Đẩy mạnh hệ thống học trực tuyến giữa mùa dịch Covid-19

An Dy
An Dy
20/02/2020 19:36 GMT+7

Chiều 20.2, Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho biết đang đánh giá hiệu quả việc học trực tuyến để đề xuất đưa vào sử dụng đồng bộ, lâu dài, đẩy mạnh hệ thống học trực tuyến.

Theo Sở GD-ĐT Đà Nẵng, để hạn chế ảnh hưởng của việc học sinh, học viên nghỉ học dài ngày để phòng dịch Covid-19, Sở đã có văn bản hướng dẫn, giới thiệu các hệ thống học tập trực tuyến.
Tuy nhiên, qua khảo sát và từ báo cáo của các đơn vị cung ứng dịch vụ cho thấy, hiện nay giáo viên tại Đà Nẵng chủ yếu sử dụng website của đơn vị, tin nhắn SMS, Zalo… để giao bài tập cho học sinh. Tính đến ngày 18.2, có 153 đơn vị đăng ký các hệ thống học tập trực tuyến hỗ trợ cho học sinh, tuy nhiên chỉ có 53 đơn vị triển khai hiệu quả, có sự tương tác trực tiếp đối với học sinh, học viên.
Để tăng cường hiệu quả việc hướng dẫn học sinh, học viên tự ôn tập và sử dụng các ứng dụng hỗ trợ học tập trực tuyến, Sở GD-ĐT Đà Nẵng tiếp tục có văn bản hướng dẫn các đơn vị, trường học.
Cụ thể, đối với giáo dục mầm non, yêu cầu các đơn vị chủ động sử dụng website và các hình thức khác thông tin đến cha mẹ trẻ các nội dung như: hướng dẫn cha mẹ trẻ kỷ năng chăm sóc, bảo vệ trẻ và dinh dưỡng các bữa ăn của trẻ tại gia đình, giúp trẻ tăng cường sức đề kháng; hướng dẫn trẻ đeo khẩu trang đúng cách và đúng nơi, rửa tay đúng thao tác; dạy trẻ nâng cao ý thức phòng bệnh; dạy trẻ tự giác trong việc ăn uống và duy trì giấc ngủ trong ngày; hướng dẫn trẻ tập thể dục hoặc vận động phù hợp để cơ thể trẻ khỏe mạnh, hạn chế cho trẻ tiếp cận với các thiết bị máy tính, ti vi và điện thoại thông minh…
Đối với bậc tiểu học, giáo viên thực hiện nghiêm túc việc hướng dẫn học sinh tự ôn tập; phân công giáo viên khai thác và sử dụng hệ thống học tập trực tuyến để xây dựng câu hỏi ôn tập, kiểm tra việc học sinh tự học và ôn luyện tại nhà. Tổ trưởng chuyên môn thực hiện nhiệm vụ phân công giáo viên xây dựng nội dung hướng dẫn học tập cho học sinh theo môn học giáo viên phụ trách, phù hợp với việc tự học và đặc điểm học sinh trong trường.
Ngành giáo dục Đà Nẵng cũng đặc biệt lưu ý, nội dung ôn tập là các kiến thức đã được học; không thực hiện việc dạy kiến thức mới theo chương trình hiện hành; không tổ chức dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường trong thời gian học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch.
Đối với giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên, các tổ bộ môn phân công, giao trách nhiệm cho từng giáo viên xây dựng đề cương, câu hỏi, đáp án phần nội dung ôn tập kiến thức đã học.
Việc hướng dẫn học sinh, học viên chuẩn bị bài mới cần được các tổ chuyên môn rà soát, chuẩn bị kỹ lưỡng lượng kiến thức theo tuần tự kế hoạch thời gian năm học và đưa lên các hệ thống hỗ trợ, website của đơn vị, đồng thời chia sẻ đường dẫn để tất cả học sinh, học viên đều có thể nghiên cứu trên tinh thần rèn luyện kỹ năng tự học, tự nghiên cứu của học sinh, học viên.
Sở GD-ĐT Đà Nẵng cũng hướng dẫn cụ thể về các phần mềm đang hỗ trợ miễn phí trong thời gian học sinh tạm nghỉ học để phòng chống dịch, như hệ thống học tập trực tuyến của VNPT, mạng xã hội học tập trực tuyến của ViettelStudy, hệ thống giáo dục trực tuyến VioEdu của FPT.
Ngoài ra, các đơn vị, trường học có thể tham khảo nội dung và giới thiệu cụ thể link truy cập vào các bài học cho học sinh, học viên, phụ huynh tham khảo hệ thống bài giảng trực tuyến tại các địa chỉ: elearning.moet.edu.vn; 789.vn; hoconha.hocmai.vn; có thể dùng công cụ hỗ trợ tổ chức lớp học trực tuyến Google Classroom để chuyển nội dung, bài tập, hướng dẫn học sinh học, ôn tập và sử dụng các hình thức khác trong điều kiện cho phép (thư điện tử, Zalo, SMS…).
Đặc biệt, Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho biết sẽ đánh giá hiệu quả và lợi ích trong việc học trực tuyến mang lại để đề xuất đưa vào sử dụng lâu dài nhằm đồng bộ, thống nhất trong định hướng các nội dung học và ôn tập của các cấp học toàn thành phố trên cơ sở nội dung bài giảng, ôn tập được thống nhất đưa vào hệ thống học trực tuyến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.