Đầu tư lệch pha, nông sản gặp khó
12/12/2018 18:59 GMT+7
Đó là nghịch lý được nêu ra tại Diễn đàn kinh tế xanh, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp định hướng thị trường trên nền tảng logistics tổ chức ngày 12.12 tại Hậu Giang.
Tự động phát
Nông dân và logistics
Ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ, cho rằng phát triển nông sản theo chuỗi giá trị và trên nền tảng logistics là hai vấn đề cốt lõi để phát triển ĐBSCL hiện nay. Về chuỗi giá trị là mô hình sản xuất kinh doanh mới, định hướng thị trường lấy thị trường làm thước đo sau đó “đặt hàng” cho các trung tâm sơ chế các nhà máy tiếp đến là vùng trồng đặc biệt là các hợp tác xã kiểu mới...
|
“Đây là vẫn đề cốt lõi không chỉ của ĐBSCL mà cả Việt Nam vì chúng ta đang chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang giải quyết câu chuyện kết nối thị trường. Lâu nay nông dân sản xuất mà không cần biết hàng hóa sẽ đi đâu thì nay nông dân sẽ phải biết thị trường của họ ở đâu và đi theo kênh nào. Khi giải quyết được hai câu hỏi đó thì các việc được mua mất giá hay phải giải cứu nông sản sẽ không còn tồn tại nữa”, ông Thành nói.
|
Cũng theo ông Thành, khi giải quyết câu chuyện thị trường định hướng chuỗi giá trị trên nền tảng logistics thì người nông dân được nâng cao năng lực sản xuất từ một nông dân thành một nhà cung ứng trong chuỗi giá trị và bước vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua hệ thống logistics.
Thực tế hiện nay, ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung chi phí về logistics trong nông nghiệp là 32%, hao hụt trong sản xuất nông nghiệp hơn 40%. Những con số này đặt ra câu hỏi: tại sao không tổ chức logistics phục vụ cho nông nghiệp vì có tới 70% sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đi qua các cảng, qua các hệ thống tổng kho? Một lợi thế lớn nữa là Việt Nam có một bờ biển rất dài, hệ thống kết nối với giao thông quốc tế thuận lợi, nên logistics chính là câu chuyện xương sống cho sản xuất ở Việt Nam, gắn liền với nông dân.
|
Tiến sĩ Martijn van de Groep, Tư vấn trưởng Kế hoạch phát triển ĐBSCL, Giám đốc Tổ chức Water.NL (Hà Lan) cho rằng, cần xác định được sản phẩm trong tương lai theo đặc thù của từng khu vực, ví dụ như vùng mặn nuôi trồng thủy sản, vùng ngọt phát triển lúa, trái cây.
Cùng với đó là thuận lợi hóa các khâu, không riêng gì logistics hạ tầng, thông tin, tài chính… “Người nông dân chính là chìa khóa, là mấu chốt. Để đạt được những mục tiêu trước hết phải giúp nông hộ tăng sản lượng, giảm thất thoát, cải thiện chất lượng sản phẩm, tiếp cận thị trường tốt hơn. Lựa chọn những đối tác một cách thông minh…”, tiến sĩ Martijn van de Groep nói.
Lợi thế đường sông, đầu tư đường bộ
Logistics chính là một trong những ngành kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam với mức tăng trưởng hằng năm 16-20%. Theo xếp hạng của World Bank, Việt Nam xếp thứ 64 trên 160 về phát triển logistics và xếp thứ tư ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.
|
Tuy nhiên, nghịch lý là chi phí giao thông và chi phí vận chuyển ở Việt Nam ở mức 25%, cao gấp đôi tỉ lệ 7 - 15% ở các nước phát triển do cơ sở hạ tầng kém phát triển đi kèm mạng lưới đường bộ quá tải. Logistics kém phát triển là một trong những nguyên nhân khiến giá thành sản xuất nông sản cao, khó cạnh tranh. Do vậy, bài toán chuỗi giá trị nông nghiệp phải luôn gắn chặt và có quan hệ hữu cơ với bài toán phát triển logistics.
Thế mạnh của nông sản ĐBSCL, hiện nay vẫn là 3 mặt hàng truyền thống gồm lúa gạo, trái cây và thủy sản. "Một năm thế giới chi tới 317 tỉ USD cho sản phẩm chế biến và hơn 600 tỉ USD cho sản phẩm tươi nhưng chúng ta thiếu hệ thống logistics nên rau củ quả, hải sản không đi xa được. Vấn đề cần nhìn nhận lại không phải là trồng cây gì nuôi con gì mà là phải khai kênh hàng hóa, số hóa nông nghiệp để tính toán được sản lượng cho nhu cầu thị trường”, ông Lê Thành nói.
Viện trưởng Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ chỉ rõ, lợi thế lớn nhất của ĐBSCL là đường thủy nhưng lâu nay chúng ta chỉ tập trung cho đường bộ nên không chuyển hết được nông sản ra thị trường, trong “Chúng ta có 9 cửa ngõ ra biển; nhiều con sông là những tuyến đường vận chuyển hàng hóa quan trọng. Từ những con sông này đấu nối với đường bộ đi thành mạng lưới vận chuyển “xương cá”, rồi hình thành những tổng kho, hệ thống sơ chế... Đường bộ kết nối vùng, đường sông đưa hàng ra biển như vậy ĐBSCL mới giải quyết được câu chuyện đưa hàng hóa đi”, ông Thành nhấn mạnh.
|
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN-PTNT, song song với nâng cao năng lực logistics và hạ tầng thương mại, cũng cần quan tâm nhiều hơn đến xây dựng thương hiệu nông sản. Đó là thương hiệu cấp tỉnh, thương hiệu quốc gia. Đặc biệt là khi xuất khẩu phải quan tâm đến bảo hộ, chỉ dẫn địa lý...
“Bên cạnh đó là cần có những nghiên cứu làm thế nào để tăng thời gian bảo quản sản phẩm. Ví dụ như xuất khẩu tươi ở ta hiện nay bảo quản lâu nhất là quả chanh leo được 40 ngày. Như vậy mới có thể đáp ứng xuất đi Pháp bằng đường thủy, giảm được chi phí rất lớn so với đi hàng không”, ông Toản cho biết.
Bình luận (0)