Đầu tư cho văn hóa chưa đạt như Đảng yêu cầu

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
19/04/2022 06:17 GMT+7

Từ 2004, Đảng đã có kết luận tăng đầu tư cho văn hóa, phấn đấu đến năm 2010 ít nhất đạt 1,8% tổng chi ngân sách văn hóa nhà nước. Hiện nay, hầu hết các tỉnh chỉ đạt 1%.

Đầu tư văn hóa thấp, kinh tế “túm chân” văn hóa

TS Trần Hữu Sơn, Viện Nghiên cứu ứng dụng văn hóa và du lịch, đã đặt vấn đề kinh phí đầu tư tại diễn đàn văn hóa chủ đề “Phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc trong xây dựng môi trường văn hóa” do Bộ VH-TT-DL tổ chức ngày 18.4 ở Hà Nội. TS Sơn cho biết, Hội nghị lần thứ X của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa IX đã ban hành Kết luận 30-KL/TW ngày 20.7.2004 về đầu tư cho văn hóa. Theo đó, “tăng đầu tư cho văn hóa, phấn đấu đến năm 2010 ít nhất đạt 1,8% tổng chi ngân sách văn hóa nhà nước”.

Tác phẩm Nét đẹp Chăm pa

Đào Văn Thiện

Mặc dù vậy, đến nay chưa một tỉnh, thành nào đạt mức đầu tư cho văn hóa 1,8% tổng chi ngân sách. “Hầu hết các tỉnh, thành chỉ đạt xấp xỉ 1% tổng chi ngân sách. Vì thế, vấn đề cấp bách hiện nay là phải tăng đầu tư ngân sách cho văn hóa chiếm 1,8% như định mức đề ra từ năm 2010”, TS Sơn cho biết.

Ông Sơn còn nêu một thực trạng khác là chi phí cho hoạt động văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số cao do điều kiện dân cư không tập trung, địa hình cư trú phức tạp, chia cắt. Chẳng hạn, chi phí cho hoạt động văn hóa ở Lào Cai, Lai Châu đều cao gấp từ 3 - 8 lần so với tỉnh đồng bằng như Thái Bình, Nam Định. Một đội tuyên truyền lưu động ở Thái Bình có thể đi khắp cả tỉnh trong 1 ngày, nhưng ở Lào Cai thì đội tuyên truyền lưu động chỉ hoạt động ở 1 xã, thậm chí 1 thôn bản. Trong khi đó, ngân sách cấp cho văn hóa ở đồng bằng lại cao hơn miền núi.

TS Chử Thị Thu Hà, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, lại nhắc tới ảnh hưởng của mặt trái cơ chế thị trường đến văn hóa người Dao tại Ba Vì (Hà Nội). Theo đó, có nhiều tệ nạn xã hội đã xuất hiện trong đời sống của họ như: nạn lô đề, đánh bạc, cho vay nặng lãi, tâm lý thực dụng, chạy theo giá trị đồng tiền... Đa số thanh niên người Dao ở Ba Vì không muốn trở thành thầy cúng, bởi để trở thành thầy cúng phải học tập, rèn luyện vất vả nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế. Một số thầy cúng khi đi hành lễ thích gia chủ trả công bằng tiền thay vì thịt lợn như trước kia và cũng muốn được cộng đồng coi đó là một nghề kiếm sống chứ không đơn thuần để bảo tồn văn hóa dân tộc.

Người phụ nữ Dao đỏ thêu trang phục truyền thống

Minh Hải

Ông Nguyễn Đình Thi, Trưởng phòng Khoa giáo Văn xã, UBND tỉnh Quảng Trị, nêu lo lắng về việc trang phục truyền thống của đồng bào Bru - Vân Kiều, Pa kô thay đổi. Xu hướng dùng đồ trang sức truyền thống dần ít đi, thay vào đó là các trang sức phổ biến, thông dụng hiện đại ngày nay trên thị trường như nhẫn vàng, nhẫn bạc, đồng hồ, cườm… Vì thế, số gia đình và nghệ nhân còn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm còn rất ít.

Lan tỏa, thay đổi chính sách

Mặc dù vậy, TS Sơn cũng lạc quan về kết nối văn hóa dân tộc trong nước. Họ còn chủ động sử dụng mạng xã hội để liên kết nhóm. Chẳng hạn, người Dao có 27 trang mạng, trong đó nhóm Cộng đồng dân tộc Dao mới xuất hiện 2018 nay đã có gần 150.000 thành viên. Nhóm Bản sắc dân tộc Dao Áo dài có 21.000 người. Người Thái cũng có khoảng hơn 30 nhóm; trong đó lớn nhất là nhóm Facebook người Thái với 720.000 thành viên, nhóm Bản Thái với 73.000 thành viên, nhóm Vẻ đẹp dân tộc Thái với 54.000 thành viên… “Các trang và nhóm Facebook của người Mông, Thái, Dao đều có mối quan hệ xuyên quốc gia”, ông Sơn cho biết.

Người Mông ở Mèo Vạc dệt vải từ sợi lanh

L.Q.P

Sự linh hoạt kết nối văn hóa, theo TS Sơn, còn thể hiện ở việc hình thành trang, nhóm tuyên truyền, quảng bá về phong tục tập quán, ẩm thực, lễ hội, di sản văn hóa, văn nghệ các tộc người. Trong cộng đồng người Dao ở Lào Cai đã xuất hiện những YouTuber nổi tiếng như Đặng Văn Giáo, Hoàng Quốc Vinh… “Họ vừa mở các trang giới thiệu, quảng bá về văn nghệ người Dao, vừa đưa lên YouTube các phong tục tập quán, lễ hội độc đáo của người Dao. Ẩm thực Thái đã được các nhóm cộng đồng người Thái Mường Lò, Mường La thường xuyên giới thiệu trên mạng xã hội”, TS Sơn cho biết.

PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, cho rằng nhà nước nên chú ý đến những nghệ nhân, người có uy tín, già làng, trưởng bản trong việc huy động sự tham gia của cộng đồng. Đây chính là những nhân vật quan trọng thể hiện tri thức, sự đoàn kết của cộng đồng đối với một sự kiện. Huy động được sự tham gia của họ sẽ tạo ra tính tự nhiên, sự bảo đảm cho thành công của việc tổ chức sự kiện. Việc huy động cũng phải đặt quyền lợi và lợi ích của cộng đồng lên trên hết. Nếu không, cộng đồng sẽ trở thành các diễn viên không chuyên và văn hóa sẽ kém bền vững.

Báo cáo của Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VH-TT-DL) cũng cho rằng cần giải quyết tình trạng chưa có một luật riêng về công tác dân tộc nói chung, trong đó có công tác văn hóa dân tộc. Cũng theo Cục này, một số chính sách dân tộc nói chung, chính sách về văn hóa dân tộc nói riêng bên cạnh mặt tích cực, còn xuất hiện tâm lý so bì, thắc mắc giữa các dân tộc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.