Để bài tập về nhà không là nỗi ám ảnh của học sinh

Bích Thanh
Bích Thanh
05/01/2023 06:04 GMT+7

Hầu hết học sinh cũng như phụ huynh và giáo viên ở bậc THCS, THPT cho rằng bài tập về nhà là cần thiết để chuẩn bị kiến thức cho các kỳ thi cũng như nền tảng chuyển tiếp lên các bậc học cao hơn.

Tuy nhiên, bài tập về nhà nên dừng ở mức giúp học sinh (HS) rèn luyện chứ đừng trở thành nỗi ám ảnh, hoảng sợ vào mỗi buổi tối.

Người nói nhiều, người nói ít

Chia sẻ về việc giáo viên (GV) giao bài tập về nhà hiện nay, học sinh (HS) Nguyễn Lê Song Thương, lớp 10 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM), cho biết trung bình, mỗi môn có khoảng 3 - 4 bài và khoảng 2 - 3 tuần thì có một dự án học tập hoặc bài thuyết trình. Tuy nhiên theo Song Thương, đó là điều cần thiết để HS có thể củng cố, rèn luyện kiến thức, kỹ năng. Nếu biết điều chỉnh và phân chia thời gian thì không gặp khó khăn.

Học sinh lớp 7 trong giờ học môn mới lịch sử - địa lý

ĐÀO NGỌC THẠCH

Trong khi đó, bà Đinh Thiên Ân, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Đa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), thẳng thắn đưa ra quan điểm: “Có đi học là phải có việc về nhà coi lại bài cũ, chuẩn bị bài mới cho ngày mai chứ không thể xách cặp đi xách cặp về. Đặc biệt với định hướng việc kiểm tra, đánh giá như hiện nay đó là tránh học tủ, học vẹt, học theo đề cương mà là phát huy năng lực thì ngoài thời gian học lý thuyết trên lớp, HS cần dành thời gian rèn luyện, cọ xát các dạng bài tập”.

Đặt vấn đề có phụ huynh cho rằng phải chăng chương trình học hiện nay nặng nên HS có nhiều bài tập về nhà, bà Thiên Ân nói: “Phụ huynh nói bài tập nhiều thì phải đi vào cụ thể kiến thức nào, phần bài tập nào, lượng bài tập có đúng, có phù hợp hay không? Đơn giản như môn mỹ thuật có khi GV yêu cầu HS về hoàn thành nốt việc tô màu bản vẽ của mình thì phụ huynh cũng phản ánh là bài tập về nhà”.

Bên cạnh đó, một hiệu trưởng trường THCS có tiếng tại Q.1 cho hay: “Chỉ ngay trong một lớp, có những môn học, HS hoàn thành phần bài tập ngay trên lớp, đôi khi trong một tuần có khoảng 2 - 3 bài tập về nhà. Đến kỳ kiểm tra, GV phát cho HS hướng dẫn ôn tập. Nhưng có phụ huynh từng nhắn tin thắc mắc “Sao hằng ngày không thấy GV cho bài tập về nhà làm, đề cương kiểm tra mà chỉ có một trang giấy thì HS ôn thế nào?’”. Hiệu trưởng này cho biết với HS cuối cấp, có phụ huynh còn gây áp lực với GV dạy những môn thi tuyển sinh, yêu cầu phải cho HS nhiều bài tập.

Học sinh lớp 10 năm nay bắt đầu theo chương trình giáo dục mới

đào ngọc thạch

Bài tập nhiều vì chương trình mới ?

Đề cập mục tiêu chương trình Giáo dục phổ thông 2018, bà Thiên Ân cho hay chương trình muốn hướng HS đến phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân… Do đó, HS phải trải nghiệm, nghiên cứu bài trước qua các phiếu bài tập, phiếu câu hỏi, soạn bài trước, không có chuyện đến lớp mới xem sách giáo khoa. Tuy nhiên, khi phụ huynh HS có ý kiến, theo bà Ân, đây cũng là lỗi do các nhà trường chưa giúp phụ huynh hiểu được mục tiêu của chương trình mới, chưa cung cấp hết các tiêu chí, phương pháp học nên phụ huynh mới “xót con” như vậy.

Với từng bộ môn, bà Thiên Ân cho hay với môn toán, so với chương trình cũ có khó hơn nhưng nền tảng vẫn tương tự nên việc làm bài tập để hiểu thêm kiến thức vẫn như cũ. Còn với các môn học mới như khoa học tự nhiên, các GV cho rằng phải xây dựng phiếu học tập. GV soạn phiếu học tập để HS nắm được bài theo từng nấc tức là sẽ chia nhỏ câu hỏi và tăng dần theo cấp độ kiến thức. Vì vậy, hầu như bài nào cũng có phiếu học tập nên phụ huynh nhìn vào sẽ thấy phiếu học tập nhiều quá, bài tập nhiều quá.

Hay với môn lịch sử - địa lý, một GV của Trường THCS Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) cho hay là môn học tích hợp kiến thức, có thời lượng 3 tiết/tuần. GV này nhìn nhận: “Hay thì rất là hay nhưng khó với HS lớp 6, nên buộc phải có sự chuẩn bị, soạn bài trước. GV soạn phiếu câu hỏi, phiếu bài tập là để hỗ trợ các con học tập”.

Từ những phân tích trên, bà Đinh Thiên Ân nhấn mạnh: “Nếu nói đi học mà nhàn thì khó lắm. Sức của học trò nếu không đẩy thì dễ bị ì tâm lý, nếu cho nhiệm vụ nhẹ nhàng thì chủ quan, coi việc học nhẹ nhàng. Nên đôi khi phải nắm bắt và tạo cơ hội cứ đẩy thêm khó một chút để các em phát huy hết khả năng. Không phải tạo áp lực cho HS mà khuyến khích học trò đặt mục tiêu phát triển năng lực bản thân”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.