|
Theo nghiên cứu mới về sự liên hệ giữa chứng mất trí nhớ với chất lượng giấc ngủ, kết quả ban đầu cho thấy việc điều chỉnh được những vấn đề rối loạn giấc ngủ có thể tạo ảnh hưởng tích cực về lâu dài cho não bộ.
Dù chưa chứng minh được liệu tình trạng trằn trọc có thể góp phần vào những sự thay đổi não bộ gây nên chứng Alzheimer hay không, nhưng các chuyên gia đặt hy vọng rằng việc chữa trị thành công các vấn đề về giấc ngủ có thể tác động tích cực đến hoạt động não bộ về lâu dài, theo nghiên cứu của Đại học Washington (Mỹ). Chuyên gia David Holtzman của Đại học Washington đã công bố nghiên cứu trên chuyên san Science, theo đó cho thấy tình trạng thiếu ngủ ở chuột làm tăng đến 25% lượng các mẩu protein gọi là amyloid beta bên trong não. Amyloid beta là thành phần chính của chất bột làm tắc nghẽn não ở những người mắc chứng Alzheimer. Những con chuột này đã được biến đổi gien để tích lũy amyloid beta, và môi trường hóa chất trong não chuột có thể sẽ chẳng bao giờ tương đồng với con người. Do vậy, các chuyên gia của đại học trên, với trưởng nhóm là trợ lý giáo sư Ju Yo-el, chuyển sang nghiên cứu một nhóm đăng ký tham gia chương trình nghiên cứu người lớn - trẻ em. Phân nửa số người tình nguyện trong nhóm này là con cái của những người mắc chứng Alzheimer.
Tổng cộng có khoảng 100 người tuổi từ 45 đến 80 tham gia cuộc nghiên cứu, toàn bộ đã trải qua các cuộc xét nghiệm và không có dấu hiệu mất trí nhớ hoặc suy giảm chức năng nhận thức. Trong vòng 2 tuần, họ được đeo thiết bị giống đồng hồ để đo liều lượng hoạt động của mỗi người, cho phép xác định được thời gian thức và ngủ. Kết quả cho thấy những người khó ngủ vào ban đêm, tức trung bình thức giấc hơn 5 lần/giờ, thường có lượng hóa chất bất thường liên quan đến amyloid beta. Những dấu hiệu này xuất hiện từ 10 đến 15 năm trước khi có bất cứ tín hiệu nào cho thấy tình trạng mất trí nhớ hoặc suy giảm nhận thức. Tuy nhiên, hầu hết những người có các dấu hiệu này sẽ dần phát bệnh Alzheimer. Khoảng 25% số người trong cuộc nghiên cứu rơi vào dạng tiền Alzheimer.
Cuộc nghiên cứu này đã được báo cáo tại hội nghị thường niên của Tổ chức Thần kinh Mỹ vừa qua tại New Orleans. Các chuyên gia cho rằng nếu giấc ngủ được phát hiện gây ảnh hưởng đến sự khởi nguồn hoặc quá trình phát triển bệnh Alzheimer, đặc biệt trong giai đoạn ban đầu, như vậy đáng để nỗ lực tận dụng cơ hội này, vì cải thiện chất lượng giấc ngủ theo hướng ngủ ngon hơn hoặc nhiều hơn là điều không gây nguy hiểm gì cho các đối tượng.
Phi Yến
>> Thiếu ngủ triền miên gây Alzheimer
>> Ăn nhiều rau quả để giảm cholesterol
>> Bệnh tiểu đường làm teo não
>> Ăn chuối giúp nhớ lâu
>> Ngăn ngừa chứng mất trí nhớ
>> Thiếu vitamin gây mất trí nhớ
>> Giải mã bộ gien cụ bà 115 tuổi
>> Tiểu đường làm tăng nguy cơ mất trí nhớ
>> Sống có mục đích giúp giảm nguy cơ alzheimer ở người già
>> Cao huyết áp làm mất trí nhớ
>> Uống sữa để chống Alzheimer
Bình luận (0)