Chiều nay, 4.7, trong cuộc họp báo định kỳ do Bộ KH-CN tổ chức, một trong những nội dung được các nhà báo đề cập là vấn đề nở rộ hàng giả, hàng nhái khi thương mại điện tử phát triển.
Bà Nguyễn Như Quỳnh, Chánh Thanh tra Bộ KH-CN, cho rằng sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử mang lại cho xã hội nhiều lợi ích, nhưng cũng rất nhiều thách thức. Một trong những thách thức lớn có tính toàn cầu, bao gồm ở VN, là giải quyết hàng giả, hàng nhái trong môi trường thương mại điện tử.
Là cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, Bộ KH-CN đã có nhiều giải pháp nhằm xử lý và giảm bớt tình trạng này. Trong đó việc đầu tiên là xây dựng và hoàn thiện các quy định của pháp luật. Gần đây nhất là Bộ KH-CN đã chủ trì xây dựng Nghị định 46 sửa đổi Nghị định 99 về quy định xử lý hành chính trong lĩnh vực vi phạm sở hữu công nghiệp. Với Nghị định 46, các hành vi vi phạm trong môi trường thương mại điện tử đã được làm rõ.
Hiện nay Thanh tra Bộ KH-CN được giao chủ trì sửa đổi Thông tư 11 (hướng dẫn thực hiện nghị định về quy định xử lý hành chính trong lĩnh vực vi phạm sở hữu công nghiệp). "Với việc sửa đổi Thông tư 11, chúng tôi mong muốn giải quyết tốt hơn, hoàn thiện cơ sở pháp lý và hành lang pháp lý cho xử lý vi phạm trong môi trường thương mại điện tử", bà Quỳnh cho biết.
Ngoài ra, Bộ KH-CN cũng đang phối hợp với các bộ Công thương, TT-TT để hoàn thiện nền tảng pháp lý, các chính sách liên quan tới thương mại điện tử.
Tồn tại nhiều địa chỉ kinh doanh "ma"
Cũng theo bà Quỳnh, các cơ quan chức năng đang gặp một số khó khăn khi xử lý hàng nhái, hàng giả trong môi trường thương mại điện tử. Chẳng hạn như việc tồn tại địa chỉ kinh doanh "ma". "Khi mua bán, khách hàng có thể thấy hiển thị địa chỉ của nơi bán. Nhưng khi cơ quan có thẩm quyền đến địa chỉ đó thì hầu hết không phải là nơi tiến hành hoạt động kinh doanh", bà Quỳnh nói.
Một khó khăn khác, đó là cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn khi xác định hành vi vi phạm. Ví dụ, trên giao diện điện tử, khách hàng nhận thấy hình ảnh chụp túi Louis Vuitton, và có đơn khiếu nại vì nhận được hàng giả. Nhưng khi cơ quan chức năng đến nơi kiểm tra thì bên vi phạm lại trưng hình ảnh phóng to cho thấy đó không phải là hình ảnh biểu tượng của nhãn hiệu Louis Vuitton.
Hoặc có những tình huống sau khi nhận được khiếu nại, cơ quan chức năng đến kiểm tra thì đối tượng đã kịp xóa bỏ hành vi vi phạm trên môi trường thương mại điện tử.
"Chúng tôi đang nâng cao năng lực cho cán bộ trong việc xử lý vi phạm trong môi trường thương mại điện tử. Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với nhiều cơ quan đẩy mạnh nhận thức, ý thức cho người mua hàng online, để giúp người mua phân biệt hàng giả, hàng thật và tẩy chay hàng giả", bà Quỳnh chia sẻ.
Bình luận (0)