal of Intelligent Automation and Soft Computing (AUTOSOFT) từ năm 1993. Nay thì chuyên san này đã trở thành chuyên san chính thức của WAC. Từ năm 1993 - 2007, tôi giữ vị trí tổng biên tập của AUTOSOFT và chuyên san đã xuất bản hàng ngàn bài báo về kỹ thuật. Hiện tại, tôi đang giữ chức danh tổng biên tập sáng lập của AUTOSOFT.
Ngoài ra, WAC vinh danh tôi vì có nhiều cống hiến trong ngành điều khiển học và tự động hóa, viết trên 100 bài nghiên cứu về lĩnh vực này và nhất là công trình chế tạo cánh tay robot cho NASA. Bên cạnh đó, WAC cũng ghi nhận những đóng góp của tôi trong vai trò hiệu trưởng của Trường kỹ thuật đã thiết lập một số chương trình hợp tác quốc tế với các đại học ở VN, Philippines, Ấn Độ…
Từ tháng 11 này, GS làm General Chair (vị trí tổ chức, điều phối các chương trình, hoạt động - GC) của WAC, GS có thể thông tin thêm về công việc và dự định của ông khi đảm nhiệm vị trí này?
GS Mo Jamshidi về hưu vì đã gần 80 tuổi. Hội đồng WAC và GS Jamshidi chọn tôi làm GC. Đây là một vinh dự lớn cho tôi.
Nhiệm vụ chính của chức vụ này là làm việc với các thành viên của WAC để tổ chức các hội nghị trên thế giới. Chuyện trước nhất mà tôi làm là chọn địa điểm tổ chức WAC 2024, rồi thành lập một ủy ban gồm những chuyên gia trong ngành điều khiển học, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo… và bổ nhiệm một người phụ trách chương trình để đứng đầu ủy ban trên đánh giá các tham luận gửi đến WAC 2024. WAG 2024 dự định tổ chức ở Đà Nẵng nên tôi dự định phải chọn một người ở địa phương để phụ trách việc tổ chức.
Một bài báo về việc GS Cường tham gia dự án của NASA |
TL |
Không ngừng nỗ lực cho giáo dục đại học VN
Vì sao GS dự kiến tổ chức WAC 2024 tại Đà Nẵng?
Đà Nẵng là quê hương của vợ chồng tôi và tôi cũng đã có kết nối với nhiều GS, chuyên gia kỹ thuật tại Đà Nẵng. TP này cũng có nhiều cảnh đẹp, nằm ở vị trí trung trung bộ, giúp cho những người tham dự nếu muốn có thể di chuyển đến Hà Nội hoặc TP.HCM để tham quan.
Tôi dự kiến sự kiện diễn ra vào tháng 10.2024.
Tôi tin rằng WAC 2024 sẽ là một dấu mốc mới của GS trong việc tăng cường hợp tác với giáo dục đại học ở VN. Thời gian qua, GS cũng đã tham gia chương trình BUILD-IT và các chương trình nâng cao chất lượng giáo dục đại học tại VN. Các hoạt động này của GS trong thời gian qua như thế nào?
Được thành lập vào năm 1984 bởi GS Mo Jamshidi (chuyên gia nổi tiếng hàng đầu trong lĩnh vực kỹ thuật), WAC là hội nghị diễn ra 2 năm một lần để các chuyên gia trong ngành tự động hóa gặp gỡ nhau và trình bày các nghiên cứu.
Đến nay, WAC có khoảng 1.000 thành viên trên thế giới, bao gồm giáo sư của nhiều trường đại học uy tín và cơ quan nghiên cứu.
Tôi đã có 5 năm làm việc cùng BUILD-IT. Đây là chương trình được bảo trợ bởi Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) thông qua kết hợp cùng Đại học bang Arizona (Mỹ). Mục tiêu của chương trình là cùng nâng cao chất lượng cho Đại học VN đạt chuẩn của Hệ thống Đại học ASEAN (ASEAN University Network - AUN). Đến nay, nhiệm vụ của tôi đã xong. Một cẩm nang về BUILD-IT nhằm hướng dẫn cách thức để có được sự công nhận của AUN đã được hoàn thành. Cẩm nang này rất hữu ích cho các lãnh đạo, quản lý các cấp của những trường đại học ở VN để đạt chuẩn của AUN. Trong 5 năm tham gia BUILD-IT, tôi cũng đã hỗ trợ một số trường đại học ở VN đạt chứng nhận của AUN.
Trong khả năng của mình, tôi sẽ tiếp tục nỗ lực làm cầu nối cho giáo dục đại học ở VN với thế giới.
Bình luận (0)