Để 'chạm được' Hoàng thành Thăng Long

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
25/12/2023 07:13 GMT+7

Công chúng chỉ có thể "chạm" vào Hoàng thành Thăng Long khi các kết quả nghiên cứu về di sản này được thể hiện thật sinh động.

"Chúng ta có thể thấy khảo cổ học đã đi được 60% con đường nhận diện để phục dựng điện Kính Thiên", PGS-TS Tống Trung Tín nói trong hội thảo báo cáo về cuộc khai quật Hoàng thành Thăng Long 2023, nhìn lại quãng đường nghiên cứu từ năm 2011 đến nay đối với di sản UNESCO này.

Để 'chạm được' Hoàng thành Thăng Long- Ảnh 1.

Điện Kính Thiên vào thời Pháp thuộc

Tư liệu

Trước đó, đích thân PGS-TS Tín là người "dẫn tour" cho các nhà nghiên cứu và báo chí truyền thông về kết quả nghiên cứu mặt bằng điện Kính Thiên qua các hố khai quật.

Tại hiện trường, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đặt những pano nhỏ giới thiệu kết quả khai quật ở sân để người xem có thể đọc lâu hơn về các hố khai quật, cũng như phân tích về mặt bằng Kính Thiên. Tuy nhiên, dù rất khoa học, những thông tin này dường như chỉ phù hợp với các nhà nghiên cứu, hoặc người đã nhiều năm theo dõi di sản này. Đó không phải là thông tin cho công chúng phổ thông.

Chẳng hạn, một đoạn giới thiệu có ghi: "Dựa vào dấu vết kỹ thuật để lại trên di vật, chúng tôi đã tái hiện 3 bộ đấu củng khác nhau… So sánh với các kiến trúc hiện còn như tòa điện Thánh chùa Bối Khê (Hà Nội), gác chuông chùa Keo (Hải Dương) và mô hình kiến trúc tráng men phát hiện tại khu vực điện Kính Thiên, các bộ đấu củng này có rất nhiều điểm tương đồng. Ngoài ra nếu so sánh với đấu củng Trung Quốc, chúng ta cũng nhận thấy nét gần gũi với thức đấu củng chữ phẩm, trong kiến trung điện thời Minh - Thanh".

Những khái niệm quá chuyên môn như vậy, lại không kèm theo hình minh họa cụ thể sự khác nhau giữa các loại đấu củng khiến công chúng ngại ngần khi đọc, hoặc họ sẽ không đọc.

Dù vậy, ở Hoàng thành Thăng Long cũng có nhiều trưng bày sáng tạo thu hút công chúng. Đó là trưng bày các hiện vật rồng tại Hoàng thành, trưng bày đồ gốm sứ tìm thấy trong nhiều năm khai quật ở đây. Những hiện vật này được bổ sung những phần còn thiếu, hay mô tả cách tạo ra chúng bằng công nghệ 3D, khiến hiện vật gần gũi hơn nhiều.

Hoàng thành Thăng Long là di sản có chiều dài và bề dày lịch sử. Những câu chuyện từ các hố khai quật muốn ngân lên, tạo cảm xúc thì cần có sự hỗ trợ không chỉ của khảo cổ học. Khi đã có những mô hình ảo về điện Kính Thiên, để chạm vào cảm xúc của người xem thì việc giới thiệu kết quả khai quật điện Kính Thiên cần được Hà Nội đầu tư thêm nữa. Một trưng bày như thế sẽ rất thú vị và đúng lúc nếu có vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Đặc biệt, khi Hà Nội đang đổ tiền phục dựng điện Kính Thiên, những trưng bày hấp dẫn lại càng cần hơn, để giúp người dân nhận thức về di sản này rõ ràng hơn. Đây cũng là một trong những cam kết của Việt Nam khi trình hồ sơ di sản Hoàng thành Thăng Long tới UNESCO.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.