Kinh doanh online: Lo thất thu thuế, hàng giả, hàng nhái

05/06/2024 05:58 GMT+7

Trả lời chất vấn chiều 4.6, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết VN đang đối mặt 3 thách thức trong thương mại điện tử: người tiêu dùng mất an toàn dữ liệu cá nhân; hàng giả luôn bao vây, sẵn sàng đổ bộ vào thị trường nội địa; tỷ lệ thất thu thuế còn lớn.

Theo quy định hiện hành, hàng hóa nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng không phải chịu thuế giá trị gia tăng. Trong khi đó, khảo sát từ 4 sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn đang hoạt động tại VN cho thấy mỗi năm có khoảng 1 tỉ USD hàng nhập khẩu giá trị nhỏ qua đây. Nếu không điều chỉnh chính sách để bịt kẽ hở này, ông Diên cho rằng "sẽ có lượng thuế nhất định thất thoát".

Kinh doanh online: Lo thất thu thuế, hàng giả, hàng nhái- Ảnh 1.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn

GIA HÂN

Suốt phiên chất vấn, nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh việc làm thế nào kiểm soát chất lượng hàng hóa giao dịch qua TMĐT. ĐB Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) nói hiện nay chưa có chế tài xử lý nếu sàn TMĐT hoặc người bán hàng qua Facebook, Zalo... bán hàng giả, hàng nhái. Bộ Công thương có giải pháp nào khắc phục tình trạng này, từ đó bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?

Ông Diên thừa nhận công tác quản lý bán hàng online, livestream là rất khó khăn; trách nhiệm này không chỉ của ngành công thương mà cần sự phối hợp của nhiều bộ, ngành. Một trong những giải pháp được bộ trưởng đề cập là lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra để phát hiện vi phạm, nếu đủ căn cứ chứng minh thì xóa vĩnh viễn những trang kinh doanh online này.

Đại biểu Quốc hội thắc mắc: 'Những buổi livestream bán hàng trăm tỉ, Bộ có biết không?'

Đáng chú ý, ĐB Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) đề cập tới một số buổi livestream bán hàng được quảng bá doanh thu lên tới trăm tỉ đồng mỗi ngày, vậy Bộ Công thương có nắm được không, là thật hay ảo. Ông Nghĩa cũng cho rằng giá bán tại các buổi livestream thường thấp hơn giá đại lý rất nhiều, có thể gây bất ổn thị trường, chưa kể là chất lượng sản phẩm. Bộ Công thương có giải pháp gì để quản lý?

Giải trình sau đó, ông Diên không trả lời trực tiếp câu hỏi được chất vấn, khiến ĐB Nghĩa phải giơ bảng tranh luận và đặt lại câu hỏi. Theo ĐB tỉnh Phú Yên, việc xóa trang kinh doanh onilne chỉ hiệu quả với các sàn TMĐT có định danh, còn với cá nhân thì rất khó, bởi việc lập lại trang mới là rất dễ dàng. "Cảm giác nếu không đi đúng hướng thì cơ quan quản lý sẽ hết sức vất vả, cứ đuổi theo như một mê hồn trận, trong khi người tiêu dùng thì lãnh đủ, thuế thì thất thu", ông Nghĩa nhận định. Tuy nhiên, ông Diên một lần nữa không đi thẳng vào nội dung ĐB Nghĩa chất vấn, mà chỉ đề cập tới việc sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để có biện pháp xử lý.

Cùng quan tâm tới hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, ĐB Trịnh Minh Bình (đoàn Vĩnh Long) đặt câu hỏi về trách nhiệm của người đứng đầu. Trả lời ĐB, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết xác định trách nhiệm người đứng đầu là cần thiết, thế nhưng người đứng đầu ở đây là đứng đầu địa phương, đứng đầu ngành hay đứng đầu cơ quan. Việc kiểm soát, xử lý vi phạm chất lượng hàng hóa đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cơ quan, tổ chức, nếu dồn hết trách nhiệm cho một người thì phải tính toán. Bộ trưởng Công thương cho rằng thực tế nhiều việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu vì đó là việc họ có thể kiểm soát được; nhưng với hàng giả, hàng kém chất lượng, nếu quy trách nhiệm cho "một khái niệm người đứng đầu chung chung thì rất khó", không dễ gì thực hiện.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.