Để bóng đá nữ Việt Nam mạnh hơn: Chân đế vẫn quá mỏng manh

14/02/2022 08:57 GMT+7

Tuyển nữ Việt Nam làm nức lòng cả nước với tấm vé lịch sử dự World Cup 2023. Tuy nhiên, thực trạng bóng đá nữ không chỉ màu hồng, khi nền móng vẫn còn quá mỏng manh và yếu đuối.

Gian truân nuôi bóng đá nữ

Không phải vô cớ bóng đá nữ Việt Nam hiện đang phát triển rất lệch khi chỉ có 4 trung tâm chính, bao gồm 3 đội miền Bắc là Hà Nội, Hà Nam, Quảng Ninh và TP.HCM, đại diện cho cả miền Nam và dải miền Trung - Tây nguyên hoàn toàn trắng bóng đá nữ. Gắn bó với phong trào bóng đá nữ TP.HCM và Việt Nam từ những ngày đầu trong vai trò HLV và nay là nhà quản lý, giám đốc Trung tâm TDTT Q.1 Trần Anh Tuấn chia sẻ: “Những năm 2000, Tiền Giang từng muốn làm bóng đá nữ nhưng sau chỉ 1 năm thấy nuôi không nổi nên bỏ luôn. Kinh phí và cơ chế luôn là rào cản lớn nhất. Các tỉnh miền Tây như Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Long An... bóng đá nam không nuôi nổi, lẹt đẹt ở các hạng dưới thì nói gì bóng đá nữ. TP.HCM có điều kiện, truyền thống thì lại thiếu con người vì phụ huynh muốn con học văn hóa, làm kinh tế. Hiện tại Q.1 có 4 lứa gồm đội 1, U.19, U.16, U.14, tổng cộng 110 VĐV nhưng chỉ có hơn 10 em là người TP.HCM. Rất nhiều lần phụ huynh lên xin cho con nghỉ để đi du học, chúng tôi tiếc đứt ruột nhưng đành chịu! Nhìn tuyển nữ Việt Nam vừa rồi có mỗi Mỹ Anh là người H.Củ Chi.

Pha đánh đầu dũng mãnh của Chương Thị Kiều (3) đưa tuyển nữ VN đi World Cup

AFP

Nỗ lực nhiều năm giúp Q.1 xây dựng được hệ thống vệ tinh từ Kiên Giang, Hậu Giang, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Long An, Bến Tre, Sóc Trăng... Mà có phải cứ tìm được người là có được ngay đâu. Chỉ cần nghe HLV cơ sở báo về một em có năng khiếu, chúng tôi lập tức thuê xe chở phụ huynh lên sân Tao Đàn coi cơ sở vật chất để thuyết phục họ an tâm giao con cho mình. Trái với TP.HCM, nhiều bậc cha mẹ ở tỉnh cho con học đá bóng là một cách thoát nghèo của những địa phương khó khăn. Thậm chí có trường hợp phụ huynh tham quan xong lo lắng trình bày với thầy là sợ con không ngủ được vì nhỏ lớn chưa biết nằm máy lạnh! Nếu không có sự ủng hộ của những người hùng thầm lặng là các đồng nghiệp ở tỉnh anh em, chúng tôi và bóng đá nữ Việt Nam sẽ không có kỳ tích World Cup như hiện nay”. Chuyện vui buồn gian truân giữ lửa phong trào bóng đá nữ rất nhiều. Thậm chí, ông Tuấn còn kể chuyện cười ra nước mắt khi người dân địa phương thấy ông hay về “canh me” dắt mấy bé gái lên TP.HCM nên báo chính quyền, báo hại ông Tuấn phải lên đồn công an uống trà, giải thích rõ công việc của mình.

Hình ảnh từ xe buýt hai tầng diễu hành cùng tuyển thủ bóng đá nữ Việt Nam

Thiếu cái nền vững chắc

Đợt dịch Covid-19 vừa qua, do tủ lạnh bị hư mà đầu bếp không phát hiện kịp làm hư thối hết 21 triệu đồng tiền thịt, ông Tuấn quyết định bán chiếc xe máy cổ để bù vào. Ở Q.1 được đầu tư có truyền thống còn vậy nói chi những tỉnh khác việc chăm chút cho bóng đá gian truân hơn nhiều. Ông Phạm Hải Anh, Giám đốc Trung tâm TDTT Hà Nam, người được xem là cha đẻ của bóng đá nữ vùng đất này, chia sẻ: “Năm 2001 giải vô địch quốc gia có 7 đội. Những năm có đại hội TDTT toàn quốc lên được 10 đội. Có những địa phương như Hải Phòng, Cần Thơ, Long An, Lâm Đồng... chơi rồi nghỉ. Quảng Ngãi được VFF đầu tư trọng điểm trước Hà Nam rồi cũng nghỉ. Đằng sau thành công của bóng đá nữ Việt Nam phải sòng phẳng rằng chân đế của chúng ta vẫn còn rất yếu và mỏng. Khó khăn lớn nhất đến từ 4 yếu tố: kinh phí, cơ chế chủ trương, lãnh đạo địa phương và HLV. Nhiều nơi phong trào không có sự ủng hộ của lãnh đạo địa phương và VFF hỗ trợ. Kế đến phong trào không được doanh nghiệp hà hơi tiếp sức. Thêm nữa, những nơi muốn làm bóng đá lại không có HLV tâm huyết gắn bó lâu dài với bóng đá nữ vì chăm cho các bạn nữ trẻ đòi hỏi phải kiên nhẫn. Đây là 4 khó khăn khiến số lượng đội bóng nữ Việt Nam vẫn chưa thể mở rộng ra như mong muốn. Ngày xưa, Hà Nam mạnh nhất là đầu tư trẻ nhưng những năm qua chúng tôi - cũng giống TP.HCM - phải đi tìm ở địa phương khác như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Tuyên Quang, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên...”.

Một quan chức bóng đá nữ khác của địa phương phía bắc nói: “Nếu như bóng đá nam còn có 13 đội dự V-League hay còn có giải hạng nhất thì các CLB bóng đá nữ ở Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chỉ có 4 đội được đầu tư tương đối lớn, ngoài ra còn có thể tính thêm Sơn La, Thái Nguyên do có ông bầu nhảy vào đầu tư. Phong trào èo uột vì không có chi phí để nuôi quân. Kinh phí nuôi bóng đá nữ gồm các tuyến đội tuyển, đội trẻ, năng khiếu, cũng cần 15 tỉ đồng. Có địa phương cứ sau mỗi năm học, lại đi “săn đầu người” ở các nơi, gom về địa phương mình khoảng 10 - 20 VĐV trẻ U.10 để nuôi trong 3 tháng hè. VĐV nào hòa nhập tốt, có tiến bộ thì được giữ lại để đào tạo tiếp. Khoản kinh phí cũng tốn khoảng 200 - 300 triệu đồng. Tiền không phải quá nhiều nhưng không phải nơi nào cũng mặn mà với bóng đá nữ để có riêng khoản ngân sách như vậy. Hoặc có nơi cũng thích bóng đá nữ nhưng lại không được cấp tiền. Cái khó bó cái khôn. Nhiều địa phương, việc đi tuyển quân là cực kỳ nan giải vì nhiều gia đình không cho con gái mình, cháu gái mình theo nghề bóng đá, lương chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, sân bãi nhiều địa phương kém lắm. Nói thật là chân đế bóng đá Việt Nam hiện không rộng, không chắc”.

Thiếu chiến lược đặc thù cho bóng đá nữ

Ông Trần Anh Tuấn cho rằng bóng đá nữ Việt Nam thiếu chiến lược dài hạn sao cho phù hợp những đặc thù rất khác bóng đá nam. “Việt Nam chưa có định hướng đào tạo cầu thủ, HLV và nhà quản lý nữ chuyên biệt. Để giữ chân cầu thủ theo nghề rất khó. Ví dụ cầu thủ nữ khi lên tuyển nữ Việt Nam chỉ mong giữ chế độ ở CLB nhưng ngoài TP.HCM các nơi khác đều chưa làm được. Rồi hạn chế về y tế, dinh dưỡng, văn hóa... ở cấp cơ sở khiến cầu thủ Việt Nam chưa hết còi cọc. Chưa đủ thu nhập ổn định nuôi gia đình, việc cầu thủ hoặc HLV, nhà quản lý nội xuất ngoại ở những CLB chuyên nghiệp nước ngoài để nâng cao trình độ vẫn chỉ là giấc mơ. Ngày xưa ông Hoàng Vĩnh Giang còn tổ chức các giải đấu cho những CLB Việt Nam cọ xát với các đội nước ngoài nhưng sau khi ông nghỉ thì những giải tập huấn quốc tế đó cũng bị bỏ mặc. Việc tập trung dài hạn cầu thủ nữ cũng vậy. Cầu thủ nam có thể xa nhà từ 9 - 10 tuổi, thậm chí sớm hơn nhưng con gái có những nỗi lo rất khác, không thể điều động các cầu thủ nữ từ phía nam ra tập 6 - 7 năm trời ngoài Hà Nội. Từ miền Tây hay miền Trung đến TP.HCM có nét văn hóa, thời tiết... tương đồng người ta vẫn yên tâm hơn. Mặt khác, Q.1 mấy chục năm nuôi bóng đá nữ nhưng chưa được thành phố giao phó cụ thể trách nhiệm đào tạo, phát triển bóng đá nữ mà phải thông qua Trung tâm TDTT Thống Nhất. Việc thiếu một danh phận phù hợp với trung tâm đại diện bóng đá nữ miền Nam khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, thiếu hỗ trợ đúng mức để phát huy hết vai trò của mình”, ông Tuấn bày tỏ. (còn tiếp)

Chưa có nguồn lực đủ mạnh

Chuyên gia Đoàn Minh Xương nói: “Cả nước hiện nay chỉ có 5 - 6 đơn vị có bóng đá nữ, trong đó chỉ 3 - 4 đơn vị là có tuyến trẻ còn lại chỉ có đội 1, mỗi đội 20 - 25 cầu thủ, tính ra chỉ khoảng trên dưới 200 cầu thủ nữ được thi đấu. Con số này quá ít đối với một đất nước giành quyền đi World Cup vì so với các quốc gia khác, cầu thủ nữ đá thường xuyên ở mọi cấp độ trên dưới 2.000 cầu thủ. Khó khăn này một phần do đào tạo cầu thủ bóng đá nữ ở Việt Nam chưa tốt, thiếu đồng bộ, cơ sở vật chất chưa được đầu tư và quy hoạch. Ngay sân Tao Đàn được Q.1 trưng dụng cho bóng đá nữ cũng là sân nhân tạo, các em còn chưa được tạo điều kiện tập luyện hay đá thường xuyên ở sân tự nhiên nói chi phát triển được. Các chế độ đều phải dựa vào quy định của nhà nước nên việc nuôi dưỡng, chăm sóc cũng khó khăn trăm bề. Nguồn lực không đủ mạnh như vậy thì chân đế không thể vững vàng, từ đó sức mạnh của đội tuyển cũng chỉ ở mức đối phó với từng giải đấu chứ chưa mạnh một cách toàn diện. Ngay việc được dự World Cup phải nói đó là nỗ lực của ý chí, nghị lực của các cô gái Việt Nam và sự may mắn quá lớn. Tôi nghĩ nhân kỳ tích World Cup, VFF và rộng hơn là Bộ VH-TT-DL, Tổng cục TDTT cùng các địa phương nên có chiến lược làm lại bóng đá nữ một cách căn cơ, phải có một công thức chung để bóng đá nữ được xã hội quan tâm thường xuyên hơn, phải có những đầu tư trọng điểm, bền bỉ hơn, phải cải tiến hệ thống thi đấu, quy hoạch đào tạo và có một cơ chế lương thưởng đặc biệt hơn cho cầu thủ, HLV nữ. Có vậy thì bóng đá nữ Việt Nam mới có nguồn lực đủ mạnh để sánh vai cùng bạn bè thế giới”.

T.K (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.