Dâu tây 'đắt như tôm tươi', nông dân thu tiền tỉ

11/03/2024 07:00 GMT+7

Không chỉ 'đổ bộ' thị trường Hà Nội, năm nay, dâu tây Sơn La còn được vận chuyển đường hàng không tiêu thụ khắp cả nước, hàng 'đắt như tôm tươi'. Với giá cả ổn định, người trồng dâu thu lời hàng trăm triệu đồng mỗi ha.

Hái tới đâu bán hết tới đó

Cả gia đình đều là "tín đồ" của dâu tây, chị Nguyễn Thùy Linh (trú Q.Thanh Xuân, Hà Nội) hồ hởi chia sẻ, mỗi tuần chị đều mua 2 lần, mỗi lần 1 kg loại dâu bi to Mộc Châu (Sơn La) với giá 80.000 đồng/kg.

Dâu tây 'đắt như tôm tươi', nông dân thu tiền tỉ- Ảnh 1.

Dâu tây Sơn La năm nay khá đắt hàng, giá cả ổn định, đem lại nguồn thu đáng kể cho người trồng

ĐAN THANH

"Tôi mua của người quen chuyên bán hoa quả trên chợ cư dân của khu chung cư nên khá yên tâm. Loại dâu bi to này quả đỏ mọng, ăn ngọt mà giá lại phải chăng nên tôi rất ưng, ăn khác hẳn dâu tây Trung Quốc", chị Linh nói.

Cũng rất yêu thích loại quả đặc sản Sơn La này, chị Đỗ Thị Xuân Thảo (trú Q.Cầu Giấy, Hà Nội) thường xuyên chọn mua dâu tây ở cửa hàng thực phẩm sạch gần nhà với giá tầm 210.000 đồng/kg. Chị Thảo cho biết: "Dâu tây năm nay đủ mọi kích cỡ, giá đều "mềm" hơn so với mọi năm, tranh thủ ăn vì dâu cũng hết mùa nhanh".

Khảo sát cho thấy, trên thị trường Hà Nội, năm nay dâu tây Sơn La "oanh tạc" khắp nơi từ chợ mạng, các trang bán hàng qua Facebook, các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch cho tới cả những chợ dân sinh

Chủ một sạp bán hoa quả ở chợ Cổ Nhuế (Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chuyên bán loại dâu bi nhỏ, không được đỏ mọng, ngọt đậm nhưng cũng khá đắt hàng. Mỗi hộp đóng gói 0,5 kg được bán với giá 30.000 đồng, trung bình mỗi ngày bán khoảng 120 hộp. "Hàng thường về trong ngày, ngoài bán trực tiếp tại sạp hàng, tôi còn nhờ con gái đăng bài bán qua Facebook", chủ sạp hàng cho biết.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX Dâu tây Xuân Quế (H.Mai Sơn, Sơn La), cho biết dâu tây bắt đầu thu hoạch từ tháng 12 hàng năm và dự kiến sẽ thu hoạch trong 4 tháng. HTX hiện có 11 thành viên, diện tích trồng dâu tây là 60 ha. Đến thời điểm hiện tại, toàn HTX đã thu hoạch được khoảng 60%.

"Năm nay không được mùa bằng năm ngoái, năng suất giảm sút khoảng 40%, giá không cao nhưng bù lại khá ổn định. Mỗi ngày HTX xuất bán khoảng 8 - 10 tấn hàng, thị trường tiêu thụ chính là Hà Nội, chủ yếu bán qua kênh siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch.

Ngoài ra, năm nay vận chuyển dâu tây qua đường hàng không cũng thuận tiện, giá hợp lý nên dâu Sơn La còn bán đi khắp nơi, thậm chí bán ra cả Phú Quốc. Sản lượng thu hoạch không đủ bán, mặt bằng chung vẫn là đang thiếu hàng; thường thì có đơn đặt xong mới hái, bán hết luôn trong ngày nên dâu luôn tươi ngon", ông Nam nói.

Xây dựng thương hiệu dâu tây Sơn La

Chia sẻ rõ hơn về doanh thu, ông Nam cho biết, năm nay trừ các chi phí, lợi nhuận thu về khoảng 150 - 200 triệu đồng/ha (tương đương cả HTX thu lời khoảng 9 -12 tỉ đồng), thấp hơn mức 300 - 350 triệu đồng/ha của năm trước. Tuy lãi ít nhưng ổn định, thực chất, không lãi theo kiểu vì hiếm hàng mà đẩy giá lên cao.

"Sản phẩm dâu tây Sơn La đã có vị trí nhất định trên thị trường giúp bà con nông dân hình thành nghề trồng dâu tây", ông Nam nhìn nhận.

Vẫn theo Giám đốc HTX Dâu tây Xuân Quế, với các HTX trồng dâu áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, định hướng hữu cơ thì yên tâm đầu ra, vì khách hàng tìm mua dâu tây chủ yếu tìm đến các HTX uy tín, nguồn hàng ổn định. Bà con trồng dâu tự phát vẫn khó bán hàng vì không theo quy trình gì.

Hiện tỉnh Sơn La có khoảng trên 400 ha dâu tây, sản lượng trên 3.000 tấn quả/năm, trồng chủ yếu ở các huyện Mộc Châu, Yên Châu và Mai Sơn. Có 20 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh sản phẩm quả dâu tươi, mứt dâu, siro dâu, trong đó quả dâu tươi chiếm từ 80 - 90% sản lượng. Dâu tây Sơn La dần xây dựng, khẳng định được vị thế trên thị trường, song vấn đề phát sinh là mặt hàng này đã và đang bị dâu tây Trung Quốc trà trộn, mạo danh.

Một số người chuyên bán dâu tây Mộc Châu qua kênh Facebook, phục vụ thị trường Hà Nội chia sẻ, để làm người tiêu dùng thông thái, phân biệt dâu tây Sơn La với dâu Trung Quốc cũng không quá khó khăn. Dâu tây Trung Quốc quả dài, thon hơn, tai cuống dài và xanh hơn, ăn khá nhạt. Trong khi đó, dâu tây Sơn La trông ngắn và mọng nước, tai cuống nhỏ, ăn ngọt đậm.

Việc xây dựng thương hiệu "Dâu tây Sơn La" từ thay đổi xu hướng canh tác đang được địa phương này nhận định là điều kiện tiên quyết đưa dâu tây tiếp cận thị trường lớn, mang lại lợi ích kinh tế lâu dài cho người dân và doanh nghiệp theo hướng phát triển bền vững. Hiện Sở KH-CN tỉnh Sơn La đang triển khai xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận "Dâu tây Sơn La" theo các quy định của luật Sở hữu trí tuệ.

Dự kiến, khi được đăng ký bảo hộ, xây dựng và triển khai hệ thống quản lý nhãn hiệu chứng nhận, dâu tây Sơn La sẽ ngày càng nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng của sản phẩm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.