Lớp học trò chơi côn trùng là hoạt động nằm trong chuỗi chương trình “Ai là nhà bảo tồn, hoạt động môi trường tương lai?” do nhà làm phim thể nghiệm về môi trường Nguyễn Mỹ Dung (Mzung) tổ chức nhằm trang bị những kiến thức về động vật hoang dã cho trẻ em.
Dạy trẻ cách yêu động vật hoang dã
Tham gia chương trình, các trẻ sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị như lắng nghe những kiến thức về bảo tồn động vật, những câu chuyện, bài học về cách bảo vệ thiên nhiên, tìm hiểu những khái niệm động vật nguy cấp, động vật tuyệt chủng, sách đỏ, xem phim về bọ cánh cứng, trò chơi gấp giấy hình côn trùng, quan sát mô hình bọ cánh cứng, sáng tạo huy hiệu cá nhân lấy ý tưởng từ những loài côn trùng...
|
Khi được hỏi về mục đích tổ chức chương trình, chị Mzung, chia sẻ: “Trẻ trong độ tuổi từ 6 đến 14 tuổi, các trẻ thường tò mò về thế giới quan, về động vật hoang dã nhưng không biết mô hình như thế nào và hình thái ra làm sao… Chúng luôn bị người lớn nhắc nhở là phải bảo vệ động vật hoang dã, nhưng lại không ai giải thích cho chúng hiểu động vật hoang dã là gì. Thậm chí, có phụ huynh còn dạy con cái bằng cách nói: “Yêu động vật hoang dã là yêu chó, yêu mèo”. Điều này chưa chính xác, chó mèo là vật nuôi nên việc yêu chúng không hề sai. Chó mèo là động vật có thể sinh sản và dễ nuôi, chúng không phải động vật hoang dã. Mục đích của chương trình là mang đến những kiến thức bổ ích cho trẻ về động vật hoang dã, từ đó hướng các em tới việc yêu quý và bảo vệ chúng”.
Ngoài ra, chị Mzung còn cho biết thế giới hoang dã luôn là vùng đất bí ẩn với trẻ nhỏ. Cách giáo dục thông qua trò chơi và giáo dục trực quan sẽ khiến cho trẻ tiếp nhận kiến thức một cách chủ động, đồng thời tự thay đổi ý thức về thói quen quan sát và chăm sóc thế giới tự nhiên.
|
Ngồi quan sát cô con gái 7 tuổi đang say sưa gấp giấy hình chú bọ cánh cam, chị Lê Ngọc Diễm (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) tâm sự: “Bản thân mình cũng là một người yêu lối sống xanh, do đó mình đã đăng ký cho con tham gia chương trình này vì muốn bé học được thái độ trân quý đối với tất cả đồ vật, loài vật xung quanh con người. Sâu xa hơn nữa là muốn bé có thể làm nhiều việc hữu ích để giúp cho môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn".
Là phụ huynh dẫn theo nhiều thành viên nhí tham gia lớp học trò chơi con trùng, chị Phạm Hà Thủy (Q.7, TP.HCM) chia sẻ: "Tôi dẫn con và các cháu tham gia lớp học vì muốn các bé có cơ hội tìm hiểu thêm về thế giới động vật. Những nội dung như động vật được bảo tồn là gì, thế nào là loài côn trùng không có hại, lợi ích của côn trùng, cuộc sống của loài bọ cánh cứng trong thế giới tự nhiên... được chia sẻ hôm nay rất quý đối với những đứa trẻ thành phố. Những kiến thức này sẽ tác động không nhỏ tới nhận thức, nhân cách của trẻ, từ đó các con sẽ học được lòng bao dung, sự yêu thương và biết bảo vệ các loài động vật yếu thế."
“Con không còn sợ… bọ cánh cứng nữa”
Trong căn phòng nhỏ, một nhóm hơn chục em nhỏ cùng ngồi lại thành một vòng tròn, ai cũng chăm chú quan sát những mô hình mô phỏng các loài bọ do chương trình cung cấp. Vì đều sống tại thành phố và chưa có cơ hội tiếp xúc với những loài động vật hoang dã nên khi đứng trước mô hình, các bé tỏ ra khá rụt rè. Tuy nhiên, sau khi được ban tổ chức trang bị những kiến thức cơ bản về loài bọ cánh cứng như cấu tạo, đặc điểm, lợi ích… đồng thời xem những thước phim sống động về cuộc sống của loài động vật này trong tự nhiên, các bé dần dạn dĩ hơn.
|
Chị Mzung cho biết: “Tại buổi học có khoảng 3 bé đều rất sợ phải đụng đến động vật hoang dã, sợ các loài bọ hung, nhưng các bé vẫn rất tò mò tham gia với mong muốn hiểu sâu hơn về thế giới động vật. Kết thúc buổi học, sau khi đã hiểu rõ về đặc điểm của chúng thì các bé đã mạnh dạn hơn”.
Nhiều bé đã vượt qua nỗi sợ hãi ban đầu để tập vuốt ve những mô hình bọ được chương trình cung cấp. Bé Lâm Anh Kiệt (Q.7, TP.HCM) chia sẻ: “Lúc đầu em rất là sợ loài bọ cánh cứng, không biết mấy con bọ sẽ ra sao, có cắn người không… Tuy nhiên sau khi được các anh chị lý giải và cho tiếp xúc với cái mô hình bọ cánh cứng thì em hiểu rằng nó là động vật không nguy hiểm nên nỗi sợ ban đầu không còn nữa. Em cũng rất vui vì có thêm nhiều người bạn mới cùng chung sở thích về môi trường với mình”.
|
Cùng vượt qua nỗi sợ loài bọ cánh cứng, bé Đặng Lan Anh (12 tuổi) cười nói: “Thì ra là loài bọ cánh cứng không gây nguy hiểm cho con người nên em đã có thể dõng dạc tuyên bố là không sợ chúng nữa. Em sẽ kể câu chuyện này cho bạn bè ở lớp là bọ cánh cứng không hề đáng sợ, chúng là động vật yếu thế và cần được bảo tồn”.
Ngắm nhìn thành quả sau gần một giờ miệt mài tại Lớp học trò chơi côn trùng là bức tranh vẽ logo cá nhân trên tay, bé Mai Khôi (8 tuổi) nói như reo lên: “Buổi học hôm nay vui quá! Em đã không còn sợ loài bọ cánh cứng nữa rồi. Em thích nhất phần vẽ logo mang bản sắc cá nhân lấy ý tưởng từ loài bọ cánh cứng”.
Bình luận (0)