Đông Nam Á đang chứng kiến sự phát triển thần tốc của thương mại điện tử. Đi kèm với sự phát triển đó, hệ thống giao nhận cũng tăng vượt bậc, tạo nên một thị trường sôi động. Riêng Ninja Van Việt Nam ghi nhận tăng trưởng 24% năm 2023.
Để tăng biên lợi nhuận, Ninja Van ra mắt Ninja B2B, tận dụng thế mạnh giao nhận thương mại điện tử, hướng đến các doanh nghiệp FMCG (Fast Moving Consumer Goods, hay còn gọi là ngành hàng tiêu dùng nhanh), điện máy gia dụng và các nhà phân phối thực phẩm chức năng.
"Nếu chỉ dựa vào thương mại điện tử, Ninja Van rất khó phát triển. Các đối thủ lớn với tiềm lực tài chính liên tục cạnh tranh về giá, buộc chúng tôi phải tìm một hướng đi mới để có thể cải thiện được các chỉ số về tăng trưởng", phía này cho hay. Ngược lại với mảng vận tải thương mại điện tử, dịch vụ tiếp hàng từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp (B2B) có ít sự cạnh tranh hơn.
Với các doanh nghiệp, điều được quan tâm là hình thức vận chuyển phải linh hoạt, có độ phủ rộng và chi phí thật tối ưu. Ninja B2B tận dụng các lợi thế sẵn có về đội xe 500 - 800 chiếc, vận hành liên tục mỗi ngày, cùng hệ thống kho trạm phủ khắp Việt Nam, ứng dụng công nghệ trong việc theo dõi và báo cáo hành trình tiếp hàng. Nhờ tối ưu trên nền tảng vận tải phục vụ thương mại điện tử, Ninja B2B có khả năng rút ngắn thời gian giao hàng từ 1 - 2 ngày tùy tuyến, đưa hàng hóa đến những điểm xa nhất. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng không bị ràng buộc bởi số lượng hàng giao, có thể gửi hàng đến 200 - 300kg.
"Bước đầu, khi ra mắt tại các thị trường như Malaysia, Singapore, Ninja B2B/Restock đã gặt hái được một số thành công đáng kể. Chúng tôi đã có thể phục vụ cho các khách hàng lớn như Skechers, Castella", CEO Ninja Van - Adzim Halim tiết lộ. Cùng với sự lớn mạnh của thương mại điện tử, Ninja Van đã có hệ thống hơn 2.000 trạm khắp Đông Nam Á, mỗi ngày hãng vận chuyển hơn 2 triệu gói hàng trên khắp mạng lưới.
Bình luận (0)