Để bóng đá nữ Việt Nam mạnh hơn: Giữ gìn cho mục tiêu World Cup

17/02/2022 08:58 GMT+7

Nếu Thủ tướng Phạm Minh Chính ví von tuyển nữ Việt Nam là “những cô gái kim cương” thì tấm vé dự World Cup 2023 chính là “cơ hội kim cương” để bóng đá nữ Việt Nam có cú chạy đà hoàn hảo, hướng đến sự phát triển ổn định và không chỉ 1 lần được đến với đấu trường danh giá nhất hành tinh.

Đầu tư bóng đá nữ không tốn kém như nam

Chuyên gia Đoàn Minh Xương nhận định: “Đừng bỏ phí những cơ hội mà tấm vé World Cup có thể đem lại cho bóng đá VN nói chung và bóng đá nữ Việt Nam (VN) nói riêng. Từ thành tích hết sức đáng ngợi khen này, những nhà hoạch định thể thao VN, bóng đá VN nên nhìn lại những gì mình đã làm được và chưa làm được cho bóng đá nữ VN. Chúng ta cần vạch ra được một lộ trình chuyên nghiệp, bài bản, đồng bộ để bóng đá nữ VN có được 1 chân đế rộng, vững chắc. Hiện tại, cả nước chỉ còn 6 trung tâm có bóng đá nữ, trong đó Sơn La đang “hấp hối”. Giải vô địch nữ quốc gia đã khiêm tốn về số lượng nay chỉ còn 5 đội tham dự - thực sự là quá ít ỏi. Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) phải sớm lên một kế hoạch cụ thể, ví dụ từ nay đến 2025 sẽ phát triển lên thành 10 địa phương đầu tư bóng đá nữ. Hiện chúng ta đã có hạt nhân như Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Hà Nam, Thái Nguyên thì cần mở rộng địa bàn như Cần Thơ, Khánh Hòa, Gia Lai, Đà Nẵng... Đây là bài toán quy hoạch mà người thực hiện và giải bài toán sẽ phải là ngành thể thao và VFF”.

Gala Quả bóng Vàng: Cầu thủ nữ chiếm spotlight, Hải Yến tóc bạc, Thanh Nhã cực xinh

Cần thay đổi chính sách thưởng cho cầu thủ nữ

Ông Mai Bá Hùng, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, nói: “Muốn thành tích của bóng đá nữ VN được duy trì ổn định thì đội tuyển nữ phải thật mạnh và luôn luôn có các thế hệ cầu thủ nối tiếp nhau, không bị hụt hẫng lực lượng. Chúng ta nỗ lực đảm bảo thành tích ở các đấu trường quốc tế khác nhau nếu như các đấu trường trong nước được chăm chút. Hiện tại, các CLB nếu giành được vị trí cao ở giải vô địch nữ quốc gia, khi về địa phương sẽ được thưởng nhưng nếu giành kết quả cao ở Cúp quốc gia, khi về địa phương lại không được thưởng do không có quy định của nhà nước về vấn đề này. Cúp quốc gia nữ cũng là một giải đấu rất quan trọng thì ngân sách nên có khoản chi này để các cầu thủ đỡ thiệt thòi”.Trung Ninh

Ông Xương chia sẻ tiếp: “Bộ VH-TT-DL, Tổng cục TDTT, VFF phải tiến hành khảo sát cụ thể ở các địa phương, phải đến tận nơi, nhìn tận mắt cơ sở vật chất, sân bãi, bếp ăn…, để tìm hiểu bóng đá nữ ở các tỉnh, thành, từ đó nắm rõ thuận lợi và khó khăn nằm ở đâu. Nhà nước và địa phương phối hợp như thế nào, mỗi bên cần chi ra kinh phí là bao nhiêu. VFF nếu hỗ trợ thì hỗ trợ tài chính hay hỗ trợ về đào tạo HLV giỏi cho các địa phương. Mọi việc cần phải có sự thảo luận, bàn bạc thật cụ thể. Đào tạo bóng đá nữ khó hơn nam nhưng lại không tốn kém như bóng đá nam. Làm phép tính đơn giản, nếu 10 địa phương làm bóng đá nữ mỗi nơi có 100 cầu thủ thì cả nước có 1.000 cầu thủ. Tính tạm tiền lương, tiền ăn và các chi phí khác, mỗi cầu thủ cần 200 triệu đồng/năm thì tổng kinh phí cần khoảng 200 tỉ đồng và mỗi địa phương cần

20 tỉ đồng. Trong thời gian đầu, vai trò nhà nước và địa phương sẽ đóng vai trò chủ yếu như phần cứng với chính sách tiền lương, tiền ăn, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội... Còn phần mềm sẽ do VFF lên kế hoạch tìm kiếm tài trợ cho bóng đá nữ”.

Không dừng ở World cup nữ 2023

Một quan chức VFF cho hay: “Chúng ta sẽ không dừng ở việc bóng đá nữ VN có vé dự World Cup 2023 mà ở các kỳ World Cup sau nữa, bóng đá nữ VN vẫn có cơ hội được có mặt. Đó là những thử thách rất lớn mà chỉ VFF thôi không thể thực hiện được. Chúng tôi sẽ khuyến khích các tổ chức kinh tế, tư nhân tham gia đào tạo và cung cấp cầu thủ nữ cho các CLB - như cách mà các ông bầu đang làm cho bóng đá nam.

Từ cú hích của World Cup nữ 2023, VFF sẽ hình thành và xây dựng chiến lược tiếp thị toàn diện nâng cao giá trị thương hiệu của đội tuyển nữ VN; bàn bạc với các Sở VH-TT-DL địa phương để cùng có giải pháp đầu tư sâu hơn cho các CLB nữ và cải thiện chất lượng các giải trong hệ thống thi đấu bóng đá quốc gia dành cho nữ. VFF sẽ tính toán để tổ chức và duy trì các giải U.13, U.16, U.19 nữ... Tiếp tục tận dụng có hiệu quả các mối quan hệ quốc tế để đưa đội nữ trẻ, đội nữ quốc gia tập huấn nước ngoài. Các đội bóng đá nữ ngoài nguồn ngân sách nhà nước cũng nên chủ động vận động sự tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật. VFF cũng sẽ tranh thủ sự hỗ trợ tài chính của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bóng đá, trong đó có bóng đá nữ. VFF và các CLB sẽ phải đa dạng các hình thức quảng cáo, tài trợ nhằm tăng nguồn thu cho phát triển bóng đá nữ”.

Cũng theo quan chức VFF: “Trước cơ hội kim cương này, chúng ta cần quy tụ nhiều nguồn lực xã hội hơn. Tổng cục TDTT, các địa phương và VFF sẽ ngồi lại để hài hòa bài toán trách nhiệm và lợi ích... VFF cũng mong muốn nhà nước tháo gỡ khó khăn về mặt cơ chế, chính sách để bóng đá VN có thể sử dụng được các cầu thủ nữ cho đội tuyển quốc gia”.

Nên lập quỹ riêng chỉ cho bóng đá nữ

HLV Đoàn Minh Xương gợi ý cách làm của giải bóng rổ nhà nghề VN - VBA: “Khi số lượng đội bóng còn ít, VFF có thể học cách làm như VBA khi đá 3 lượt đấu khác nhau, chia đều 3 khu vực bắc, trung, nam và luân phiên tổ chức khắp cả nước. Có như thế bóng đá nữ sẽ thực sự đến gần hơn với người hâm mộ. Cách làm giải như một gameshow cũng sẽ giúp VFF dễ dàng trả quyền lợi cho các nhà tài trợ. Kể cả nguồn cầu thủ cũng vậy, VFF có thể học bóng đá Mỹ san sẻ nguồn cầu thủ để tất cả các em đều có thể thi đấu. Nếu đội TP.HCM dư quân có thể cho Sơn La mượn để đá, làm sao trong 1.000 cầu thủ sẽ có 300 em thường xuyên ra sân. Đối tác của VFF đã chi ra 100 tỉ đồng/5 năm với mục tiêu World Cup nhưng nếu xẻ khoản tiền này ra mạnh ai nấy làm thì ai cũng sẽ yếu cả.

Tất nhiên, cũng không thể cào bằng mà ưu tiên cho địa phương khó khăn hoặc xung phong bước vào đầu tư bóng đá nữ. VFF nên huy động nhiều nguồn lực đóng góp lại, ví dụ nguồn tài trợ của đối tác, tiền hỗ trợ của Liên đoàn Bóng đá thế giới - FIFA, tiền dự giải World Cup, các nhà tài trợ khác... Thậm chí nếu cần, chúng ta có thể lập một nguồn ngân quỹ chỉ để đầu tư cho bóng đá nữ nhằm thúc đẩy một cách thực chất và hiệu quả hơn cho phong trào. Tôi thực sự mong qua World Cup nữ 2023, VFF sẽ kết hợp thành công sự ủng hộ của xã hội để biến cơ hội kim cương thành bệ phóng cho bóng đá nữ phát triển vững chắc, lâu dài và hiệu quả”.

Cần có cấu trúc rõ ràng để thành tích phải ổn định

Chuyên gia bóng đá Vũ Tiến Thành nhận xét: “ Bóng đá nữ là sắc đẹp, là vẻ đẹp, là sự mạnh mẽ bên trong yếu tố nữ tính, hoàn toàn VFF và các CLB nên có một công nghệ tổ chức và quản lý để có thể khai thác, làm tăng thêm mối quan tâm, thu nhập. Thế nên, đầu tư cho bóng đá nữ không đơn thuần chỉ là tăng lương, tăng chế độ ăn, chế độ đãi ngộ hay các khoản tiền thưởng thành tích mà còn phải làm cho cấu trúc của đội tuyển nữ và ở từng CLB phải thực sự bền vững theo hướng chuyên nghiệp. Chẳng hạn vừa rồi đội nữ sở dĩ thể lực tốt hơn, chơi với mật độ dày mà cầu thủ không bị xuống sức nhanh là do chúng ta có chuyên gia thể lực hỗ trợ thầy trò HLV Mai Đức Chung. Đây là sự bổ trợ cần thiết và phải làm đồng bộ ở nhiều khâu từ dinh dưỡng, tâm lý.. ở cả đội tuyển và ,muố đội tuyể mạnh thì phải đầu tư làm luôn ở cấp CLB. Tôi đề nghị VFF và các CLB nữ phải hết sức kiên trì để nâng tầm các yếu tố này, phải xem bóng đá nữ như đội chuyên nghiệp của nam, đầu tư các khâu then chốt một cách đồng bộ, có cấu trúc rõ ràng, bắt đầu từ lực lượng trẻ. Không nên đưa ra khó khăn rồi quan ngại mà cần xắn tay làm mạnh mẽ. Có vậy thì thành tích hướng đến đấu trường chân lục mới ổn định, từ đó mục tiêu World Cup mới bền vững, chứ không phải để World Cup 2023 là đầu tiên và cũng là duy nhất thì niềm vui đó sẽ không thể trọn vẹn”. (T.K)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.