Do vậy, nếu không có phương án sao lưu dữ liệu thường xuyên, có thể một ngày nào đó bạn sẽ mất sạch các dữ liệu quan trọng của mình mãi mãi. Về lý thuyết, sao lưu (backup) dữ liệu không phải là phần việc khó khăn hay khó hiểu, thậm chí bạn có thể liệt kê ra nhiều phương pháp sao lưu khác nhau. Nhưng đâu là phương pháp sao lưu phù hợp với bạn? Đáng tin cậy và liệu các tệp tin của bạn có thực sự cần được sao lưu?
Dưới đây là một số kinh nghiệm về sao lưu dữ liệu an toàn.
Đó là dữ liệu cá nhân của bạn
Hãy bắt đầu với sự thật hiển nhiên: Bạn cần sao lưu gì? Dĩ nhiên, thứ quan trọng nhất là các tệp tin chứa dữ liệu cá nhân của bạn. Bạn có thể dễ dàng tải xuống và cài lại hệ điều hành nếu máy tính bị lỗi, nhưng dữ liệu cá nhân của bạn thì không dễ “làm lại” như thế.
Bất kỳ dữ liệu cá nhân nào như hình ảnh, video gia đình hoặc các tài liệu khác trên máy tính mà bạn thấy quan trọng thì cần được sao lưu thường xuyên. Bởi có những thứ nếu mất đi không bao giờ tìm lại được, đó có thể là những tệp tin video tư liệu quý giá ghi lại khoảnh khắc sum họp ấm cúng, hay thời khắc con bạn chập chững biết đi. Hoặc đơn giản, đó là những bản nhạc mà bạn dành hàng giờ đồng hồ để sưu tầm hay trích xuất từ DVD.
Hệ điều hành, các chương trình và các bộ cài khác cũng có thể cần được sao lưu nhưng chúng là thứ có thể tìm lại dễ dàng trên internet. Nhưng nếu không muốn mất thời gian cài đặt và thiết lập lại các tùy chỉnh, bạn có thể sao lưu hệ thống thường xuyên để tiết kiệm thời gian mỗi khi gặp sự cố, nhất là nếu bạn thích “can thiệp” các tệp tin hệ thống.
Có nhiều cách để sao lưu dữ liệu
|
Dĩ nhiên, có rất nhiều cách để sao lưu dữ liệu, đó có thể là sử dụng các giải pháp sao lưu đám mây, sao lưu qua thẻ nhớ gắn ngoài hoặc ổ cứng gắn trong, sao lưu tự động hoặc sao lưu thủ công. Dưới đây là một số giải pháp sao lưu dữ liệu phổ biến và ưu/nhược điểm của chúng:
1. Sao lưu vào ổ cứng/thẻ nhớ gắn ngoài: Nếu bạn có thẻ nhớ USB hoặc ổ cứng gắn ngoài SSD/HDD có dung lượng đủ lớn, bạn có thể sao lưu dữ liệu máy tính vào chúng thông qua các tính năng tích hợp sẵn của hệ điều hành hoặc của nhà sản xuất thiết bị.
Trên Windows 10 và Windows 8 bạn có thể sử dụng tính năng File History để sao lưu các bản sao của tệp tin quan trọng. Trên Windows 7 hãy sử dụng tính năng Windows Backup. Trên máy Mac, bạn có thể dùng Time Machine để sao lưu. Điều quan trọng là nhớ sao lưu định kỳ. Ưu điểm: Sao lưu với chi phí khá rẻ và nhanh chóng. Nhược điểm là nó có thể hư hỏng cùng các thiết bị của bạn khi bị đánh mất hoặc hư hại.
2. Sao lưu qua đám mây: Nếu bạn muốn đảm bảo các tệp của mình được an toàn, bạn có thể sao lưu chúng qua các dịch vụ đám mây trên internet thông qua một dịch vụ của các nhà cung cấp uy tín như Amazon, Microsoft, Google, Apple, Dropbox… Tuy nhiên, hầu hết các giải pháp này đều tính phí thuê bao dựa theo thời gian (chu kỳ hằng tháng) và dung lượng lưu trữ. Nếu dữ liệu của bạn bị hư hại, bạn có thể khôi phục chúng thông qua kết nối internet. Ưu điểm: Các dịch vụ sao lưu qua đám mây bảo vệ bạn khỏi các loại hình mất mát dữ liệu vật lý, trộm cắp, tai nạn và thiên tai, ngoài ra chúng dễ dàng được đồng bộ tự động mà không cần nhiều thao tác. Nhược điểm: Các dịch vụ này thường tính phí (chỉ miễn phí một vài GB ban đầu) và mất nhiều thời gian hơn so với sao lưu qua ổ cứng gắn ngoài, nhất là với các tệp tin có dung lượng lớn, do phải tải chúng lên internet.
3. Sao lưu qua internet: Các dịch vụ sao lưu qua internet như Backblaze, Carbonite và MozyHome cũng tính phí tương tự các dịch vụ đám mây. Tuy nhiên, khác với các dịch vụ sao lưu đám mây, các dịch vụ sao lưu internet được thiết kế để sao lưu một số lượng lớn các tệp tin theo nhiều phiên bản khác nhau, giúp người dùng có thể khôi phục chính xác từ nhiều thời điểm dựa theo các mốc thời gian sao lưu (tùy cấu hình lưu trữ). Tuy nhiên, các dịch vụ sao lưu inetnet như Backblaze và Carbonite có một hạn chế lớn mà bạn nên ghi nhớ: Nếu bạn xóa một tệp trên máy tính của bạn thì phiên bản sao lưu trực tuyến cũng sẽ bị xóa bỏ sau 30 ngày, do vậy bạn không thể khôi phục chúng sau khoảng thời gian này. Ưu điểm và khuyết điểm còn lại của nó cũng khá tương đồng với hình thức sao lưu qua đám mây.
Một bản sao là không đủ và hãy đa dạng hóa hình thức sao lưu
Vậy tóm lại bạn nên sao lưu theo cách nào? Lý tưởng nhất là bạn sử dụng ít nhất 2 hình thức sao lưu, vì bạn sẽ cần sao lưu tại chỗ (onsite) và cả giải pháp sao lưu từ xa (offsite).
|
Sao lưu tại chỗ có nghĩa là được lưu trữ tại cùng một thời điểm và vị trí thực của thiết bị. Do vậy, nếu bạn sao lưu vào ổ cứng gắn ngoài và lưu trữ tại nhà với máy tính thì đó là một bản onsite backup.
Trong khi đó, sao lưu từ xa được lưu trữ tại địa điểm khác. Nếu bạn sao lưu vào các máy chủ trực tuyến như Drobox hay Backblaze thì đó là offsite backup.
Dĩ nhiên, sao lưu tại chỗ nhanh và dễ dàng hơn, nên đó là tuyến phòng thủ đầu tiên mà bạn nên dùng để tránh mất mát dữ liệu. Khi sự cố xảy ra, bạn có thể nhanh chóng khôi phục dữ liệu từ các bản sao trên ổ cứng gắn ngoài. Nhưng đừng quá dựa vào các bản sao tại chỗ, bởi khi xảy ra thiên tai hoặc các sự cố như trộm cắp, dữ liệu của bạn có nguy cơ mất trắng.
Sao lưu từ xa không nhất thiết là sao lưu trên máy chủ internet (thứ mà bạn sẽ phải trả tiền thuê bao hằng tháng). Bạn có thể sao lưu qua ổ đĩa và lưu trữ tại văn phòng hoặc nhà bạn bè, sẽ bất tiện một chút nhưng về mặt kỹ thuật thì đó là một hình thức dự phòng an toàn. Điều tương tự, bạn có thể sao lưu qua các dịch vụ đám mây như Dropbox, Google Drive hay OneDrive và sao lưu thường xuyên dữ liệu ra ổ cứng gắn ngoài.
Dĩ nhiên, bạn có thể dùng các dịch vụ như Backblaze để sao lưu trực tuyến và Windows File History để tạo bản sao lưu cục bộ. Có rất nhiều cách để sử dụng các dịch vụ này song song, nhưng cần đảm bảo rằng bạn nhớ thực hiện chúng định kỳ để bảo vệ dữ liệu.
Hãy tự động hóa các tác vụ sao lưu
|
Nghe có vẻ phức tạp, nhưng bạn có thể thiết lập quy trình sao lưu dữ liệu thường xuyên và giảm thiểu nguy cơ mất chúng. Đó là lý do bạn nên dùng các công cụ sao lưu tự động thay vì sao chép dữ liệu thủ công ra ổ cứng gắn ngoài, bạn sẽ phải bỏ thời gian ra để thiết lập chúng một vài lần đầu nhưng sau đó không cần phải bận tâm nữa.
Các dịch vụ sao lưu đám mây hiện nay như Dropbox, Google Drive hay Microsoft OneDrive đều hỗ trợ đồng bộ hóa hoặc sao lưu tự động. Do vậy, khi xảy ra sự cố bạn sẽ luôn có ít nhất một bản sao dự phòng để khôi phục.
Cuối cùng, lý do của bài viết này là máy tính của bạn có thể “đột tử” bất cứ lúc nào mà không hề báo trước, do vậy: Hãy sao lưu dữ liệu khi còn có thể!
Bình luận (0)