Để ca trù không bị mất phách

12/09/2020 07:01 GMT+7

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia - VICAS) vẫn nhớ những ngày nghệ nhân Quách Thị Hồ còn sống.

Bà là báu vật nhân văn sống của ca trù. Bà Hồ hát, gõ phách, giảng giải và ông Hiền ghi lại. “Lúc đầu tôi cũng không hiểu vì sao người biểu diễn vẫn cầm phách, gõ phách mà nghệ nhân lại bảo hát không có phách là thế nào”, ông Hiển nhớ lại. Thắc mắc đó chỉ qua đi khi ông Hiền đã nghiên cứu và tìm ra bài bản của nhịp phách ca trù, bài bản của lối hát ca trù xưa. Để tìm ra quy luật đó, ông Hiền đã mất nhiều năm thu thập tư liệu và 2 năm nghiên cứu.
Ông Hiền từng dạy bài bản này cho CLB ca trù Phú Thị ở Hà Nội hồi năm 2017. Giờ đây, những bài bản đó sẽ được truyền dạy cho những người hát ca trù tại Hải Phòng từ 12.9. “Năm ngoái, họ lên Hà Nội mời tôi dạy. Họ rất biết họ sai, họ cần sửa và điều đó đáng quý. Lúc đầu, họ muốn tự tìm kinh phí nhưng VICAS đã xuất dự án luôn”, ông Hiền nói.
Ông Hiền đã soạn một giáo trình hoàn toàn không có nốt nhạc minh họa, phù hợp với những người hát ca trù ở Hải Phòng. “Lần này tập trung vào dạy phách của bà Hồ và ông Đinh Khắc Ban. Tức là tập trung vào đối tượng cụ thể tinh hoa đấy thôi, không dạy nhiều. Chọn cái tinh hoa nhất, sáng sủa nhất, đỉnh cao nhất mình dạy. Nếu đề tài này thành công sẽ mở ra một hướng mới là quay trở về chuẩn mực cổ điển”, ông nói.
Ông Hiền cũng chia sẻ, trong buổi khai giảng, ông phân tích thế nào là có phách, thế nào là không có phách kèm minh họa. Nỗ lực này để xóa dần tình trạng đa số người biểu diễn ca trù bây giờ không có phách, hay đúng hơn là phách thừa thiếu lung tung. Gõ thừa thiếu như vậy giống như chấm phẩy lung tung và không thể thành câu văn có nghĩa.
Về dự án này, PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng VICAS, cho biết các dự án thực hành văn hóa với nghệ nhân luôn là ưu tiên của viện. Chính vì thế, ông không do dự khi quyết định giao kinh phí thực hiện cho ông Hiền. Ông Hiền vốn có cách làm việc gần gũi và hiệu quả với các nghệ nhân.
“Đầu tư dự án để hỗ trợ nghệ nhân là cách tốt nhất để phát huy cái gốc của di sản văn hóa phi vật thể. Vì thế, các dự án liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể của viện chúng tôi đều yêu cầu phải có hoạt động cùng các nghệ nhân. Do đó, dự án dạy lại bài bản cho nghệ nhân của ông Hiền được thông qua rất nhanh. Trước đây, dự án dạy ca trù ở Hà Nội của ông Hiền cũng đã thành công”, ông Sơn nói.
Nhịp phách ca trù, qua những dự án như thế này, sẽ được nối dài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.