'Đấu trường sinh tử' tái diễn ở miền đông Ukraine

11/01/2023 06:10 GMT+7

Giao tranh ở Bakhmut - Soledar (Ukraine) tiếp tục diễn ra ác liệt, giữa lúc áp lực gia tăng đối với các chính phủ phương Tây trong việc cung cấp vũ khí cho Kyiv.

Nga kiểm soát phần lớn Soledar ?

Trong video đăng tải đêm 9.1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết lực lượng nước này vẫn đang bám trụ tại Bakhmut và Soledar, 2 đô thị gần nhau thuộc tỉnh Donetsk ở miền đông Ukraine. Ông nói các cuộc tấn công ngày càng dữ dội ở Soledar khiến thành phố không còn bức tường nào nguyên vẹn, trong khi thi thể binh sĩ Nga nằm đầy trên mặt đất. “Nhờ sự kiên cường của những người lính chúng ta ở đó, ở Soledar, Ukraine đã có thêm thời gian và thêm sức mạnh”, báo The Guardian dẫn lời ông Zelensky.

Một tòa chung cư bị hư hại ở Bakhmut

Reuters

Trong cập nhật tình báo ngày 10.1, Bộ Quốc phòng Anh nhận định Nga và nhóm lính đánh thuê Wagner “có khả năng đang kiểm soát phần lớn” Soledar. Theo đó, các lực lượng này “rất có thể đã nỗ lực bao vây Bakhmut từ phía bắc, phá vỡ các tuyến liên lạc”, và đã đạt được một số bước tiến chiến thuật trong 4 ngày qua. Song quân đội Anh cho rằng: “Nga chưa thể bao vây toàn bộ thành phố ngay lập tức vì lực lượng Ukraine duy trì các tuyến phòng thủ ổn định và kiểm soát các cung đường tiếp tế”.

Diễn biến ác liệt ở miền đông Ukraine, NATO cảnh báo không nên đánh giá thấp Nga

Theo giới chức ở Kyiv, quân đội Nga đang cố gắng cô lập Soledar, thành phố cách Bakhmut khoảng 18 km về phía đông bắc. Việc Nga chiếm được Soledar sẽ khiến lực lượng Ukraine ở khu vực đối mặt với mối nguy bị bao vây và mang lại cho Nga một bàn đạp tiềm năng để tiếp cận Bakhmut.

Trong khi đó tại Bakhmut, Ukraine đã cho thấy lực lượng của họ hiện không hề do dự trong việc giáp lá cà với Nga, đi ngược chiến lược của Kyiv ở những nơi khác dọc theo chiến tuyến, theo báo The New York Times. Trước đó, các nhà lãnh đạo Ukraine ưu tiên việc tránh đối đầu trực tiếp và tỏ ra chần chừ khi tham gia các cuộc giao tranh một mất một còn như ở Bakhmut vào mùa hè 2022.

Cùng lúc, các nhà phân tích quân sự cho rằng các cuộc đối đầu với thương vong cao như vậy có ý nghĩa về mặt chiến lược. Theo phân tích của hai chuyên gia Rob Lee và Michael Kofman, được Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại (FPRI, tại Mỹ) đăng tải cuối tháng trước, trận chiến sinh tử ở Bakhmut mùa hè qua đã làm suy yếu lục quân Nga đến mức đủ để Ukraine thành công trong 2 cuộc phản công sau đó.

Anh có kế hoạch cung cấp 10 xe tăng Challenger 2 cho Ukraine

Những vũ khí mới

Giữa lúc chảo lửa miền đông Ukraine tiếp tục sôi sục, phương Tây cũng có những động thái mới trong việc chi viện vũ khí cho Kyiv. Theo báo Politico, Mỹ đang cân nhắc gửi cho Ukraine các xe bọc thép chiến đấu Stryker trong gói viện trợ quân sự tiếp theo nhằm giúp Kyiv chống lại các cuộc tấn công mà Nga có thể tiến hành trong mùa xuân.

Nga cảnh báo phương Tây

Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev ngày 10.1 nói xung đột ở Ukraine là cuộc đối đầu quân sự giữa Nga và NATO, đồng thời cáo buộc phương Tây đang cố gắng chia rẽ Nga và xóa nước này khỏi bản đồ chính trị thế giới, theo Reuters. “Các sự kiện diễn ra ở Ukraine không phải là đụng độ giữa Moscow và Kyiv - đây là cuộc đối đầu quân sự giữa Nga và NATO, và trên hết là Mỹ và Anh”, tuần san Argumenti i Fakti của chính phủ Nga dẫn lời ông.

Trong một diễn biến khác, Bộ Quốc phòng Nga cùng ngày cho biết một tàu chiến được trang bị tên lửa hành trình bội siêu thanh Zircon của nước này đã tập trận ở biển Na Uy. Động thái diễn ra sau khi cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuần trước cảnh báo Mỹ loại vũ khí này sẽ sớm được triển khai gần bờ biển các quốc gia NATO.

Trong khi đó, truyền thông Anh đầu tuần này loan tin Anh có thể đang cân nhắc gửi đến Ukraine các xe tăng chủ lực Challenger 2. Theo Sky News, London nhiều khả năng sẽ cung cấp 10 chiếc Challenger 2, chỉ đáp ứng một phần nhỏ trong tổng số 300 chiếc mà Kyiv mong muốn. Song Kyiv hy vọng động thái này có thể mở đường để Đức “nối gót” cung cấp các loại khí tài hạng nặng như xe tăng Leopard 2 cho Ukraine.

Đường vào NATO của Thụy Điển vẫn trắc trở vì Thổ Nhĩ Kỳ

Đức vốn còn ngần ngại trong việc hỗ trợ Ukraine về quân sự và đang đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng. Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 10.1 nói Berlin sẽ không hành động một mình trong vấn đề này, nhấn mạnh yêu cầu phối hợp với các đồng minh, theo Reuters. Nếu xe tăng Leopard 2 được đưa đến Ukraine, đây sẽ là một bước tiến quan trọng trong sự hỗ trợ của phương Tây đối với Kyiv.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.