(TNO) Mỗi năm, có hàng trăm triệu người trên thế giới mắc căn bệnh này, và đáng nói, nó đang có xu hướng gia tăng ở trẻ em, theo Woman’sDay. Nhận biết các dấu hiệu là bước quan trọng để bảo vệ sức khỏe con em chúng ta.
|
Tiểu đường tuýp 2 xảy ra do cơ thể kháng với insulin (một hormone điều chỉnh sự chuyển động của đường vào các tế bào) hoặc khi tuyến tụy sản xuất không đủ insulin để duy trì mức độ glucose bình thường. Nếu không điều trị, hậu quả của bệnh tiểu đường type 2 có thể đe dọa tính mạng.
Thừa cân. Cơ thể chỉ cần dư từ 4-6 kg có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2. Nếu nhận thấy con mình thừa cân, hãy nhanh chóng đưa đến bác sĩ để kiểm tra bởi ngày nay căn bệnh này đang có xu hướng tấn công cả trẻ em. Theo nhiều nghiên cứu từ Chương trình phòng chống tiểu đường tại Mỹ, chỉ cần mất từ 5-7% trọng lượng cơ thể, con bạn đã có thể giảm thiểu nguy cơ bị bệnh tiểu đường.
Tiểu liên tục. Khi cơ thể không tạo ra đủ insulin, đường sẽ tích tụ trong máu và gây ra hiện tượng đi tiểu thường xuyên để đào thải ra ngoài, bác sĩ Janet Silverstein, giám đốc khoa Nội tiết nhi của Đại học Florida (Mỹ) giải thích.
Những quả thận phải hoạt động hết công suất để loại bỏ lượng đường dư thừa trong máu, vì thế nó sẽ thúc đẩy việc đi tiểu thường xuyên. Trong khi đó, khát nhiều có nghĩa là cơ thể đang cố gắng bù lại lượng dịch đã mất đi. Hai triệu chứng này luôn đi kèm với nhau và là cách mà cơ thể cố gắng để kiểm soát tình trạng đường trong máu tăng cao, Silverstein cho biết thêm.
Nhìn mờ. Lượng đường trong máu tăng cao làm thay đổi hình thái của thủy tinh thể và mắt. Từ đó, khiến việc tập trung trở nên khó khăn hơn. Nhìn nhòe, thấy chớp sáng hoặc thấy vật bay qua là hậu quả trực tiếp của lượng đường trong máu tăng cao.
Giảm cân không có lý do rõ ràng. Hiện tượng này thường được xem là dấu hiệu của bệnh tiểu đường tuýp 1, nhưng đôi khi cũng xảy ra với cả tiểu đường tuýp 2. Việc quá nhiều đường trong máu thúc đẩy nhanh quá trình giảm cân (có thể từ 5-10 kg trong vòng 2-3 tháng).
Khi insulin không đưa được đường glucose vào trong tế bào - nơi nó được sử dụng làm năng lượng, cơ thể nghĩ rằng nó đang "đói" và bắt đầu phá hủy các protein của những bó cơ để làm nguyên liệu thay thế và gây ra hiện tượng sụt cân, tiến sĩ Silverstein cho biết.
Vòng đen quanh cổ. Alyne Ricker, bác sĩ khoa Nội tiết nhi tại Trung tâm Tiểu đường Boston (Mỹ) cho biết, cơ thể bơm insulin ra quá nhiều sẽ làm tích tụ lại các nếp gấp trên da mà phổ biến là quanh cổ gây ra hiện tượng thay đổi sắc tố da tại những khu vực đó.
Vết thương lâu lành. Nhiễm trùng, vết xước và các chỗ thâm tím không lành nhanh là dấu hiệu điển hình khác của bệnh tiểu đường. Điều này xảy ra do các mạch máu bị hư hại bởi có quá nhiều glucose di chuyển trong các tĩnh mạch, động mạch. Nó khiến cho máu khó lưu thông đến các khu vực bị thương để “vá lành” vết thương.
Nhiễm nấm thường xuyên. Căn bệnh này có thể xảy ra với cả tiểu đường tuýp 1 và 2 do sự tích tụ của đường làm thúc đẩy quá trình phát triển quá mức của nấm men. Nấm và vi khuẩn đều sinh sôi mạnh trong môi trường giàu đường. Các triệu chứng khi bị nhiễm nấm bao gồm ngứa âm đạo, viêm niệu đạo.
Ngọc Khuê
>> Giảm nguy cơ tiểu đường ở trẻ béo phì
>> Nguy cơ mắc đái tháo đường ở trẻ béo phì
>> Trẻ béo phì và nguy cơ ung thư
>> Nguy cơ đau khớp ở trẻ béo phì
>> Trẻ béo phì tăng rủi ro bệnh tim mạch
>> Trẻ béo phì học kém môn toán
>> Trẻ béo phì dễ mắc bệnh
Bình luận (0)