Bộ GD-ĐT mới công bố dự thảo Thông tư ban hành quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.
Thông tư này khi được ban hành sẽ là quy định chính thức về quản lý và tổ chức về dạy học trực tuyến ở bậc học phổ thông.
Báo Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo, xung quanh quy định này.
|
Ba hình thức tổ chức dạy học trực tuyến
Ông Thái Văn Tài cho biết: Trong giai đoạn chúng ta thực hiện giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, học sinh buộc phải dừng đến trường để phòng ngừa dịch bệnh, đã giúp chúng tôi nhìn thấy rất rõ những yêu cầu từ thực tiễn đặt ra cũng như những tình huống phải lường trước đối với việc dạy học trực tuyến.
Do vậy, đây là cơ hội giúp cho ban soạn thảo tiếp thu được rất nhiều ý kiến góp ý từ thực tiễn trong quá trình xây dựng dự thảo này.
Khi xây dựng dự thảo thông tư, Bộ GD-ĐT xác định mục đích của việc dạy học trực tuyến là để mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh, đặc biệt là khi các em không thể đến trường vì những lý do khách quan.
Phương thức này còn bổ trợ cho việc dạy học trực tiếp trên lớp, giúp nâng cao hiệu quả công tác dạy học, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục và khuyến khích sự sáng tạo của giáo viên, học sinh.
Dạy học trực tuyến cũng tạo cơ hội cho giáo viên, học sinh được chủ động tiếp cận nguồn học liệu hữu ích trên internet để giảng dạy và học tập. Thông qua dạy học trực tuyến, cả giáo viên và học sinh được nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học, góp phần đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.
Như vậy, dạy học trực tuyến tạo điền kiện cho học sinh và giáo viên có cơ hội hình thành và phát triển nhiều năng lực như “tự chủ và tự học”, “năng lực tin học”, “năng lực công nghệ”, “giải quyết vấn đề và sáng tạo”. Đây cũng là 4 trong số 10 năng lực cốt lõi mà chương trình giáo dục phổ thông mới đặt mục tiêu hình thành và phát triển cho người học.
Thưa ông, vậy việc dạy học trực tuyến trong thời gian tới ở trường phổ thông sẽ được hình dung ra sao, liệu đây có phải hình thức thay thế cách dạy học trực tiếp?
Thông tư này ra đời sẽ là hành lang pháp lý cho việc dạy học trực tuyến, được tiếp cận một cách đầy đủ, hệ thống nhưng vẫn có độ mở để triển khai thực hiện lâu dài, phù hợp với thực tiễn.
Dự thảo thông tư của Bộ GD-ĐT quy định có 3 hình thức tổ chức dạy học trực tuyến. Thứ nhất là hình thức dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp. Theo đó, giáo viên có thể cung cấp tài liệu, học liệu, giao nhiệm vụ và giám sát, hướng dẫn học sinh tự học, chuẩn bị cho các hoạt động dạy học trực tiếp.
Hình thức thứ hai là dạy học trực tuyến thay thế một phần quá trình dạy học trực tiếp. Tức là, giáo viên giao cho học sinh một số nội dung tự học ở nhà để tăng thời gian luyện tập, thực hành, trải nghiệm làm việc nhóm, thảo luận, tương tác khi học sinh ở trường.
Hình thức thứ ba là dạy học trực tuyến thay thế hoàn toàn quá trình dạy học trực tiếp. Theo đó, các hoạt động của tiến trình dạy học được tổ chức thực hiện hoàn toàn thông qua môi trường internet. Hình thức này chỉ áp dụng khi học sinh không thể đến trường do dịch bệnh hoặc thiên tai hoặc một điều kiện cụ thể nào đó.
Các nội dung khác về: tổ chức hoạt động dạy học trực tuyến; quản lý và lưu trữ hồ sơ; hạ tầng kỹ thuật và học liệu dạy học; quyền và nhiệm vụ của giáo viên, nhân viên, học sinh; trách nhiệm của sở, phòng GD-ĐT và cơ sở giáo dục phổ thông trong việc tổ chức dạy học trực tuyến… cũng được quy định rõ trong dự thảo thông tư.
Trong đó, đáng chú ý là quy định giáo viên được tham gia tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy học trực tuyến và thực hiện được việc dạy học trực tuyến. Tổ chức hoạt động này thuộc trách nhiệm của sở, phòng GD-ĐT và cơ sở giáo dục phổ thông.
Làm thế nào để việc dạy học trực tuyến không trở thành hình thức hoặc gây áp lực với giáo viên khi điều kiện và nhu cầu chưa sẵn sàng, thưa ông?
Dự kiến, sau khi được ban hành, Bộ sẽ đưa việc dạy học trực tuyến như một trong những nhiệm vụ thường xuyên của năm học, dự kiến bắt đầu từ năm học tới. Tuy nhiên, sẽ tuỳ điều kiện thực tế, từng cơ sở giáo dục sẽ xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp, với những mức độ khác nhau giữa các nhà trường.
Cơ sở giáo dục phổ thông sẽ xây dựng nội quy dạy học trực tuyến của cơ sở mình, xác định mục tiêu, yêu cầu cần đạt của hoạt động dạy học trực tuyến để đảm bảo chất lượng dạy học. Những quy định liên quan đến dạy học trực tuyến, kế hoạch giáo dục, điều kiện đảm bảo việc dạy học trực tuyến phải được cơ sở giáo dục phổ thông công bố công khai.
Dự thảo thông tư ban hành quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên của Bộ GD-ĐT đặt nguyên tắc đối với việc dạy học trực tuyến là phải “đảm bảo thực hiện đúng, có chất lượng, hiệu quả, nội dung dạy học theo quy định; phù hợp với kỹ năng của giáo viên, khả năng lĩnh hội và đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh”. Đặc biệt, “không tạo ra áp lực đối với giáo viên và học sinh” trong việc tổ chức thực hiện dạy học trực tuyến.
Thời gian qua, mỗi giáo viên, mỗi nhà trường áp dụng một cách dạy học trực tuyến trên một ứng dụng, phần mềm sẵn có, việc xây dựng tài liệu dạy học trực tuyến cũng vậy. Sắp tới, điều kiện công nghệ để dạy học trực tuyến có được quy định hay không, thưa ông?
Dự thảo thông tư nêu rất rõ, để triển khai dạy học trực tuyến thì nhà trường cần đảm bảo những điều kiện tối thiểu nào. Từ điều kiện về đội ngũ giáo viên, học sinh đã sẵn sàng chưa; tiếp đó là điều kiện về phần mềm để dạy học trực tuyến cần có những tính năng gì. Ví dụ, học đồng thời thì loại phần mềm A, học không đồng thời thì loại phần mềm B… Chỉ khi đáp ứng được những điều kiện đó thì nhà trường mới xây dựng kế hoạch công khai kế hoạch dạy học trực tuyến ở mức độ nào và báo cáo cấp quản lý ở địa phương cũng như công khai hoá kế hoạch này.
Khi xác định ở mức độ nào thì dùng phần mềm dạy học trực tuyến nào thì giáo viên ở cơ sở đó sẽ được tập huấn cụ thể kỹ năng sử dụng phần mềm phù hợp chứ không phải sẽ yêu cầu một giáo viên ở vùng sâu, vùng xa tập huấn sử dụng một phần mềm ở mức độ quá cao mà trường học chưa dùng tới hoặc ngược lại.
Về học liệu, trong dự thảo cũng nêu rất rõ phải đáp ứng được những yêu cầu nào. Nguồn học liệu do tổ bộ môn của từng trường xây dựng và trước khi đưa vào triển khai thực hiện thì bắt buộc phải được sự phê duyệt của hiệu trưởng.
Như vậy, hiệu trưởng, với tư cách là người đứng đầu, sẽ chịu trách nhiệm trước học sinh, phụ huynh học sinh và chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội về việc triển khai dạy học trực tuyến.
Với những vùng khó khăn, quy định này cũng giúp thúc đẩy sự quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như điều kiện về đội ngũ cho việc thực hiện mục tiêu vừa thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới với yêu cầu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, đặc biệt là với những môn học mới đưa vào bắt buộc ở cấp tiểu học như tin học, ngoại ngữ; vừa có thể sử dụng chính hạ tầng ấy để dạy học trực tuyến.
Kiểm tra đánh giá, thu học phí dạy học trực tuyến như thế nào?
Xin ông cho biết, việc công nhận kết quả dạy học trực tuyến sẽ được thực hiện ra sao?
Việc công nhận kết quả dạy và học trực tuyến phải dựa trên cơ sở đánh giá chính xác, khách quan kết quả học tập của học sinh và theo các quy định của Bộ GD-ĐT về đánh giá, xếp loại học sinh, bao gồm đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ.
Điều 7 của dự thảo thông tư quy định việc đánh giá và xét công nhận kết quả học tập trực tuyến nêu rõ: đánh giá thường xuyên kết quả học tập của học sinh được thực hiện trong quá trình dạy học trực tiếp hoặc trực tuyến; đánh giá định kỳ kết quả học tập của học sinh được thực hiện tại cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định. Điều này có nghĩa, việc đánh giá thường xuyên kết quả học tập của học sinh dù học theo phương thức trực tuyến hay trực tiếp đều có thể thực hiện bằng hình thức trực tuyến.
Tuy nhiên, với đánh giá định kỳ thì dù dạy học theo hình thức nào cũng buộc phải thực hiện bằng hình thức trực tiếp và tập trung tại cơ sở giáo dục phổ thông. Việc xét và công nhận kết quả học tập trực tuyến của học sinh được thực hiện như hình thức học tập trực tiếp.
Thời gian qua, việc thu, chi học phí khi dạy, học trực tuyến đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí là phản ứng quyết liệt của phụ huynh học sinh một số trường ngoài công lập. Bộ GD-ĐT có hướng dẫn ra sao về việc này, thưa ông?
Dự thảo đang tiếp cận dạy học trực tuyến ở mục tiêu số một là nhằm nâng cao chất lượng chương trình chính khoá. Do vậy, học phí được thiết kế theo chương trình chính khoá được công bố ngay từ đầu năm học chứ không phải vì có kết hợp dạy học trực tuyến mà các cơ sở giáo dục thu thêm học phí.
Còn việc dạy học trực tuyến theo nhu cầu người học, ngoài giờ chính khoá, ngoài chương trình thì cũng sẽ phải áp dụng theo những quy định hiện hành về dạy học theo nhu cầu người học.
Nếu trong trường hợp do dịch bệnh hoặc hoàn cảnh bất khả kháng, dạy học trực tuyến thay thế hoàn toàn dạy học trực tiếp thì tới đây, khi đã có quy định chính thức thì việc thực hiện cũng sẽ bài bản hơn. Thời gian qua, việc phụ huynh phản ứng mức thu học phí dạy học trực tuyến là có 2 nguyên nhân.
Thứ nhất là chưa có kiểm soát về chất lượng và nguồn học liệu để dạy học trực tuyến chưa có. Thứ hai là việc thực hiện dạy học trực tuyến triển khai trong tình huống đột xuất, chưa có kế hoạch được công khai tới người học và phụ huynh.
Sắp tới, khi đã có quy định chính thức thì các cơ sở giáo dục sẽ phải xây dựng cả kế hoạch dạy học trực tiếp và trực tuyến và công khai ngay từ đầu năm học. Trong đó, việc dạy học trực tuyến sẽ phải có các phương án khác nhau, nếu ở hoàn cảnh bất khả kháng, phải thay thế hoàn toàn hình thức dạy học trực tiếp thì kế hoạch, nội dung dạy học thế nào, việc đảm bảo chất lượng, mức thu học phí… ra sao. Việc minh bạch, công khai hoá giúp cho cơ quan quản lý cũng như xã hội có cơ sở để giám sát.
Bình luận (0)