Cứ khoảng 4 giờ rưỡi - 5 giờ sáng, khi trời còn tối và không khí còn đậm hơi sương là tiếng vó lọc cọc, tiếng lục lạc lanh canh nơi cổ ngựa lại vang lên, là ngọn đèn dầu leo lét theo những chiếc xe thổ mộ ở Bà Điểm - Hóc Môn chở trầu, chở hoa xuống chợ Bà Quẹo, chợ Hòa Hưng để rồi từ đó tiếp tục phân ra các chợ khác...
Trong dòng ký ức lỗ chỗ, chắp vá của thằng bé bảy, tám tuổi ngày xưa vẫn còn đó hình ảnh bà ngoại ra chợ thật sớm, bên chiếc xe thổ mộ lựa những tệp lá trầu xanh mát. Bà bán, bà mua đều bỏm bẻm nhai trầu, cười khoe cái miệng đỏ thắm.
Nhắc đến xe thổ mộ, tôi nhớ hồi đó cô bạn gái mới quen cứ hỏi tại sao gọi là “thổ mộ”. Vì câu hỏi đó thôi mà tôi tốn mấy ngày lên thư viện, mò sách tìm đọc (hồi đó làm gì có Google). Học giả An Chi thì cho rằng vì cái mui xe vun lên giống “nấm mộ đất (thổ mộ) chạy lù lù trên đường”, người khác thì cho rằng đó là do đọc trại từ chữ “độc mã” (một ngựa) hoặc đó là chữ nói nhanh của từ “Thủ Dầu Một” (nơi được cho là tập trung xe thổ mộ nhiều nhất)...
tin liên quan
Sống ở Cuba: Người Việt khai phá thị trường CubaĐiều hành một công ty cách nửa vòng trái đất với doanh thu hơn 120 triệu USD/năm, đó là Trần Thanh Tú, tổng giám đốc của Thái Bình - công ty tư nhân VN lớn nhất tại Cuba.
Rồi tôi thức giấc bởi những tiếng rao
“El pan suave! (Bánh mì mềm đây!)”,
“El pan tostado! (Bánh mì giòn đây!) liên tục cất lên. Một bánh mì lớn, giòn giá 5 pesos, bánh mì mềm nhỏ giá 4 pesos (4.000 đồng). Nói nhỏ vậy thôi, chứ cũng to ít nhất phải gấp đôi bánh mì VN. Ổ lớn chắc phải to gấp ba. Nhiều người xẻ con heo, quay lên rồi bán bánh mì thịt (không có nhiều gia vị như ở VN, mà chỉ có thịt heo quay xé nhỏ, muối và bơ), giá 5 pesos/khúc (5.000 đồng). Bán chừng 1 tuần hết con heo, lời được 700 - 800 pesos (800.000 đồng). So với thu nhập bình quân ở Cuba, vậy cũng là quá cao rồi.
|
Tôi tỉnh hẳn rồi, nhưng vẫn nằm ráng lại để im lặng lắng nghe những âm thanh thời thơ ấu đã từ lâu không được nghe nữa. Đó là tiếng lào xào quét sân, đó là tiếng chào nhau, tám chuyện của mấy bà hàng xóm. Tiếng Tây Ban Nha của tôi chỉ lõm bõm thôi, chẳng hiểu được hết những gì họ nói, nhưng những âm thanh đó vẫn nghe thân thương làm sao.
Tôi xỏ giày, mang theo máy chụp hình và một cuốn sổ nhỏ rồi ra đường, qua hai hàng cây cao tạo thành cái vòm xanh mà chui dưới đó là những chiếc xe đạp, xe ngựa, xe thồ… Ở khu này cả tuần, mọi người hầu như cũng bắt đầu quen mặt cậu “Vietnamita” nên khi đi ngang, họ đều vẫy tay và cất tiếng chào.
Trước tiên tôi sẽ sà vào xe bánh mì để làm một khúc bánh mì trứng chiên. Chắc do để ngập dầu, nên có một quả trứng thôi mà chiên sao nó phồng lên to đùng. Một khúc bánh mì với trứng chiên 5 pesos (5.000 đồng) rồi ghé sang anh nước chanh, làm một hơi 3 ly bự, giá 2 pesos/ly (2.000 đồng).
Anh chàng to cao, da đen, có thân hình cơ bắp như lực sĩ chuyên nghiệp nhưng nụ cười rất hiền, cứ chốc chốc lại rao lanh lảnh: “Fria limonada! (Nước chanh lạnh đây!)”. Tôi không thích uống cà phê nhưng cũng ghé qua làm một tách (nhỏ như hột mít) thơm lừng với giá 1 peso/ly (1.000 đồng). Tổng cộng 12.000 đồng, no cành, đủ năng lượng cho buổi sáng. Vậy cũng quá sang rồi, người Cuba thường ăn ở nhà, hoặc ra ngoài thì ăn 1 cái bánh sandwich 3 pesos và 1 tách cà phê hột mít thôi.
|
Và ngày nào cũng vậy, tôi đều dành khoảng 1 tiếng đồng hồ để ra công viên, tìm ngay một chỗ - cái ghế đá dưới tán cây, mở internet lên check mail một chút rồi ngồi yên lặng ở đó, cho nắng xuyên qua kẽ lá lấp lóa chiếu vào người, cho tiếng vó ngựa lọc cọc, tiếng xe đạp khô dầu kêu kin kít qua mỗi vòng quay dội nhẹ vào tai, cho cơn gió se se lạnh đầu đông luồn qua mũi, lướt qua da, len vào áo để bất chợt rùng mình, cài vội chiếc nút, khẽ co người lại cho ấm thêm một chút.
Ngày ở Santa Clara thật yên tĩnh và chậm trôi, dường như cả cái thế giới xô bồ ồn ào ngoài kia chẳng đáng làm họ bận tâm. Ông già bán dao cạo râu bàn tay run lẩy bẩy vẫn ngồi đó, tiếng rao lanh lảnh của anh nước chanh vẫn nghe được thấp thoáng từ xa, ông Denis lại xách hai cái thùng đi vòng quanh xóm để xin thức ăn thừa về cho đàn heo nhà mình… Những hình ảnh mới đó mà như đã quen từ lâu lắm rồi.
|
|
Có những thứ có tiền mua cũng chẳng được, đó là ký ức, là kỷ niệm. Và tôi cũng biết, có những nơi chốn, có những con người mình chỉ thoáng qua cuộc đời của mình một lần, mãi mãi không thể gặp lại. Tôi đã lang thang nhiều nơi từ rất sớm. Trừ khi phải chụp hình phục vụ công việc, càng ngày tôi lại càng đi chậm và ít chụp hình hơn.
Ngày xưa, mỗi lần thấy cái gì hay, đẹp là tôi lao vào chụp lia lịa, không một chút ngơi nghỉ. Còn bây giờ, tôi thường chỉ chụp 1, 2 tấm làm tư liệu. Thời gian còn lại tôi cố gắng im lặng quan sát, mở mọi giác quan để cảm nhận rồi lưu nó vào “ổ cứng ký ức”. Đối với tôi, nó có giá trị hơn rất nhiều so với những tấm ảnh kia vì khi tôi lục lại “tấm ảnh ký ức” tôi không chỉ thấy, mà còn nghe, còn ngửi, còn cảm nhận được những khoảnh khắc lúc đó.
Và giờ đây, khi viết những dòng chữ này tôi mơ hồ vẫn nghe văng vẳng tiếng vó ngựa lọc cọc vang lên đâu đây…
Bình luận (0)