Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận cuộc họp ngày 8.7 |
TTXVN |
Kỷ luật cảnh cáo nguyên Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong
Bộ Chính trị nhận thấy Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND TP và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước trong quản lý tài chính, tài sản nhà nước; xảy ra nhiều vụ án, vụ việc trên địa bàn; nhiều tổ chức Đảng, đảng viên bị kỷ luật; một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả lãnh đạo chủ chốt của UBND TP và một số sở, ngành bị xử lý hình sự.
Về cá nhân, ông Nguyễn Thành Phong, trong thời gian giữ chức vụ Phó bí thư Thành ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương; chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu đối với các vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự Đảng và UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2016 - 2021; chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Bộ Chính trị đánh giá vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã gây hậu quả rất nghiêm trọng; khuyết điểm của ông Nguyễn Thành Phong đã gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, làm thất thoát rất lớn tài sản nhà nước; gây dư luận xấu, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng bộ, chính quyền, sự phát triển KT-XH của TP.HCM và cá nhân ông Nguyễn Thành Phong.
Từ đó, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2016 - 2021 và ông Nguyễn Thành Phong. Bộ Chính trị cũng đề nghị các cơ quan chức năng kỷ luật về hành chính theo đúng quy định đối với tập thể, cá nhân đã bị kỷ luật Đảng.
Kiên quyết cho từ chức, miễn nhiệm cán bộ uy tín thấp
Cùng ngày, dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp, xem xét những vấn đề nổi bật của đất nước, tình hình quốc tế trong quý 2 và 6 tháng đầu năm 2022; nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Đánh giá trong quý 2 và 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nỗ lực đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực: phục hồi và phát triển KT-XH, phòng, chống dịch Covid-19, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Tại cuộc họp, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đánh giá thời gian tới nước ta tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, có thể làm chậm lại quá trình phục hồi và phát triển KT-XH do biến động khó lường của tình hình kinh tế - chính trị thế giới. Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu các cấp, các ngành quan tâm đến việc xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện các nghị quyết của T.Ư, Bộ Chính trị, đặc biệt là công tác thể chế hóa chủ trương, đường lối của T.Ư, Bộ Chính trị, triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (2022 - 2023), các nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư các dự án đường cao tốc...
Các cấp, các ngành ban hành Hướng dẫn về nội dung phòng, chống tiêu cực theo Quy định số 32-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo 110 (Ban Chỉ đạo liên ngành) theo dõi, chỉ đạo, nhất là các vụ án, vụ việc dư luận xã hội quan tâm như vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan; vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần chứng khoán BOS và các công ty liên quan; vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan; vụ án “Đưa hối lộ, nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố; vụ án xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế AIC và một số đơn vị liên quan. Thực hiện công tác đặc xá năm 2022 bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định. Kiên quyết cho từ chức, miễn nhiệm theo quy định đối với những cán bộ bị kỷ luật, hiệu quả công việc và uy tín thấp.
Sai phạm do thực hiện chỉ đạo của cấp trên sẽ được miễn kỷ luật
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định 69 ngày 6.7.2022 về kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm (Quy định 69). So với các quy định trước đó, Quy định 69 bổ sung nhiều trường hợp “chưa, không hoặc miễn kỷ luật” trong nội dung về nguyên tắc kỷ luật. Cụ thể, quy định của Bộ Chính trị nêu rõ những vi phạm do chấp hành chủ trương, quyết định, mệnh lệnh sai trái của tổ chức, cấp trên hoặc do bị ép buộc nhưng đã chủ động, kịp thời báo cáo bằng văn bản với tổ chức, cơ quan có thẩm quyền biết ý kiến, đề xuất của mình trước khi thực hiện thì miễn kỷ luật.
Bên cạnh đó, đảng viên thực hiện đề xuất về đổi mới, sáng tạo được cơ quan có thẩm quyền cho phép nhưng xảy ra thiệt hại thì cơ quan có thẩm quyền xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá khách quan, toàn diện; nếu đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì miễn kỷ luật hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.
Quy định 69 cũng bổ sung nguyên tắc mới là “nếu làm thất thoát tài chính, tài sản của Đảng, Nhà nước, của tổ chức, cá nhân thì phải xem xét trách nhiệm và bồi thường”, bổ sung thêm tình tiết “tự giác nộp tài sản tham nhũng” bên cạnh việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do mình gây ra. Ngược lại, tình tiết “không tự giác nộp lại tiền, tài sản do vi phạm mà có” được bổ sung vào một trong các tình tiết tăng nặng mức kỷ luật của Quy định 69. Quy định mới của Bộ Chính trị cũng bổ sung thêm tình tiết tăng nặng là “lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lợi dụng tình trạng dịch bệnh” chưa có trong các quy định cũ.
Quy định 69 có một điều riêng quy định về xử lý kỷ luật các vi phạm chống chạy chức, chạy quyền. Quy định nêu rõ, chạy chức, chạy quyền là các hành vi tặng quà, tiền, bất động sản hoặc các lợi ích vật chất khác, dùng tình cảm nam nữ không trong sáng nhằm mua chuộc, tạo sự ủng hộ của người có chức vụ, quyền hạn hoặc người liên quan để có được vị trí, chức vụ, quyền lợi cho mình hoặc người khác.
Lê Hiệp
Rà soát kỹ lưỡng, tiếp tục cắt giảm mạnh thủ tục hành chính
Về báo cáo của Văn phòng Chính phủ về tình hình, kết quả thực hiện Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng, tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn nữa; phân cấp nhiều hơn và xây dựng chế tài, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong xử lý công việc hành chính.
Theo báo cáo, nhiều bộ, ngành, địa phương đều đã triển khai việc kiểm tra hạ tầng công nghệ thông tin để thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, phần mềm phục vụ giải quyết thủ tục hành chính với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin một cửa điện tử để phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính; đã thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tái cấu trúc quy trình để thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 giúp cải thiện chất lượng dịch vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính.
TTXVN
Bình luận (0)