Bao năm qua, cả TP và T.Ư cứ loay hoay, nâng lên đặt xuống mãi bài toán vốn vì cứ nặng về con số, mà quên mất rằng đầu tư cho TP.HCM là đầu tư cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, nhìn rộng ra là cả nước chứ không chỉ riêng TP được hưởng.
Mới nhất cuối tháng 11, TP.HCM có công văn khẩn gửi Bộ KH-ĐT liên quan phương án phân bổ vốn đầu tư công năm 2022. Chẳng là trước đó, TP đăng ký nhu cầu vốn nguồn vốn ngân sách T.Ư trong nước là hơn 1.948 tỉ đồng và ngân sách T.Ư nước ngoài hơn 3.200 tỉ đồng. Tuy nhiên, dự kiến phân bổ của Bộ KH-ĐT thì cả hai nguồn này đều thấp hơn, lần lượt là 180 tỉ đồng và 2.489 tỉ đồng so với nhu cầu vốn mà TP đăng ký nên “chưa đáp ứng được nhu cầu trong năm 2022”, công văn của TP.HCM nêu rõ.
Thực ra câu chuyện này không mới, bao năm nay TP vẫn liên tục gửi công văn kiến nghị, đề xuất bố trí vốn; cơ chế - chính sách cũng như tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách... để có nguồn lực đầu tư cho các công trình trọng điểm trên địa bàn. Thế nhưng, như nói trên, giao thông TP.HCM, đầu tàu kinh tế cả nước vẫn luôn trong tình trạng giật gấu vá vai, đói vốn, khát nguồn lực.
Dù không muốn so sánh, nhưng cũng không thể không nhìn thấy, TP.HCM quy hoạch đường sắt đô thị từ cách đây cả hơn 1 thập niên, nhưng đến nay, Hà Nội dù chậm trễ nhưng cũng đã có đường sắt Cát Linh - Hà Đông, còn TP.HCM vẫn liên tục dời đích các tuyến metro. Hà Nội đã đi đến đường Vành đai 5, còn các đường vành đai của TP vẫn khuyết đoạn này, thiếu đoạn kia, chưa có cái nào hoàn chỉnh... Hạ tầng giao thông yếu kém khiến chi phí logistics cao, chiếm từ 25 - 30% trong cơ cấu giá thành, làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa cũng như môi trường đầu tư kinh doanh TP.HCM. Đặc biệt, tình trạng kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường không được cải thiện khiến chi phí cơ hội, chi phí thời gian, sức khỏe của người dân, doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng nặng nề; bộ mặt đô thị cũng nhếch nhác, xấu xí.
Vẫn biết rằng ngân sách T.Ư cũng áp lực trong bối cảnh các khoản chi cho phòng chống dịch, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp... đều tăng mạnh. Nhưng càng khó thì càng phải đầu tư trọng điểm trọng tâm, làm sao để 1 đồng vốn ngân sách bỏ ra có sức lan tỏa lớn nhất, mang lại hiệu quả cao nhất. Mà xét ở tiêu chí này, thì như nói trên, đầu tư cho TP.HCM là đầu tư cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và nhìn rộng ra là cả nước chứ không phải chỉ riêng TP hưởng. Nếu chúng ta cứ nâng lên đặt xuống, chỉ nhìn vào con số mà không đánh giá đúng vai trò, vị trí của TP.HCM thì bài toán vốn tiếp tục bế tắc cả về nguồn lực và cơ chế.
Chính phủ đã xác định đầu tư công là động lực dẫn dắt nền kinh tế trong giai đoạn tới. Việc phục hồi kinh tế của TP.HCM có ảnh hưởng rất lớn đến chương trình phục hồi kinh tế đất nước. Thế nên bố trí vốn cần phải có tầm nhìn chứ không nên dàn trải, chia đều.
Đừng để TP.HCM cứ mãi trong vòng luẩn quẩn vì thiếu vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông.
Bình luận (0)