ĐBSCL phải có 600 km cao tốc vào năm 2025

17/10/2024 04:15 GMT+7

Ngày 16.10, tại TP.Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL.

Đây là lần thứ 6, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, địa phương; nhiều lần kiểm tra công trường, đôn đốc để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án (DA) giao thông trọng điểm khu vực ĐBSCL.

B1.jpg

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL

Ảnh: TTXVN

Nhiều dự án chậm tiến độ

Báo cáo với Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết tại ĐBSCL đang triển khai 9 DA giao thông trọng điểm quốc gia với tổng vốn đầu tư khoảng 106.000 tỉ đồng. 8/9 DA đang thi công; trong đó 6 DA có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025 (gồm 4 DA đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 207 km). Hiện các nhà thầu đã huy động 6.500 nhân lực, 2.200 thiết bị triển khai 450 mũi thi công.

Theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, 2 DA phải cơ bản hoàn thành năm 2025 là DA cao tốc Bắc - Nam phía đông (đoạn Cần Thơ - Cà Mau) và DA đường Hồ Chí Minh (đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận). DA cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026, đưa vào khai thác sử dụng năm 2027; DA cao tốc Cao Lãnh - An Hữu và DA Mỹ An - Cao Lãnh hoàn thành năm 2027.

Tuy nhiên, đến nay, chỉ có DA thành phần 1 thuộc DA cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đáp ứng tiến độ, các DA thành phần còn lại đều chậm từ 4 - 15%. Nguyên nhân chủ yếu do công suất khai thác và cung ứng nguồn vật liệu cát đắp chưa đáp ứng yêu cầu. Đơn cử, DA Cần Thơ - Cà Mau, công suất khai thác, cung ứng cát đắp hằng ngày chỉ đạt 54.000/76.000 m³.

Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành cho biết đến thời điểm này, các địa phương ĐBSCL đã cấp 49 giấy phép khai thác cát san lấp với tổng trữ lượng gần 50 triệu m³. Trữ lượng này thấp hơn nhiều so với nhu cầu là 65 triệu m³, vì vậy cần tiếp tục tìm kiếm nguồn và cấp phép các mỏ mới.

Sử dụng cát biển vẫn còn lúng túng

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các tỉnh như Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Sóc Trăng hoàn thành thủ tục cấp phép khai thác mỏ cát trước ngày 30.8.2024, nhưng tiến độ thực tế chưa đáp ứng được nhu cầu. Nhiều mỏ cát khi khảo sát đã không đạt yêu cầu về chất lượng và trữ lượng, buộc phải tìm kiếm nguồn cung thay thế, làm chậm trễ tiến độ cấp phép.

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ nối cầu Mỹ Thuận 2  _ảnh Nam Long (2) (2).jpg

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ nối vào cầu Mỹ Thuận 2

ẢNH: NAM LONG

Tại Tiền Giang, một số mỏ cát được cấp phép chồng lấn với luồng đường thủy nội địa. Bến Tre cũng gặp khó khăn khi một số mỏ thuộc quy hoạch khai thác khoáng sản giai đoạn 2026 - 2030, đòi hỏi phải điều chỉnh quy hoạch theo hướng dẫn của Bộ TN-MT. Trong khi đó, các mỏ cát sông ở Sóc Trăng tuy có trữ lượng lớn nhưng công suất cấp phép, khai thác rất hạn chế. Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cho biết 4 mỏ cát sông của tỉnh phục vụ cho cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đều có những tác động nhất định đến tình trạng sạt lở bờ sông. Địa phương và người dân đã nhiều lần phản ánh. 

Do đó, Sóc Trăng rất thận trọng đánh giá tác động môi trường để không ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. Cũng vì vậy tiến độ khai thác kéo dài, dự kiến đến tháng 6.2025 chỉ đạt tối đa 3 triệu m³. Trong khi đó, DA thành phần cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (do Sóc Trăng làm chủ đầu tư) cần đến 6,6 triệu m³. Tỉnh Đồng Tháp và An Giang cũng gặp trở ngại khi một số mỏ phải dừng khai thác do hết công suất hoặc không đảm bảo khối lượng, ảnh hưởng đến việc cung ứng cát cho DA Cần Thơ - Cà Mau.

Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thống nhất cho phép các địa phương được sử dụng cát biển vào việc xây dựng các công trình phục vụ đầu tư công, cơ bản. Bởi bên cạnh các tuyến cao tốc thì những công trình giao thông trọng điểm của tỉnh cũng rất quan trọng để thúc đẩy sự kết nối liền mạch, hoàn thiện hệ thống hạ tầng. Nếu cát biển được được sử dụng sẽ giúp địa phương tháo gỡ nhiều khó khăn khi xây dựng các công trình trên địa bàn.

Liên quan vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết: "Bộ cũng đã thí điểm lấy cát biển san lấp với độ mặn khoảng 5‰, thấp hơn nhiều so với điều kiện môi trường đang thi công là ở Kiên Giang và Cà Mau. Bộ NN-PTNT cũng đã có văn bản trả lời về mức tiêu chuẩn chịu mặn của vật nuôi cây trồng. Bây giờ địa phương căn cứ thực tế của các dự án để chỉ đạo các đơn vị tư vấn cân nhắc, đánh giá sử dụng cát biển làm sao đảm bảo kỹ thuật, quy trình thi công, kiểm soát độ mặn khi sử dụng cát biển. Đối với cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Bộ GTVT vẫn đang thi công bình thường theo chỉ dẫn kỹ thuật của DA, theo dõi chặt chẽ môi trường, không bị ảnh hưởng gì khi đưa cát biển vào công trình".

Chỉ bàn làm, không bàn lùi

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao các địa phương, các bộ liên quan cùng các doanh nghiệp, nhà thầu, đơn vị tư vấn, giám sát, thiết kế đã rất tích cực, làm thay đổi bộ mặt ĐBSCL. "Sau thời gian 3 năm từ khi bắt tay nghiên cứu, triển khai các DA cao tốc vùng ĐBSCL, kết quả bước đầu cho thấy chúng ta đã biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể. Từ chỉ có trong ý tưởng đến có các DA cụ thể, nhiều đoạn tuyến, công trình cầu đã hoàn thành, các tuyến cao tốc đang định hình mang lại triển vọng phát triển to lớn cho vùng ĐBSCL", Thủ tướng nói.

B2.webp

Hầu hết các dự án giao thông trọng điểm ở ĐBSCL đang chậm tiến độ so với kế hoạch vì thiếu cát

Ảnh: ĐÌNH TUYỂN

Trước nhiệm kỳ này, toàn vùng chỉ có 39 km đường cao tốc, không có DA nào được chuẩn bị đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, với sự quyết liệt của T.Ư và quyết tâm của các địa phương, từ nơi được coi là "vùng trũng" cao tốc, đến nay, mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối tại ĐBSCL đã chuyển biến rõ nét. Theo quy hoạch, ĐBSCL sẽ có 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài gần 1.200 km. Hiện tại, khu vực này đã có 120 km đường cao tốc đi vào hoạt động, 428 km đang thi công và dự kiến hoàn thành vào năm 2025, cùng với 215 km đang trong giai đoạn nghiên cứu đầu tư.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại trong việc triển khai các DA, đặc biệt là về giải phóng mặt bằng, cung ứng vật liệu và sử dụng cát biển vẫn còn lúng túng. Để đạt mục tiêu 600 km cao tốc vào năm 2025 và 1.200 km vào năm 2030, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết dứt điểm 3 vấn đề: giải phóng mặt bằng, di dời đường điện cao thế và cung ứng vật liệu.

Thủ tướng nhấn mạnh 3 quan điểm: Giao thông phải đi trước mở đường; chỉ bàn làm, không bàn lùi, đảm bảo tiến độ và chất lượng; bàn để quyết, quyết là làm, làm phải có kết quả cụ thể, đo đếm được. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung chỉ đạo, phải có giải pháp bù lại tiến độ đã chậm và đặc biệt chú trọng giải quyết dứt điểm vướng mắc về giải phóng mặt bằng; di dời đường điện cao thế; cung ứng vật liệu (cát, đá, sỏi). Các địa phương cần tập trung hoàn thành giải phóng mặt bằng 100% trong tháng 10.2024.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục quan tâm đến đời sống người dân tái định cư, đảm bảo điều kiện sống tại nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ. Bộ TN-MT, Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan cần chủ động trao đổi, hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác mỏ. Đặc biệt, không ban hành các quy định gây khó khăn, cản trở việc cung ứng cát san lấp và cấp phối đá dăm, làm ảnh hưởng đến tiến độ DA giao thông trọng điểm trong khu vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp xúc cử tri Cần Thơ

Cũng trong ngày 16.10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu Quốc hội (QH) TP.Cần Thơ tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8, QH khóa XV.

Tại buổi tiếp xúc, Thủ tướng đã giải đáp và giao các bộ, ngành liên quan nghiên cứu giải pháp cho những vấn đề được cử tri kiến nghị, đề đạt như đẩy nhanh thực hiện dự án TP.Cần Thơ thích ứng với biến đổi khí hậu, hỗ trợ người dân khu vực sạt lở, thúc đẩy tiến độ trung tâm liên kết các sản phẩm nông nghiệp ĐBSCL tại Cần Thơ, tăng mức hỗ trợ để người lao động nghèo tham gia BHXH nhiều, hỗ trợ nghề và nguồn nhân lực chất lượng cao khi các khu công nghiệp đi vào hoạt động.

Đánh giá trữ lượng cát ĐBSCL còn bao nhiêu

Năm 2017, cát ở ĐBSCL còn xuất khẩu sang Singapore, cát thừa tới nỗi phải khai thác tận thu khai thông luồng lạch, bơm cát từ bờ ra giữa sông để tàu, phà cặp vào. Tuy nhiên bây giờ không còn như vậy, các đập thượng nguồn đã hạn chế cát về rất nhiều. Cái chúng ta nhìn thấy có mỏ cát đó nhưng trữ lượng không phải như tính toán nữa. Thậm chí có trữ lượng rồi thì tính hữu dụng của cát cũng không đảm bảo, nhiều mỏ chỉ còn bùn. Ngày xưa cát lấy tới đâu thì lại được bù tới đó, còn giờ thì không còn, quãng bù tự nhiên đó giờ là rất xa. Rõ ràng, dữ liệu về tài nguyên cát ở ĐBSCL chưa được nắm chắc. Tôi đề nghị nên cùng một lúc đi khảo sát đánh giá lại toàn bộ các mỏ cát ở ĐBSCL. Bởi vì không phải phục vụ cho ngắn hạn đường cao tốc mà còn công trình địa phương, phát triển đô thị. Đường cao tốc xong rồi, khu công nghiệp, đô thị sẽ mọc lên. Do vậy, đây là giai đoạn cần thiết để chúng ta xem lại còn bao nhiêu cát, để sau này đấu thầu, nhà thầu biết mỏ ở đâu, phạm vi thế nào, chứ khởi động, thi công rồi lại loay hoay tìm mỏ cát rất vất vả.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan

Bù tiến độ nhưng cần đảm bảo chất lượng công trình

Qua theo dõi, báo cáo của Bộ GTVT, hiện chúng ta đang triển khai 5 DA lớn với 9 DA thành phần, nhưng chỉ duy nhất một DA thành phần vượt kế hoạch, còn lại các DA khác đều chậm tiến độ.

Như vậy, trong thời gian tới, chủ đầu tư, nhà thầu, sẽ cần có giải pháp bù tiến độ để đảm bảo kế hoạch. Tuy nhiên, sẽ có một số vấn đề cần lưu ý. Đầu tiên, khi bù tiến độ tức chúng ta rút ngắn thời gian thi công như vậy có thể ảnh hưởng đến thời gian gia tải, xử lý nền, đặc biệt trên nền đất yếu, không xử lý được triệt để có thể gây sụt lún trong quá trình khai thác. Tại ĐBSCL, theo tính toán thời gian để gia tải, đảm bảo cấu kết, ổn định của nền đường cần từ 10 - 12 tháng cho nên trong quá trình rút ngắn thời gian thi công cần hết sức lưu ý việc này. Do đó, đề nghị nhà thầu, các đơn vị thi công, chọn khu vực nào tập trung xử lý nền đất yếu thì ưu tiên xử lý trước để có thời gian gia tải, ổn định nền đường.

Một điểm lưu ý nữa là khi bù tiến độ, hạng mục cuối cùng là thảm nhựa cũng có thể bị rút ngắn nhiều cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Đây là hạng mục rất quan trọng của công trình cao tốc. Cần rà soát đảm bảo thời gian cho công tác hoàn thiện mặt đường bê tông nhựa, giai đoạn cuối cùng phải có đủ thời gian cần thiết, để đảm bảo chất lượng nền đường.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị

info.jpg

ĐỒ HỌA: BẢO NGUYỄN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.